Người thầy trước những thách thức thời đại

(VOH) - Ông bà ta đã từng nói "Muốn sang thì bắc cầu Kiều, muốn con hay chữ phải yêu kính thầy". Vai trò của người thầy, dù ở giai đoạn phát triển nào vẫn luôn được đề cao và coi trọng.

Tuy nhiên, ngày nay những thay đổi từ thực tế xã hội, sự phát triển công nghệ dạy học, đã có thể thay thế phần nào vai trò của người thầy trên lớp. Vai trò vị trí của người thầy phải đối mặt với nhiều thách thức. Xung quanh nội dung này, Đài TNND TPHCM tổ chức toạ đàm "Vai trò người thầy trước những yêu cầu mới" với sự tham gia của ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM; PGS.TS Ngô Minh Oanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục, Đại học Sư phạm TPHCM; Ông Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn, Quận 3.

Ngày nay những thay đổi từ thực tế xã hội, sự phát triển công nghệ dạy học, đã có thể thay thế phần nào vai trò của giáo viên trên lớp. Nếu trước đây những lời thầy cô giảng là kênh thông tin duy nhất để học sinh nâng tầm kiến thức của mình, thì nay các em có thể tìm hiểu về vấn đề mình quan tâm từ rất nhiều nguồn khác nhau. Vị trí độc tôn của giáo viên dường như đã không còn.

Như vậy không có nghĩa là vai trò quan trọng của người thầy bị sút giảm. Điều quan trọng là giáo viên ngày nay phải thay đổi, thích ứng như thế nào?

Xã hội luôn đòi hỏi và kỳ vọng cao ở các thầy cô giáo. Ảnh minh họa: TNO

*VOH: Trong cuộc đời của mỗi người chắc hẳn ai cũng có hình ảnh của người thầy, người cô đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong quá trình trưởng thành. Người giáo viên có vai trò như thế nào trong sự hình thành nhân cách của học sinh cũng như  sự phát triển của xã hội?

- PGS.TS Ngô Minh Oanh, Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục, ĐH Sư Phạm TPHCM: Sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ không chỉ nhà trường mà còn của gia đình và xã hội. Tuy nhiên, ở nhà trường, người thầy có vai trò quan trọng. Trước hết người thầy cung cấp tri thức về khoa học tự nhiên và xã hội. Từ đó hình thành nên nhân sinh quan và thế giới quan và thông qua đó rèn luyện giáo dục nhân cách cho các em.

Có rất nhiều người thầy đã trở thành tấm gương về kiến thức, tấm gương về đạo đức, về nhân cách và trở thành hình mẫu lý tưởng cho các em. Nhiều thầy giáo thông qua thuyết phục về kiến thức về nhân cách, đạo đức của mình đã định hướng trong cuộc đời học sinh. Ví dụ định hướng về nghề nghiệp, về lối sống, về nhân cách. Người thầy giáo vừa dạy chữ vừa dạy người và có vị trí vô cùng quan trọng.

*VOH: Tuy nhiên, ngày nay người thầy không còn giữ vị trí độc tôn trong việc truyền thụ kiến thức. Để tìm hiểu tiếp cận một vấn đề nào đó, các em có thể tìm thông tin trên internet, các lớp học trực tuyến, sách báo, các ứng dụng thông minh... đôi khi những kiến thức này có thể mới hơn, sát thực hơn với tình hình thực tế. Là đơn vị quản lý giáo dục, thưa ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT đánh giá như thế nào về thực tế này?

- Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT: Đúng là hiện nay, quá trình dạy học không phải là cung cấp kiến thức cho học sinh nữa. Bởi vì, quá trình tìm tòi kiến thức có thể ở rất nhiều kênh. Tuy nhiên, vai trò thầy cô giáo trong giai đoạn này củng hết sức quan trọng ở việc định hướng các em học, nghiên cứu như thế nào trên các trang mạng, chọn lọc những nội dung thông tin để biến thành kiến thức của mình thì không đơn giản.

Cho nên, giáo viên cần phải biết định hướng cho học sinh, tổ chức các hoạt động học của học sinh thành học cá nhân, học nhóm. Quá trình học trở thành quá trình tích luỹ kiến thức, biến các thông tin từ các kênh tham khảo trở thành kiến thức của người học. Lặp đi lặp lại quá trình này ở nhiều môn học sẽ trở thành kỹ năng. Do đó vai trò dẫn dắt của người thầy rất quan trọng.

*VOH: Cùng với sự phát triển công nghệ là sự phổ biến của mạng xã hội, của mặt trái kinh tế thị trường, một số chuẩn mực đạo lý bất di bất dịch trước đây bị tác động mạnh mẽ. Những thông tin thầy đánh trò, trò đánh thầy, phụ huynh bạo hành thầy giáo... đã làm ảnh hưởng phần nào đến hình ảnh của những người giáo viên trong xã hội hiện đại. Thưa PGS. TS Ngô Minh Oanh, ông suy nghĩ như thế nào về thực trạng này?

- PGS.TS Ngô Minh Oanh, Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục, ĐH Sư Phạm TPHCM: Riêng cá nhân tôi thì không hoàn toàn bi quan về các hiện tượng đó. Bởi vì, tính trên 1 triệu giáo viên với hàng chục ngàn trường học trên cả nước thì việc thầy đánh trò, trò đánh thầy và các hiện tượng tiêu cực khác diễn ra trong một số rất ít. Về cơ bản, đạo lý thầy trò hiện nay vẫn giữ được rất tốt.

Tuy nhiên, với những hiện tượng như vậy cũng là dấu hiệu đáng báo động về tình trạng sa sút văn hoá trong trường học. Nguyên nhân thứ nhất là môi trương văn hoá của nhà trường là sự phản ánh môi trường kinh tế xã hội của một đất nước, cho nên những tiêu cực bên ngoài dội vào trong nhà trường. Nhà trường không cách nào tránh được làn sóng đó.

Thứ hai là đối với các thầy giáo nhiều khi sự kiềm chế còn hạn chế, thậm chí do ảnh hưởng tác động của kinh tế thị trường và nó dẫn đến cái xung đột giữa thầy và trò. Tôi nghĩ rằng cần xây dựng một văn hoá ứng xử trong nhà trường, trước hết người thầy phải làm gương để hướng các em đi đúng hướng về giáo dục đạo đức trong trường học.

*VOH: Thực tế ở trường học, thầy Hà Hữu Thạch có chia sẻ gì về thực trạng này?

- Ông Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng THPT Lê Quý Đôn, Quận 3: Tôi rất đồng tình với ý kiến của thầy Oanh, trước tiên phải xây dựng hình ảnh người thầy và người thầy phải không ngừng rèn luyện mình để có được bản lĩnh khi tiếp xúc và giải quyết vấn đề. Bên cạnh đó, tăng cường giáo dục học sinh về văn hoá ứng xử và ý thực biết chấp hành những quy định để tránh được xung đột.

Thứ hai, phải tăng cường mối quan hệ giữa nhà trường với gia đình. Tôi rất là thích khi được công khai mọi vấn đề của nhà trường đến với phụ huynh để họ có thể chia sẻ hoặc trực tiếp làm việc với nhà trường khi có vấn đề hoặc mâu thuẫn xảy ra. 

*VOH: Những thực trạng này có phải là nguyên nhân, mà ngày càng có ít người giỏi chọn vào học sư phạm không?

- PGS.TS Ngô Minh Oanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục, ĐH Sư phạm TPHCM: Thực tế năm vừa qua, nhiều thống kê cho rằng đầu vào các trường sư phạm điểm rất thấp.

Vào sư phạm hiện nay có các chế độ như miễn giảm học phí, nhưng đặt 4 năm trong trường sư phạm với gần 40 năm hành nghề sau này, đời sống giáo viên còn rất thấp. Cộng áp lực công việc, yêu cầu cao của phụ huynh và đòi hỏi rất lớn của học trò, cái áp lực là vô cùng nặng nề. Những điều này ảnh hưởng đến suy nghĩ của mọi người và làm cho ngành sư phạm thiếu hấp dẫn.

Nếu muốn nâng cao điểm đầu vào sư phạm, cần có một chính sách tổng thể, không chỉ những ưu đãi trong quá trình học tập mà phải chăm lo đời sống của giáo viên sau khi ra trường.

Để người giáo viên khẳng định được vị trí vai trò của mình, đặc biệt trong giai đoạn của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bên cạnh những nỗ lực của chính người giáo viên, rất cần những chính sách cơ chế hợp lý.