Phụ huynh than "khốn khổ" vì chạy tới lui không mua đủ sách lớp 1 cho con

(VOH) - Không ít phụ huynh chật vật chạy từ tỉnh nọ qua tỉnh kia để tìm mua đủ bộ sách lớp 1 cho con.

Nhiều băn khoăn, thắc mắc về chương trình học, tình trạng khan hiếm sách giáo khoa, công tác đào tạo giáo viên để đáp ứng yêu cầu mới... đã được thính giả đặt ra cho các khách mời tại buổi đối thoại cùng chính quyền TP với chủ đề "Năm học 2018-2019: Giáo dục và đào tạo thành phố tiếp tục đổi mới - hội nhập", vừa diễn ra sáng 25/8.

Đối thoại cùng chính quyền TP sáng 25-8- chủ đề năm học mới

Buổi đối thoại do HĐND TPHCM phối hợp cùng Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM (VOH) - tổ chức vào sáng 25/8/2018.

Nhiều phương pháp giảng dạy mới

Năm học mới, thành phố tăng hơn 67.000 học sinh, nên áp lực nhiều đến việc triển khai các mô hình đổi mới, học tập tích cực. Tuy nhiên, ngành chỉ đạo các đơn vị trường học phải đổi mới phương pháp dạy học, cập nhật nội dung giảng dạy cũng như không gò bó chương trình giảng dạy theo nội dung sách giáo khoa.

Mặt khác, giáo viên có thể chủ động thời gian dạy học, tổ chức các hoạt động, đảm bảo học sinh tiếp thu tri thức một cách tích cực, có thể ứng dụng thực hành, giải quyết vấn đề thực tiễn.

Bà Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng trường trung học cơ sở, trung học phổ thông Lương Thế Vinh, quận 1, đơn vị chủ động triển khai đổi mới dạy học và sáng tạo trong đó ứng dụng mô hình STEM (gồm những hoạt động dạy học liên quan đến khoa học công nghệ, kỹ thuật và toán học) và cả mô hình STEM, gắn thêm yếu tố nghệ thuật vào hoạt động giáo dục.

Bà Bùi Minh Tâm chia sẻ: "Giáo dục STEM được ứng dụng trong các tiết dạy từ khoảng 15 phút hoặc 1 tiết hay tổ chức thành các chuyên đề, áp dụng vào một số bài phù hợp với chương trình.

Mặt khác, học sinh cũng được hướng dẫn thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, tham gia các hội thi nghiên cứu khoa học cấp trường, cấp thành phố. Qua các hoạt động này, các em thay đổi phương pháp tiếp cận kiến thức, hình thành phát huy các yêu tố như sáng tạo, chủ động, tích cực".

Xung quanh câu hỏi của thính giả về sự khác nhau giữa chương trình tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực, quốc tế với mức học phí khoảng 1.500.000 đồng/tháng và chương trình bình thường, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, mô hình trường tiên tiến, được triển khai đầu tiên tại trường trung học phổ thông Lê Quý Đôn hơn 10 năm nay.

Mô hình có các ưu điểm như sĩ số lớp học giới hạn, học Anh văn với giáo viên bản ngữ, học Toán, Khoa học bằng tiếng Anh, thiết kế bài giảng linh hoạt, tổ chức nhiều hoạt động học tập bên ngoài nhà trường, giao lưu hợp tác quốc tế...

Với những kết quả tích cực đạt được, không ít tỉnh thành đã đến tham quan và học tập. Mô hình cũng được nhân rộng tại 2 trường trung học phổ thông Nguyễn Du và Nguyễn Hiền. Hiện nay, chương trình cũng đang nghiên cứu triển khai tại các cấp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Đây cũng là cơ sở để các trường hướng đến tự chủ toàn phần.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai bà Phạm Thuý Hà, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Quận 4, đơn vị đang định hướng triển khai mô hình trường tiên tiến hội nhập, cho biết vẫn còn một số khó khăn.

"Quận 4 có quy mô trường lớp chưa đồng đều. Nhiều phường chưa có trường tiểu học nên việc thực hiện sỉ số 30 học sinh/lớp là không dễ. Điều kiện kinh tế của đa số người dân quận 4 cũng còn nhiều khó khăn nên với mức học phí đóng hàng tháng như vậy gây áp lực cho phụ huynh” – bà Tâm cho hay.

Đang xây dựng đề án trường học thông minh

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho biết, dự án xây dựng trường học thông minh hiện đang xây dựng đề án. Nội dung chương trình đã được thiết kế và vận hành thử nghiệm. Học sinh sau khi học tập trên lớp có thể tham khảo các giáo án của những thầy cô khác trên trang web trực tuyến của Sở Giáo dục và Đào tạo để mở rộng và khắc sâu kiến thức.

Những nội dung cơ bản sẽ hoàn toàn miễn phí, nhưng với một số nội dung chuyên sâu của các giáo viên giỏi, sẽ thu phí tài khoản ở mức thấp. Triển khai áp dụng mô hình này người giáo viên cần trang bị thêm khả năng định hướng, hướng dẫn cho học sinh phương pháp tự học, tự nghiên cứu.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, thông tin thêm: "Tuỳ theo mục tiêu của người học, ví dụ các em mong muốn rèn thi kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, thì sẽ có nhiều dạng bài thi xây dựng theo hình thức tổ hợp, nội dung thi như Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra. Có nhiều đề cho học sinh làm thử.

Phầm mềm nhận xét đánh giá, các em có ưu điểm, hạn chế nào để khắc phục. Cũng như, các em có thể quay sang học nhóm, một nhóm bạn vào một tài khoản để cùng thảo luận làm bài trên đó. Cách học này sẽ rất hiệu quả trong tương lai".  

Phụ huynh “chết mệt” vì khó mua sách giáo khoa

Trong chương trình, thính giả bày tỏ sự bức xúc với tình trạng khan hiếm sách giáo khoá trước thêm năm học mới.

Bà Nguyễn Thanh Loan, phụ huynh ở Huyện Củ Chi chia sẻ bà chạy ngược, chạy xuôi, chạy khắp nơi. Mỗi nhà sách tìm được 1,2 cuốn thôi. Trong quá trình đi tìm sách cho con, có những phụ huynh ở Long An chạy lên tới Tây Ninh, Bình Dương rồi xuống Củ Chi mới mua được 1/2 số sách lớp 1.

sách lớp 1, sách giáo khoa, năm học mới

Nhiều phụ huynh đau đầu vì không mua đủ bộ sách lớp 1 cho con (Ảnh: phapluatdansinh)

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM khẳng định đã chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo nắm tình hình và nhu cầu học sinh để phối hợp các chi nhánh của Nhà xuất bản Giáo dục, phòng chuyên môn đem sách đến tận nơi cho học sinh ngoại thành. Đồng thời, chỉ đạo các trường không bắt buộc học sinh phải có đầy đủ sách ngay ngày học đầu năm, cũng như không để một học sinh nào đến trường mà không có sách.

Ông Nguyễn Hồng Hà, Phó trưởng ban Văn hoá Xã hội, HĐND TP cho rằng thành phố hiện phải đối mặt với áp lực sĩ số học sinh, ảnh hưởng đến việc học tập, giảng dạy của học sinh và giáo viên. Đây là bài toán mà các cấp các ngành cần phải chung tay giải quyết. Tuy nhiên, với những chính sách đầu tư phát triển, ngành giáo dục cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực.

Ông Hà cho biết: "TPHCM những năm trước rất thiếu giáo viên. Tuy nhiên, những năm nay một mặt thành phố triển khai đề án đào tạo bồi dưỡng nguồn giáo viên tại các trường sư phạm trên địa bàn thành phố.

Mặt khác, từ năm 2017, thành phố đã cho tuyển giáo viên có hộ khẩu các tỉnh, các trường được đầu tư nâng cấp, đội ngũ cán bộ quản lý được tập huấn bồi dưỡng để công tác quản lý trong nhà trường ngày càng tốt hơn. Đặc biệt, chúng ta cũng đã tập huấn, hướng dẫn thực hiện chương trình năm học mới một cách đầy đủ. Cộng thêm những nội dung về đổi mới chương trình, TPHCM sẽ bước vào năm học mới với 1 khí thế và công tác chuẩn bị chu đáo nhất".