Người giáo viên phổ thông với sứ mệnh làm cho Tiếng Việt trong sáng hơn

(VOH) - “Người giáo viên phổ thông với sứ mệnh làm cho Tiếng Việt trong sáng hơn” là chủ đề của Hội thảo khoa học do trường Đại học Sư phạm TPHCM và Hệ thống trường EMASI tổ chức sáng nay (11/11).

Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia giáo dục, giáo viên Ngữ Văn đến từ 113 trường phổ thông tại TPHCM.

Hội thảo tập trung thảo luận các vấn đề: Vai trò của bộ môn Ngữ Văn trong việc hình thành và phát triển nhân cách cho học sinh ở nhà trường phổ thông; Những vấn đề về dạy Tiếng Việt tiểu học trong chương trình giáo dục phổ thông 2018; Giá trị của văn hóa đọc trong giới trẻ hiện nay; Giải pháp phát triển năng lực ngôn ngữ cho học sinh trung học EMASI, Chương trình Tiếng Việt, Ngữ Văn hiện hành với việc hình thành văn hóa giao tiếp cho các em học sinh…

Đỗ Ngọc Thống
PGS-TS Đỗ Ngọc Thống – Chủ biên Chương trình môn Tiếng Việt và Ngữ Văn Quốc gia năm 2018

Nhấn mạnh vai trò của bộ môn Ngữ Văn trong việc hình thành và phát triển nhân cách cho học sinh ở nhà trường phổ thông, PGS-TS Đỗ Ngọc Thống – Chủ biên Chương trình môn Tiếng Việt và Ngữ Văn Quốc gia năm 2018 cho rằng: Tình trạng sử dụng sai tiếng Việt, viết sai chính tả tràn lan đang ảnh hưởng đến văn hóa, sự hình thành nhân cách của giới trẻ… Tuy nhiên, chúng ta lại chưa có hành lang pháp lý, những quy định cụ thể cho việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Mục tiêu của của bộ môn Ngữ Văn trong chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 là góp phần giáo dục phẩm chất, đạo đức, nhân cách của học sinh thông qua việc dạy cách đọc, cách viết, cách nói và lắng nghe… Làm được điều đó, các giáo viên bộ môn cần dạy tốt môn Văn theo đúng yêu cầu, không cần phải gò ép các em theo khuôn mẫu mà nên hướng dẫn các em đọc và cảm nhận cái hay của tác phẩm. Đó là cách giáo dục đạo đức và nhân cách tốt nhất cho các em.

Từ đó, để “Sứ mệnh làm cho Tiếng Việt trong sáng hơn” trở thành nhiệm vụ khả thi, PGS-TS Nguyễn Thành Thi – Phó chủ tịch Hội nghiên cứu và giảng dạy văn học TPHCM cho rằng: Tiếng Việt là vốn quý, có tiềm năng vô cùng phong phú và cần được khai thác chứ không cần cải cách, điều chỉnh thêm bớt. Sứ mệnh giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt không chỉ là nhiệm vụ của riêng giáo viên môn Ngữ Văn mà đó còn là trách nhiệm của các thầy cô giáo bộ môn khác, sự tham gia của xã hội, phụ huynh…

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với định hướng phát triển năng lực sẽ tạo thuận lợi để phát huy vai trò của bộ môn Ngữ Văn. Bên cạnh đó cần có những chủ trương, chính sách của nhà nước để có những quy định cụ thể giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt, nên có những sự kiện tôn vinh chữ viết, ngôn ngữ Việt như các quốc gia khác đã làm để các giáo viên, học sinh có ý thức hơn trong việc giữ gìn tiếng Việt.

Xung quanh việc giáo dục nhận thức văn hóa thông qua hoạt động giảng dạy từ vựng tiếng Việt trong nhà trường, TS Huỳnh Thị Hồng Hạnh, Trưởng khoa Ngôn ngữ học – Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM cho biết: Việc học Tiếng Việt từ trước đến nay trong nhà trường còn chú trọng ngữ pháp, cấu trúc… Tuy nhiên nếu biết cách khám phá, tiếp cận những giá trị văn hóa trong ngôn ngữ thì học sinh sẽ có ý thức hơn trong việc học Tiếng Việt.

tiếng việt
Môn Tiếng Việt chỉ được giảng dạy với tư cách là một môn học độc lập ở bậc tiểu học (Ảnh: LH)

Hiện nay, chỉ ở bậc tiểu học, môn Tiếng Việt mới được giảng dạy với tư cách là một môn học độc lập, còn ở các bậc học khác việc giảng dạy tiếng Việt được tích hợp trong môn Ngữ Văn, kết hợp dạy văn với việc cung cấp kiến thức và rèn luyện các kỹ năng sử dụng tiếng Việt. Vì vậy việc giảng dạy tiếng Việt tích hợp với giáo dục nhận thức văn hóa, bồi đắp tình yêu đối với tiếng Việt hoàn toàn có thể được tiến hành thông qua nhiều hình thức: Lồng ghép việc dạy về âm và nghĩa của từ với các nội dung ngôn ngữ - văn hóa trong các đơn vị bài học; Tổ chức các dự án tìm hiểu văn hóa Việt qua từ ngữ (tổ chức các cuộc thi “Em yêu tiếng Việt”) cho học sinh tham gia; Hướng dẫn học sinh tìm hiểu ý nghĩa của các địa danh, từ ngữ địa phương nơi học sinh sinh sống bằng các chương trình ngoại khóa (chương trình địa phương). Đây không chỉ là trách nhiệm của các giáo viên mà còn của cả hệ thống giáo dục.

Chia sẻ về thực tế về giảng dạy Tiếng Việt trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 hiện nay, Ths Nguyễn Quang Vinh – Trưởng phòng giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT TPHCM cho biết: Thời lượng môn Tiếng Việt hiện nay được tăng 70 tiết so với chương trình trước đây, từ đó các thầy cô giáo có thêm thời gian để dạy tốt các kỹ năng nghe nói viết cho các em học sinh lớp 1. Tuy nhiên chương trình phổ thông năm 2018 năm nay được triển khai trong hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19 khiến các em lớp Lá không được đến trường đầy đủ, kế hoạch năm học bị ảnh hưởng, thời gian tựu trường gấp rút.

Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM đã có các văn bản hướng dẫn, hội thảo chuyên đề tăng cường hoạt động dạy học phổ thông, từ đó đề ra nhiều giải pháp như: Giáo viên có thể linh hoạt điều chỉnh nội dung, đổi mới phương thức dạy học theo hướng tích hợp, dạy học theo cá thể theo từng đối tượng học sinh; các trường tổ chức sinh hoạt chuyên môn, tập trung hỗ trợ giáo viên; tăng cường quá trình dự giờ, thăm lớp để góp ý, trao đổi kinh nghiệm cho thầy cô, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho giáo viên.

Năm học 2020-2021, có 5 bộ sách giáo khoa được triển khai, nhưng chương trình mới là pháp lệnh, sách giáo khoa chỉ là ngữ liệu. Bên cạnh đó là công tác đổi mới kiểm tra đánh giá, trong đó chú trọng tới sự tiến bộ của từng em, không so sánh tạo áp lực cho các em. Vai trò của phụ huynh cũng rất quan trọng để tạo môi trường học tập an toàn, tạo hứng thú cho các em…

Một giải pháp cũng được các đại biểu đặt ra là việc hình thành thói quen đọc sách cho các em học sinh. Để làm được điều này, người thầy đóng vai trò quan trọng trong việc truyền cảm hứng, khơi dậy niềm hứng thú đọc sách cho các em. Nhà trường cũng cần tham gia trang bị, lựa chọn nguồn sách phù hợp cho các em; tổ chức các câu lạc bộ, sự kiện đọc sách; kết nối kiến thức từ sách và các hoạt động thực tế…