Lưu ý chạy xe an toàn ngày mưa

(VOH) - Mẹ làm rơi con khi chở con trên đường ngập nước, áo mưa cuốn vào bánh khiến xe đổ nhào, giày dép rơi bị nước cuốn trôi… là những sự cố thường xảy ra trong những ngày mưa ngập. Dưới đây là một số “bí kíp” các bậc cha mẹ nên sử dụng để tránh các sự cố này.

Chở trẻ trên đường ngập nước hết sức rủi ro (Ảnh: An Nhơn)

Hạn chế mặc áo mưa choàng

Áo mưa choàng là loại áo mưa phổ biến được nhiều người chọn vì có thể che toàn bộ đầu xe và có thể che cho cả người đằng sau. Tuy nhiên, đôi khi loại áo mưa này lại gây ra sự cố nghiêm trọng mà người ngồi trên xe khó có thể xử lý kịp. Chẳng hạn như áo mưa quấn vào bánh xe hay tà áo mưa bị gió tạt văng vào mặt khiến người lái xe chới với vì không nhìn thấy đường…

Cư dân mạng hiện vẫn còn truyền nhau câu chuyện về một tai nạn thương tâm xảy ra giữa tháng 9/2016 tại TPHCM. Đó là trường hợp người mẹ đang chở con đi học về, tà áo mưa phía sau đã quấn vào bánh xe, dẫn đến tay lái loạng choạng, ngã ra đường. Lúc đó thì một xe tải chạy phía sau đã không kịp phanh và cán qua người bé.

Đó là một trong các lý do các bậc cha mẹ nên cân nhắc khi chọn áo mưa, nhất là trong trường hợp chở trẻ trên xe. Tốt nhất, cha mẹ nên mặc áo mưa bộ hoặc áo mưa trùm để có thể điều khiển xe một cách chủ động, dễ dàng. Việc mặc áo mưa riêng cũng giúp các bậc phụ huynh dễ quan sát trẻ hơn khi lái xe.

Cha mẹ nên cho trẻ nhỏ mặc áo mưa bộ với quần riêng, áo riêng để bé ngồi sau thoải mái, mà vẫn dễ dàng ôm, bám vào cha mẹ. Nếu sợ trẻ bị nước mưa văng vào mặt, cha mẹ nên cho trẻ đội nón bảo hiểm có kính chắn để hạn chế nước mưa hoặc nước bẩn bắn vào mặt, mắt.

Nên dùng khăn hoặc đai cố định bé với cha mẹ

Trong đợt mưa ngập vừa qua, một bà mẹ đã chia sẻ trên diên đàn webtretho về việc chở con về lúc trời mưa. Do đường ngập nước và nước chảy siết quá nên loay hoay thế nào, con ngồi phía sau rơi xuống nước. Rất may, bé bám được vào con lươn ở giữa đường nên không bị nước cuốn trôi.

Một bà mẹ khác chạy xe trên đường Phan Huy Ích, Tân Bình cũng “đánh rơi” con trên đường ngập nước nhưng cũng may là được người dân giúp đỡ và đưa được bé vào vỉa hè.

Xem video hướng dẫn cách chở trẻ an toàn bằng xe máy (Nguồn: VOH)

Những sự cố tương tự đôi khi chính người trong cuộc cũng không nghĩ sẽ xảy ra với mình, tuy nhiên, việc cha mẹ lái xe trong trời mưa lớn không phải là điều dễ dàng và sự cố tương tự rất có thể xảy ra. Chính vì vậy, với những trẻ học cấp 1, mẫu giáo – việc bám víu chưa chắc, trẻ cũng dễ bị xao nhãng bởi nước ngập xung quanh. Do đó, khi chở trẻ, cha mẹ nhớ dùng khăn hoặc đai cố định trẻ với mình để dễ bề xử lý khi đường ngập khó đi.

Hãy cho trẻ đi giày hoặc dép có quai hậu

Ở độ tuổi mẫu giáo, nhà trẻ, cha mẹ thường cho trẻ ăn mặc khá xuề xòa, nhất là hay cho trẻ đi dép đến trường – vì đằng nào đến trường trẻ cũng… đi chân đất.

Tuy nhiên, trong đợt mưa vừa qua, chúng tôi đã bắt gặp cảnh người mẹ dắt xe máy trên đường ngập mà con cứ khóc ngằn ngặt đòi mẹ quay lại nhặt cho bằng được chiếc dép bị rơi. Tuy nhiên, người mẹ đành chịu để con khóc do xe thì chết máy còn đường quá đông xe.

Để tránh rời vào tình cảnh “khóc dở, mếu dở” như trường hợp này, các bậc cha mẹ chú ý nên cho trẻ đi các loại dép có quai hậu bởi trong tình trạng trời mưa xối xả, nước cuốn trôi mất dép thì rất khó xử lý, nhất là khi bé yêu thích đôi dép của mình. Thực tế, đối với cha mẹ, việc mất dép là chuyện nhỏ nhưng dỗ dành trẻ trong tình huống trên là điều không dễ chịu chút nào.

Đừng chạy xe nếu đường quá ngập

Mùa mưa tại TPHCM dự kiến sẽ kéo dài đến hết tháng 11 và dự báo sẽ còn nhiều đợt mưa trên diện rộng. Nếu mưa kết hợp với triều cường thì tình trạng ngập nước rất khó dự đoán. Chính vì vậy, để an toàn, các bậc cha mẹ nên theo dõi sát tình hình dự báo thời tiết để chủ động sắp xếp lịch đưa đón trẻ. Ngoài ra, trong trường hợp trời mưa quá lớn, đường ngập quá sâu thì tốt nhất mẹ nên tìm cách né vào một điểm nào đó (như nhà sách, quán ăn, quán cà phê…) để chờ nước rút bớt hãy đưa trẻ về.

Chở trẻ khi đường ngập nước rất nguy hiểm (Ảnh minh họa: internet)

Nhớ đừng nóng vội chở trẻ trong mưa vì điều khiển xe trong hoàn cảnh này rất rủi ro và căng thẳng. Đó là chưa kể đến việc trẻ dầm mưa lâu sẽ bệnh hay trường hợp xe chết máy phải dắt bộ. Hãy tìm giải pháp an toàn nhất cho trẻ, cho mình và cho cả chiếc xe.