Làm sao để thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong trường phổ thông?

(VOH) - Một số chuyên gia cho rằng, hoạt động nghiên cứu khoa học trong trường phổ thông ở nước ta hiện nay chưa phát triển sâu, rộng. Làm sao để thúc đẩy điều này?

Trong những năm gần đây, việc nghiên cứu khoa học trong các trường phổ thông nhận được sự quan tâm và tham gia tích cực của giáo viên và học sinh các trường. Tuy nhiên, so với các nước đang phát triển, việc nghiên cứu khoa học của học sinh Việt Nam còn khá mới mẻ và thiếu sự hỗ trợ tích cực từ ngành giáo dục.

Nhiều cuộc thi sáng tạo nhưng hiệu quả chưa cao

Nghiên cứu khoa học giúp các em học sinh phát triển kỹ năng tự học, kích thích sự sáng tạo của các em học sinh. Hơn hết, việc nghiên cứu khoa học còn khiến các em khởi nghiệp từ chính những sản phẩm, sáng tạo của mình.

nghiên cứu khoa học

Các em học sinh trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm thuyết trình ý tưởng sáng tạo tại Ngày hội Stem Day 2019 (Ảnh: LH)

Với các thầy cô giáo, nghiên cứu khoa học giúp chính thầy cô đổi mới cách dạy học, nếu định hướng tốt, các thầy cô còn giúp các em học sinh phát huy tối đa khả năng chủ động, sáng tạo và thu nhận nhiều kiến thức hữu ích trong quá trình nghiên cứu. Từ đó, thầy cô có thể đổi mới cả cách đánh giá kết quả học tập của học sinh và tiến tới nâng cao chất lượng giảng dạy.

Tuy nhiên thực tế cho thấy, hoạt động nghiên cứu trong các trường trung học tại Việt Nam hiện nay chỉ mang tính phong trào, nghiên cứu để có sản phẩm “dự thi” chứ chưa xuất phát từ việc đổi mới giảng dạy, chưa tạo được môi trường nghiên cứu, phát triển tư duy cho học sinh.

Để khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học trong trường phổ thông, hàng năm có rất nhiều cuộc thi nghiên cứu khoa học, sáng tạo trong nước và quốc tế được tổ chức: Cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật dành cho học sinh trung học (được Bộ GD&ĐT phát động từ năm 2012); Hội thi khoa học, kĩ thuật quốc tế (Intel ISEF)…

Từ các cuộc thi này, mỗi năm có hàng chục ngàn dự án của học sinh tham gia cả cấp cơ sở và cấp quốc gia với khoảng trên dưới 1.000 học sinh của 63 tỉnh/thành phố, các trường trung học trực thuộc và các trường THPT chuyên thuộc các Đại học, trường Đại học tham dự.

Đây là con số không nhỏ nhưng lại quá khiêm tốn nếu so sánh với con số hàng triệu học sinh phổ thông trên cả nước hiện nay.

nghiên cứu khoa học, học sinh trung học

TS Nguyễn Lâm Duy - Phó trưởng Khoa Vật lý Đại học Sư phạm TPHCM chia sẻ trong chương trình (Ảnh: LH)

TS Nguyễn Lâm Duy - Phó trưởng Khoa Vật lý Đại học Sư phạm TPHCM nhìn nhận: “Mặc dù các cuộc thi về nghiên cứu khoa học được tổ chức nhiều, số đề tài và số lượng học sinh tham gia tăng qua từng năm nhưng các cuộc thi còn quá mới mẻ và chưa thực sự khuyến khích được hoạt động này tại các trường trung học”.

Lý giải nguyên nhân về hoạt động nghiên cứu khoa học trong trường phổ thông chưa phát triển mạnh và đồng đều ở các trường, theo TS Duy là do học sinh chưa đủ kiến thức để thực hiện ý tưởng, kèm theo đó là sự bỡ ngỡ khi bắt tay vào triển khai. Trong khi đó, giáo viên chuyên về giảng dạy lại thiếu kỹ năng định hướng và hướng dẫn học sinh nghiên cứu.  

Các cuộc thi sáng tạo, nghiên cứu khoa học được tổ chức nhiều nhưng chỉ dừng lại ở mức tuyên dương, trao giải mà không có sự hỗ trợ lâu dài cho các đề tài hay, có tính ứng dụng cao để các em học sinh có thể tiếp tục nghiên cứu, phát triển ý tưởng của mình. Không ít sản phẩm đoạt giải bị xếp vào kho và “phủ bụi” ngay sau khi được trao giải.

Thầy Nguyễn Phú Đức (Giáo viên chuyên Hóa - trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong) trăn trở: "Ở các nước phát triển học sinh nghiên cứu khoa học, nếu đoạt giải thì được cung cấp kinh phí để nghiên cứu tiếp nhưng ở nước ta chưa có chính sách này. Trường cũng chủ động hỗ trợ các em kinh phí nghiên cứu, nhưng con số rất nhỏ và như vậy, các nghiên cứu không thể thực hiện lâu dài”.

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học theo cách làm của người Hàn

Tại hội thảo với chủ đề “Các nhà khoa học trẻ” do Trung tâm Xúc tiến chương trình Nghiên cứu và Giáo dục (R&E Center – Hàn Quốc), Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong TPHCM và TTC Edu tổ chức diễn ra trong hai ngày 25 - 26/7, nhiều chuyên gia Hàn Quốc đã chia sẻ về cách thức thúc đẩy nghiên cứu khoa học tại các trường tiểu học, trường phổ thông của nước này.

Theo đó, tại các trường phổ thông của Hàn Quốc hiện nay, các giáo viên đều được tham gia các lớp huấn luyện, đào tạo chuyên về khoa học và hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học và được cấp chứng chỉ về nghiên cứu. Do đó, giáo viên có thể tự tin huấn luyện cho các em học sinh nghiên cứu khoa học và giúp các em biến ý tưởng thành hiện thực.

Ngoài ra, các giáo viên còn được nhận lương khi hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học, đó là một trong những lý do mà hoạt động nghiên cứu khoa học nước này tương đối phát triển.

Trong chương trình học, các em học sinh luôn được thực hành các thí nghiệm khoa học, được tiếp cận với ngôn ngữ lập trình (coding) đơn giản ngay từ bậc tiểu học… từ đó, việc nghiên cứu cũng trở nên quen thuộc với các em.

Giáo sư Choi Byung Ok - Đại học Kyungnam cho biết thêm, tại Hàn Quốc, các viện nghiên cứu khoa học có trách nhiệm hỗ trợ các chương trình nghiên cứu của người dân, trong đó có cả việc hỗ trợ cho các học sinh trung học nghiên cứu. Do đó, nếu các em học sinh có các công trình nghiên cứu mang tính ứng dụng cao thì cũng được các viện nghiên cứu hướng dẫn phát triển thêm.

Trong khi việc nghiên cứu khoa học trong các trường phổ thông tại Hàn Quốc luôn được hỗ trợ và dồn nhiều nguồn lực để “ươm mầm” thì tại các trường phổ thông nước ta vẫn chú trọng nhiều vào trang bị kiến thức cho học sinh mà thiếu sự thực hành, tương tác.

Mặc dù nghiên cứu khoa học là cách để các em vận dụng những kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn của cuộc sống, nhưng hiện nay, hoạt động này chưa có chỗ đứng, chưa được dành “không gian” và chưa được dành thời gian trong chương trình học. Đó thực sự là điều đáng tiếc nếu việc đổi mới giáo dục sắp tới đây bỏ qua hoạt động này.

Theo TS Nguyễn Lâm Duy - Phó trưởng Khoa Vật lý Trường ĐH Sư phạm TPHCM: “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã công bố mục tiêu giáo dục học sinh phổ thông là rèn luyện tốt 5 phẩm chất (yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm) và 10 năng lực cốt lõi. Nếu hoạt động nghiên cứu khoa học trong các trường phổ thông được đẩy mạnh thì các em học sinh có thể rèn được nhiều phẩm chất như trung thực, chăm chỉ, trách nhiệm và hầu hết các năng lực trong mục tiêu này”.

Từ mô hình phát triển nghiên cứu khoa học của Hàn Quốc, từ giá trị thực tế từ hoạt động nghiên cứu khoa học mang lại, ngành giáo dục cần chú trọng hơn đến việc lồng ghép hoạt động nghiên cứu khoa học trong chương trình giảng dạy, có cơ chế khuyến khích giáo viên hướng dẫn, có giải pháp hỗ trợ nghiên cứu cho các ý tưởng hữu ích của các em học sinh.

Có như vậy mới thúc đẩy các em học sinh phổ thông nghiên cứu khoa học, thắp lửa đam mê cho các nhà khoa học tương lai.