Làm sao để không mua nhầm... hải sản

(VOH) - Hơn 20% người tiêu dùng Mỹ mua “nhầm” hải sản. Cá hồi, cá mú, cá hồng là 3 loài cá thường bị nhầm nhất tại Mỹ.

Health cho biết, một báo cáo mới phát hành của Oceana – một nhóm bảo tồn đại dương cho thấy, việc gian lận thủy sản và dán nhãn sai tràn lan đang xảy ra ở tất cả các khâu của quá trình: từ thuyền đánh cá, chế biến tới khi bày trên kệ cửa hàng và nhà hàng - trước khi tới tay người tiêu dùng.

Cá càng qua nhiều khâu chế biến càng dễ bị "gian lận" (Ảnh minh họa: The New York Times)

Để có được số liệu công bố về tỷ lệ gian lận hải sản trên toàn thế giới, Oceana xem xét hơn 200 nghiên cứu được công bố trước đó từ 55 quốc gia kết hợp với kiểm tra hơn 25.000 mẫu hải sản.

Trung bình, khoảng 20% mẫu được kiểm tra trên thị trường ghi sai thông tin. Hơn nữa, 58% các mẫu giả hóa ra là loài có nguy cơ gây hại sức khỏe do ký sinh trùng, hóa chất môi trường, nguy cơ dị ứng, hoặc những nguy hiểm tiềm năng khác.

Oceana kết luận, chắc chắn có gian lận hải sản tại một trong các công đoạn trong chuỗi cung ứng như đóng gói, chế biến, nhập khẩu, xuất khẩu, phân phối, bán buôn, bán lẻ.

Tại Mỹ, tỷ lệ gian lận thậm chí còn cao hơn so với ước tính toàn cầu: khoảng 28%, theo một sự kết hợp của nghiên cứu được công bố từ năm 2014.

"Đôi khi một con cá có giá trị thấp như cá rô phi hay cá tra bị “nhầm” thành các loại cá đắt tiền khác" - Beth Lowell, Giám đốc chiến dịch gian lận hải sản nói. Báo cáo cho thấy rằng, trên toàn cầu, cá tra bị “nhầm” thành 18 loại cá khác nhau - có giá cao hơn.

Lowell nói rằng gian lận hải sản khó phát hiện khi đã tới tay người tiêu dùng. Đó là lý do họ đang gay gắt yêu cầu đảm bảo chất lượng và có trách nhiệm trong ngành công nghiệp chế biến thủy hải sản.

Dưới đây là một vài điều Beth Lowell chia sẻ để người tiêu dùng giảm thiểu nguy cơ mua nhầm hải sản.

Mua càng gần với cá nguyên con càng tốt

Càng qua nhiều giai đoạn chế biến, hải sản càng có nhiều khả năng bị gian lận. Do đó, hãy mua nguyên một con cá từ chợ/siêu thị và nhờ họ sơ chế là cách tốt để biết chắc loại cá bạn mua.

Đặt câu hỏi cho người bán tại quầy

Cho dù bạn đang ở trong một nhà hàng hay tại các siêu thị, chắc chắn rằng những người bán hàng có thể cho bạn biết nguồn gốc và phương pháp đánh bắt cá. Nếu họ không thể cung cấp cho bạn thông tin cơ bản về sản phẩm, bạn có thể mua một loại khác.

Hãy xem xét giá

Nếu bạn nhìn thấy bán 1 kg cá hồi Thái Bình Dương với giá 15,44 đô la Mỹ, có thể đây không phải là cá hồi Thái Bình Dương. Hãy xem xét giá các loại cá và đừng ham mua lại cá quá rẻ so với giá trị của nó.

Chọn nhãn hiệu có ghi rõ nguồn gốc hải sản

Rất nhiều chuỗi nhà hàng và thậm chí siêu thị yêu cầu nhà cung ứng hải sản có trách nhiệm cho biết nguồn gốc và quá trình chế biến từ đầu đến cuối và sẽ cung cấp thông tin này cho người tiêu dùng. Khi mua hải sản đông lạnh đóng gói sẵn, tốt hơn là hãy tìm kiếm thông tin này trên nhãn. Một số thương hiệu sử dụng mã QR, bạn có thể dùng ứng dụng điện thoại để đọc mã và xem quá trình từ đại dương tới bàn ăn của cá.