“Nguy cơ chưa giàu đã già” nếu không đột phá nhanh trong giáo dục

(VOH) - “Nước ta đang ở xu hướng già hoá dân số ngày càng nhanh, trong khi chất lượng nguồn nhân lực nhiều mặt còn hạn chế. Nguy cơ “chưa giàu đã già” sẽ trở thành hiện thực nếu chúng ta không có những đột phá, tạo chuyển biến nhanh trong công tác giáo dục đào tạo”.

Đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong hội nghị trực tuyến Tổng kết năm học 2015-2016 và phương hướng năm học 2016-2017 diễn ra sáng nay 5/8, với sự tham gia của 63 tỉnh, thành cả nước.

Tại hội nghị, hầu hết đại diện các tỉnh thành đều đánh giá cao tính hiệu quả, thành công của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2016. Với tỷ lệ dự thi cao gần 99%, kỳ thi tạo nhiều thuận lợi cho thí sinh cũng như được sự đánh giá cao của toàn xã hội.

Sở GD&ĐT TPHCM nhận cờ thi đua từ đại diện Bộ GD&ĐT

Năm học vừa qua, các địa phương tiếp tục duy trì và nâng cao tỷ lệ phổ cập trung học cơ sở với 63/63 tỉnh thành đạt chuẩn. Đội tuyển học sinh Việt Nam tham dự các kỳ thi quốc tế và khu vực tiếp tục đạt các giải cao. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học được các địa phương quan tâm nhiều hơn.

Tuy nhiên, tại một số tỉnh thành vẫn còn sự chênh lệch về sỉ số lớp học giữa nông thôn và thành phố.

Ông Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nêu thực trạng: “Hiện nay, Hà Nội với số phòng học và học sinh, nếu chia trung bình mỗi phòng học chưa được 20 cháu. Tuy nhiên phân bố của các trường xây dựng trong những năm qua không ổn định, nên trong nội thành thì quá tải, còn nhiều huyện ngoại thành chưa đến 20 cháu/phòng học”.

Theo bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, thực tế từ số lượng lớn học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học có nhu cầu làm việc ở nước ngoài cho thấy các em còn hạn chế về ý thức tổ chức kỷ luật và khả năng ngoại ngữ. Hai yếu tố này không thể hình thành trong vài tháng vài ngày mà cần học tập, tích luỹ trong thời gian dài.

Bà Lan đề xuất: “Để có ý thức đạo đức cũng như ngoại ngữ là cả quá trình đào tạo con người. Chính vì vậy, để có nguồn nhân lực tốt, chúng ta phải có quá trình chứ không thể chỉ đến phần ngọn mới làm thì rất khó”.

Cùng quan điểm giáo dục còn nhiều điều chưa hài lòng dù nhận được sự quan tâm của toàn xã hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, chúng ta đang trong quá trình chuyển đổi, cần những bước trung gian.“Đã là các bước trung gian thì không bao giờ toàn vẹn, chỉ có lợi, chỉ có tốt, không có bất cập. Cuối cùng là đến một năm nào đó chúng ta sẽ đổi mới thi theo đúng phương thức quốc tế”, Phó Thủ tướng khẳng định. 

Ngoài ra để đổi mới giáo dục thành công, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải gắn chương trình giáo dục đào tạo với thực tiễn, đáp ứng nhu cầu hội nhập. Phải dạy học sinh yêu lịch sử dân tộc, sống có trách nhiệm, đồng thời phải quan tâm phát triển thể chất để tạo nên thế hệ thanh niên khoẻ mạnh. Để thực hiện, từ Bộ GD&ĐT đến các Sở GD&ĐT, các phòng cần đề ra những giải pháp cụ thể, phù hợp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, Bộ GD & ĐT phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành tham mưu xây dựng các cơ chế các chính sách để chấn hưng và thúc đẩy giáo dục phát triển; Tháo gỡ những khó khăn những vướng mắc về cơ chế quản lý, đời sống vật chất tinh thần của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, học sinh - sinh viên.

“Trong điều kiện hiện nay, bộ GD& ĐT, sở GD & ĐT, phòng GD&ĐT phải nghiên cứu đề xuất và trực tiếp đưa ra một số chủ trương biện pháp để chỉ đạo thực hiện có kết quả cụ thể trên địa bàn mình, trên nền tảng chủ trương chung của toàn quốc” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Thủ tướng khẳng định muốn đất nước phát triển phải lấy giáo dục làm đầu, lấy nhân tài làm gốc và mong muốn cả nước sẽ cùng hành động vì mục tiêu cao đẹp đó.