Người xây nhà, đào giếng tặng "người dưng"

(VOH) – 57 tuổi, chưa lập gia đình, đang nuôi dưỡng người em gái bị tâm thần, người đàn ông ấy lấy niềm vui sống từ những nụ cười và cả giọt nước mắt hạnh phúc của gần trăm gia đình được ông xây nhà, đào giếng tặng.

Ông Trịnh Nhất Thân.

Làm thiện nguyện vì từng nghèo, từng cực

Chúng tôi gặp ông trong một chuyến làm thiện nguyện đầu xuân tại tỉnh Bến Tre.

Ông có một cô em gái ruột bị bệnh tâm thần. Mấy chục năm ông gác chuyện hạnh phúc riêng tư để lo cho em từ cái ăn, cái ngủ. Lúc bận bịu bên em, ông làm thiện nguyện từ xa. Sau này em gái ông phải vào bệnh viện tâm thần ở Đồng Nai điều trị dài hạn, ông quảy ba lô lang bạt giúp đỡ các gia đình nghèo.

Hỏi vì sao ông nặng tình với những chuyến đi, ông trả lời, “tuổi thơ mình từng rất khó khăn. Sau này mình cũng đã vượt khó được nên giờ chỉ mong giúp lại những người còn khó hơn mình”.

Cách ông giúp người cũng “lạ”.

Những căn nhà vừa trao tặng tại tỉnh Bến Tre mỗi căn trị giá 23 triệu, mình ông hoặc ông quyên góp từ mạnh thường quân giúp 15 triệu, gia đình góp sức 8 triệu, hoặc có khi địa phương cùng hỗ trợ. Ông nói, cùng góp để người ta quý trọng hơn ngôi nhà phải đổ mồ hôi nước mắt. Tiền thương tiền góp của cộng đồng được sẻ chia cho nhiều gia đình hơn.

Tất nhiên cũng có những trường hợp ngoại lệ, gia đình nào quá ngặt nghèo và 8 triệu là khối tài sản trong mơ thì ông quyên tặng trọn căn nhà.

Mùa hạn miền Tây nhiều gia đình không có nước sạch để dùng. Ông cùng với nhóm thiện nguyện Nghĩa tình quê hương thuộc Hiệp hội nhựa thành phố lại quyên tiền tặng trạm giếng công cộng, giếng đào tại các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Bến Tre.

Ông Trịnh Nhất Thân (người mặc áo thun) cùng địa phương tặng nhà tình thương cho người hoàn cảnh khó khăn. Hình: Tấn Cường

Những chuyện “cột chặt”

Ông Nhất kể có trường hợp tặng nhà mà ông không cầm được nước mắt.

Như hôm ông và nhóm thiện nguyện Nghĩa tình quê hương đến tặng nhà tại huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Người nhận nhà là một cụ ông 95 tuổi. Hai vợ chồng cụ cả đời chưa từng được có mái nhà tá túc đàng hoàng.

Cụ kể lúc biết được tặng nhà, vợ tui vui lắm. Nhưng tuổi xế chiều, cụ bà 80 tuổi chỉ kịp nhìn thấy nhà ngày làm móng. Lúc nhận nhà, cụ ông khóc bởi thương vợ không kịp cùng cụ hưởng phước trong căn nhà mới.

Ông Nhất nói giá như mình có thể biết đến hoàn cảnh này sớm hơn. Và ông hiểu còn nhiều cuộc đời, nhiều phận người cần sự sẻ chia, đùm bọc như vậy.

Một căn nhà khác ở huyện Giồng Trôm tỉnh Bến Tre ông cùng các mạnh thường quân trao tặng lại là một kỷ niệm trăn trở khác. Khi xây nhà, gia đình được hỗ trợ đề nghị ông làm cửa nhà ngay chính giữa và cửa khá lớn.

Hỏi ra mới biết chủ nhà là người đàn ông mang trong mình căn bệnh suy thận giai đoạn cuối và chỉ còn một tâm niệm. Đó là được ở nhà mới và nhà làm cửa rộng hơn một chút, để ngày anh ra đi…. dễ đưa ra khỏi nhà mà không làm hư cửa, hư nhà.

Giúp là giúp người muốn tự vươn lên

Ông Nhất khảng khái: giúp người cũng phải giúp đúng nơi, đúng chỗ. Ông và những người bạn cùng làm thiện nguyện đặt ra 2 nguyên tắc.

Một là giúp những trường hợp người già neo đơn, người khuyết tật không còn biết bấu víu vào đâu. Hai là giúp những gia đình nghèo nhưng phải luôn có ý chí vươn lên, nhận sự giúp đỡ để có thêm điểm tựa vượt khó thoát nghèo chứ không phải chỉ ỷ lại vào sự hỗ trợ từ cộng đồng.

Do vậy, ngôi nhà nào, giếng nước nào được quyên tặng ai, ông đều tiền trạm, hỏi han gia đình giúp đỡ, tìm hiểu cả những người sống xung quanh.

            Ông Đinh Nhất Thân cùng nhóm thiện nguyện tặng quà tết cho người dân tại tỉnh Bến Tre. Hình: Tấn Cường

Hỏi ông đã làm bao nhiêu căn nhà, xây bao nhiêu giếng nước ông cười, không nhớ được. Ông nói nhiều ngôi nhà, trạm nước không phải mình ông mà rất nhiều mạnh thường quân giúp sức nữa. Áng chừng tính cả việc ông đóng góp và ông đi quyên trợ, chắc khoảng 60 – 50 ngôi nhà và khoảng 40 giếng nước.

Ông nói làm thiện nguyện chính ra là tốt cho mình. Đi để thấy ngoài kia nhiều cảnh đời bất hạnh đến mức khó hình dung được.

Đó cũng là động lực để chính mình vươn lên sống tích cực trước, rồi sau đó giúp người khác bớt nhọc nhằn hơn.