Phát triển đội ngũ nhà giáo gắn với nhu cầu đặc thù của TPHCM

(VOH) - Do dịch bệnh mỗi thầy cô đã sớm thích nghi qua hình thức dạy học trực tuyến, đưa năm học 2019 – 2020 về đích an toàn.

Tại lễ Kỷ niệm 38 năm ngày Nhà giáo Việt Nam và Tuyên dương khen thưởng các gương điển hình ngành giáo dục và đào tạo TPHCM năm 2020, diễn ra vào sáng nay 16/11, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định, phát triển đội ngũ nhà giáo cần gắn với những nhu cầu đặc thù của thành phố.

Đến dự có bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố.

Ông Dương Anh Đức - Phó chủ tịch UBND TPHCM phát biểu tại buổi lễ 

Năm học 2019-2020 là năm học mà ngành giáo dục đối mặt với rất nhiều khó khăn do dịch bệnh. Tuy nhiên, với sự tích cực, năng động, mỗi thầy cô đã sớm thích nghi qua hình thức dạy học trực tuyến, đưa năm học 2019 – 2020 về đích an toàn và tạo tiền đề để tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành vào những năm học tiếp theo.

Buổi lễ không chỉ nhắc nhờ truyền thống đạo lý mà còn ghi nhận, gửi gắm tình cảm, kỳ vọng của người dân Thành phố đến đội ngũ nhà giáo. Ông Trần Công Tuấn, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phú Nhuận, đơn vị được nhận Huân chương Lao động Hạng Nhì, chia sẻ: "Công sức của thầy cô bao thế hệ và nỗ lực của giáo viên đang làm việc được ghi nhận. Từ đó, tạo động lực rất lớn để nhà trường tiếp tục phát huy, duy trì những thành quả tốt đẹp đồng thời đạt được những kết quả cao hơn."

Thử thách của ngành giáo dục hiện nay là lộ trình thay đổi Chương trình Giáo dục phổ thông bắt đầu từ năm học này, triển khai các quy định của Luật Giáo dục 2019 và từ những kỳ vọng giáo dục sẽ tạo ra động lực then chốt thúc đẩy sự phát triển  toàn diện của đất nước, của thành phố trong giai đoạn mới.

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho rằng, đội ngũ cán bộ quản lí và các thầy cô giáo là những nhân tố trực tiếp triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, thực hiện các giải pháp đổi mới giáo dục để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ quốc tế cho thành phố.

Tới đây, Thành phố sẽ tăng cường bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên với lộ trình đến năm 2025, toàn bộ 90.000 cán bộ, giáo viên TPHCM phải được bồi dưỡng: "Thầy cô có tác động rất lớn đến nhân sinh quan, thái độ, tình cảm của học trò nên phải luôn trau dồi nhân cách, nêu gương tốt, tích cực học tập để không bị lạc hậu trong kỷ nguyên số. Với truyền thống năng động, sáng tạo, tích cực đổi mới, đội ngũ nhà giáo Thành phố cũng luôn chủ động tự học, tự bồi dưỡng nhằm nâng cao tay nghề, tất cả vì sự phát triển chung của Ngành, của  thành phố, vì tâm huyết với nghề, trách nhiệm với các thế hệ học trò. Đó là cơ sở quan trọng giúp Giáo dục Thành phố vững vàng là ngọn cờ đầu của cả nước."

Bà Nguyễn Thị Lệ  Phó Bí thư Thành uỷ - Chủ tịch HĐND TPHCM trao Huân chương Lao động cho các tập thể và cá nhân.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 vừa qua đặt ra nhiệm vụ phát triển cho ngành trong thời gian tới là “Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, … theo hướng linh hoạt, chuẩn hóa, hiện đại và hội nhập quốc tế.”.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển của Thành phố trong giai đoạn mới, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM lưu ý cần chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của đội ngũ nhà giáo, thu hút thêm người giỏi, tâm huyết đến với nghề đồng thời giúp thầy cô giáo yên tâm công tác: "Đội ngũ nhà giáo cần được nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức sát thực tiễn, rèn luyện kỹ năng, phương pháp dạy học hiện đại, hướng đến việc giáo dục học sinh năng lực tự học, hội nhập và tiếp cận nền giáo dục tiên tiến của khu vực và thế giới. Đây là yếu tố căn bản, quyết định thành công của quá trình đổi mới ngành giáo dục, đổi mới chương trình và sách giáo khoa; nên phải ưu tiên đầu tư, ưu tiên triển khai đồng bộ, đầy đủ gắn với những nhu cầu đặc thù của thành phố."

Dịp này, Thành phố vinh danh và khen thưởng 73 tập thể, 131 nhà giáo với những thành tích đóng góp cho sự phát triển của ngành giáo dục.