Kiến nghị tăng thêm mức đầu tư cho giáo dục

(VOH) - Đây là nội dung được nhiều đại biểu đề cập trong Hội thảo Góp ý Dự án Luật Giáo dục sửa đổi do Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức vào sáng 29/3.

Hội thảo nhằm góp ý cho dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi mới nhất, dự kiến sẽ thông qua vào kỳ họp vào tháng 5 sắp tới. Các đại biểu cho biết hiện mức đóng góp ngân sách cho giáo dục ở nhiều địa phương đạt 25 đến 28%, nhưng đến nay đồng lương, mức sống của người giáo viên vẫn còn khá thấp.

Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi xác định mức đóng góp ngân sách hàng năm dành tối thiểu 20% cho giáo dục cần nên được điều chỉnh nâng lên. Giai đoạn trước đây, một người đi dạy có thể nuôi cả gia đình, có cuộc sống khá tốt.

Luật sư Trương Thị Hoà góp ý Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi. 

Luật sư Trương Thị Hoà, cũng cho rằng nếu người học là tương lai, thì người dạy là người tạo ra tương lai. Vì vậy, chính sách đối với người dạy, đặc biệt trong tình hình hiện nay, cần được quan tâm nhiều hơn.

"Nếu không quan tâm, bản thân người dạy không được giáo dục một cách cách đầy đủ, không được truyền đạt một cách đầy đủ truyền thống nhà giáo Việt Nam, sẽ dễ dàng phát sinh những trường hợp tát tay ở trường... Cũng như nếu không đặt trọng tâm người dạy trong Luật Giáo dục sẽ có những phụ huynh tìm đến nhà trường để mà giải quyết những vấn đề nào liên quan đến người dạy. Cho nên, tôi kiến nghị quan tâm đến nghười dạy nhiều hơn để  từ người dạy bản thân họ mới tôn trọng người học như thế nào, thương người học bằng cái gì? Tôi cho rằng cái triết lý, cái hồn của giáo dục phải tìm trong Luật Giáo dục này".  - Luật sư Trương Thị Hoà nêu ý kiến.

Cùng mối quan tâm đến người dạy học, bà Nguyễn Thi Minh Khanh, Phó trưởng phòng Tổ chức Cán bộ, Sở Y tế, cho rằng ngành giáo và ngành y đều liên quan đến con người, đến an sinh xã hội nhiều. Nếu ngành y chăm lo về sức khoẻ thể chất, thì nhà giáo chăm chút về tâm hồn trí tuệ của con người. Tuy nhiên, ngành y có 12 điều y đức, Bộ Y Tế có bộ quy tắc ứng xử trong ngành y. Trong dự thào Luật Giáo dục cũng nên đặt ra bộ quy tắc ứng xử nhà giáo.

Bà Nguyễn Thi Minh Khanh góp ý: "Ở ngành y có cấp chứng chỉ hành nghề cho người làm việc trong ngành y. Thế nhưng, giáo viên có vấn đề gì đó, vi phạm quy định nhà giáo thì không tước bằng được (vì bằng cấp trải qua quá trình học tập đạt được), thì tước chứng chỉ hành nghề. Vì nghề nhà giáo cũng là nghề đặc biệt."

Các đại biểu cũng cho rằng tín dụng giáo dục là kênh quan trọng, được các nước quan tâm, ngay cả ở các quốc gia phát triển. Để phát triển giáo dục ở một đất nước còn nhiều khó khăn nhưng nhiều người thiết tha đi học như Việt Nam, tín dụng giáo dục cần được quan tâm nhiều hơn. Hiện nay, người được hỗ trợ vay vẫn phải tự đóng tiền trước, sau đó mới được trả lại, nên nhiều trường hợp phải đi vay, chịu lãi suất.

Đại biểu Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng Ban Văn hoá Xã hội Hội đồng Nhân dân TP cho rằng tín dụng giáo dục, hiện chủ yếu tập trung ở sinh viên sư phạm. “Hiện các trường đài học thực hiện tự chủ tài chính, học phí sẽ cao, học theo tín chỉ. Các gia đình vùng sâu vùng xa, điều kiện tiếp cận học phí cho các em học tại các trường đại học sẽ rất khó khăn. Tính đến làm sao giáo viên giảng viên sống được bằng lương thì chắc chắn mức học phí sẽ áp dụng vào người học. Nếu không có tiếp cận tín dụng sẽ rất khó khăn." - Bà Thi Thị Tuyết Nhung cho biết. 

Ngoài ra, tại hội thảo các đại biểu cũng góp ý về những bất cập trong công tác liên thông nghề nghiệp, hướng nghiệp phân luồng, các loại hình trường, vấn đề thương mại hoá trong giáo dục... 

Nguyên cán bộ thanh tra tỉnh lừa ‘chạy việc’ gần 100 người - Mức chi phí để "chạy việc" từ 140-300 triệu đồng/suất.
Hai xe máy tông trực diện trong đêm, 1 người tử vong, 1 người nguy kịch - Sáng 29.3, Công an xã Bàu Hàm 2, H.Thống Nhất (Đồng Nai) cho biết vụ hai xe máy tông trực diện xảy ra vào tối 28.3 làm 1 người tử vong và 1 người nguy kịch.