Nhiều hướng đi cho học sinh sau trung học cơ sở

(VOH) - Hiện nay chương trình đào tạo 9+ đang được triển khai khá nhiều tại các trường nghề.

Điểm cộng của chương trình này là người học vừa hoàn thành chương trình Trung học phổ thông vừa lấy được bằng trung cấp, cao đẳng – đại học trong thời gian ngắn và sớm gia nhập thị trường lao động. Chương trình 9+ còn giúp giải quyết khó khăn trong khâu phân luồng, giảm tải tình trạng thừa thầy thiếu thợ, thất nghiệp sau khi tốt nghiệp vì thiếu kỹ năng, không đáp ứng được công việc thực tế… 

Mô hình đào tạo 9+ trong ba, bốn năm trở lại đây được một số trường thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp áp dụng, bước đầu đã có những có những kết quả khả quan. Không chỉ thể hiện mạnh mẽ đặc điểm phân luồng, hướng nghiệp, mô hình 9+ được đáp ứng được nguyện vọng của người học: vừa có bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông, vừa có bằng trung cấp hoặc cao đẳng cùng một lúc.

Thành công ban đầu từ mô hình 9+ (bài 3)
Mô hình 9+ Cao đẳng: Cơ hội vào đại học tốp đầu ngay từ lớp 10. Ảnh: TTO

Theo Thạc sĩ Nguyễn Đăng Lý - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh, Chương trình 9+Cao đẳng là hình thức học văn hoá rút gọn 7 môn song song với học cao đẳng chính quy. Học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở theo học chương trình 9+ Cao đẳng rút ngắn thời gian đào tạo bằng việc học song song học văn hóa và chuyên ngành. Nếu theo tiến trình bình thuờng 18 tuổi các em mới tốt nghiệp Trung học phổ thông, 22 tuổi tốt nghiệp đại học thì ngay từ khi học xong lớp 9 các em theo chương trình 9+ Cao đẳng, 2 năm sau – tức lớp 11 thì các em sẽ được cấp bằng trung cấp. Vào năm lớp 12, các em hầu như tập trung vào học văn hóa để hòan thành thi tốt nghiệp Trung học phổ thông. Sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, các em học thêm nửa năm nữa là lấy được bằng cao đẳng chính quy. 

Ông Nguyễn Đăng Lý, chia sẻ, mô hình 9+ khi ban đầu triển khai tại Trường đã từng thất bại, vì bản chất của học Trung học phổ thông và cao đẳng, đại học rất khác nhau, cho nên từ 3 năm nay, Trường áp dụng uyển chuyển mô hình 9+: đó là kết hợp mô hình đào tạo theo trung học phổ thông dân lập cộng với cao đẳng. Tuy nhiên, điều lớn nhất mà mô hình 9+ này mang lại cho học sinh: đó là sự định hướng nghề nghiệp ngay từ những năm đầu tiên, cũng là mục tiêu mà chính sách phân luồng học sinh sau trung học cơ sở hướng đến: “Hình thức trường làm, đó là học kỳ đầu tiên lớp 10 cho các em trải nghiệm hết tất cả các ngành. Ví dụ, một em đăng ký học Đồ họa nhưng trường vẫn cho học về Dược, Quản trị kinh doanh, kế toán. Để làm gì? – ví dụ các em nghe nói về kế toán nhưng không biết có hợp với mình không, cho nên cứ bắt tay vô làm, học. Ban đầu một số em cũng phản ứng, nhưng trường vẫn cho học. Sau một học kỳ, nếu các em vẫn thích ngành cũ thì tiếp tục học, còn nếu thấy thích ngành mới hơn thì được quyền điều chỉnh ngành học. Đây là điểm lợi lớn nhất cho các em mà trường trung học phổ thông không làm được”.

Điều lo ngại nhất của mô hình đào tạo này, đó chính là tỷ lệ học sinh bỏ học hoặc không đủ điều kiện để theo tiếp chương trình học. Bởi ở lứa tuổi 14, 15 tuổi như các em, việc học là vừa “dạy” vừa “dỗ”. Tại trường Cao đẳng Viễn Đông, kết quả học tập văn hóa năm học 2019 – 2020, hệ Cao đẳng 9+3+1 của học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở, cụ thể: hơn 47% giỏi khá; hơn 45% trung bình; hơn 7% yếu kém. Năm học 2019 – 2020 cũng là năm học đầu tiên của hơn 500 sinh viên năm nhất của chương trình đào tạo cao đẳng 9 + 3 + 1 của Trường. Tỷ lệ học sinh rơi rụng sau năm thứ nhất khi theo học chương trình này là 6,6%, với ông Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông, đây là một tín hiệu vui của chương trình đạo tào đối tượng học sinh này. “Tuy là năm đầu, nhưng chúng tôi phân công cán bộ của Phòng công tác học sinh sinh viên, kết hợp với giáo viên chủ nhiệm văn hóa: có giáo viên chủ nhiệm về văn hóa để dạy các môn văn hóa, có giáo viên dạy nghề của chương trình 9+ đi cùng với nhau. Hai giáo viên này thường xuyên liên lạc hàng tuần với nhau, đánh giá việc hiện diện, học tập văn hóa, việc học nghề của các em. Trên cơ sở đó, vừa kết hợp dạy văn hóa vừa dạy nghề để theo dõi, đánh giá học sinh theo từng tuần học”, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông thông tin.

Ông Trần Công Nam – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn cho hay, khóa 2019 là khóa đầu tiên Trường tuyển sinh mô hình đào tạo 9+ với 100 chỉ tiêu. Qua một năm học, có thể thấy các em vừa sức, theo kịp chương trình, tỷ lệ rơi rụng trong năm học qua không quá 10%. Nhà trường có khảo sát, kết quả cho thấy con số 10% rơi vào các đối tượng như: tham gia vào công ty gia đình, đi du học…Năm nay, trường dự kiến tuyển 300 em. “Về tư tưởng ban đầu của các bạn, đối với khung chương trình đào tạo nghề lồng ghép một số môn văn hóa. Thứ nhất giảm tải được chương trình học của các bạn về các môn văn hóa. Thứ hai, khi vào học, các bạn được lồng ghép chương trình đào tạo ngành nghề. Ví dụ, đối với ngành Nhà hàng khách sạn, buổi sáng các bạn học văn hóa, buổi chiều học về ngành nhà hàng khách sạn, được đi trải nghiệm thực tế với doanh nghiệp, với môi trường liên quan đến ngành học”, ông Nam cho biết thêm.

Còn ông Trần Phương, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Việt Giao cũng chia sẻ, mỗi bậc học, chương trình đào tạo đều có sứ mệnh khác nhau, phục vụ nhu cầu người học khác nhau. “Mong muốn của chúng tôi là các bạn ra trường có được tay nghề đi làm, tạo ra thu nhập cho bản thân. Trong quá trình phát triển bản thân lên ở mức cao hơn nữa trong nghề nghiệp như quản lý, trưởng nhóm, các bạn cần có kiến thức quản lý để các bạn phục vụ cho công việc tốt hơn, thì các bạn mới chọn con đường liên thông lên đại học. Vai trò của chúng tôi là dạy văn hóa vừa đủ, để các bạn hiểu, giải quyết những bài toán kinh tế trong khối ngành nghề mà các bạn học. Còn trong chương trình nghề, chúng tôi phải dạy sao cho các bạn thành thạo tay nghề, các bạn được chia sẻ kinh nghiệm, giá trị cốt lõi của nghề nghiệp mà bạn sẽ có trong tương lai”, ông Trần Phương nói.

Trên thế giới, chương trình 9+ Cao đẳng được nhiều nước tiên tiến như Đức, Nhật Bản, Singapore… áp dụng và được học sinh, phụ huynh đặc biệt là doanh nghiệp đánh giá rất cao khi nó không chỉ giữ vai trò lớn trong công tác phân luồng, mà còn giải quyết được bài toán thiếu hụt lực lượng lao động chất lượng cao. 

Có thể thấy, trong xu thế xã hội chú trọng chất lượng nhân lực có tay nghề, giáo dục nghề nghiệp cũng dần có nhiều giải pháp thay đổi, đáp úng nhu cầu của thị trường lao động, từ đó thu hút người học. Chính sách về giáo dục nghề nghiệp đang mở ra nhiều cơ hội hấp dẫn, cam kết cụ thể. Thị trường lao động và các doanh nghiệp đang quan tâm tới tay nghề, trình độ thực tế và thái độ làm việc của người lao động. Điều quan trọng là lao động đáp ứng tốt kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm cũng như tác phong nghề nghiệp. Điều này đòi hỏi trong quá trình học tập, người học phải biết nắm bắt thời cơ học tập, rèn luyện bản thân, dù ở bậc học nào.

Tuyết Nhung – Thùy Linh