Quyền tác giả, quyền liên quan – cần sự chung tay bảo vệ

(VOH) - Nền kinh tế tri thức đang lên ngôi và phát triển không ngừng, các sáng tạo đóng vai trò thiết yếu và thúc đẩy khả năng cạnh tranh, tăng trưởng kinh tế. Các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên sự sáng tạo, khoa học công nghệ và bản quyền trí tuệ. Công nghiệp bản quyền là một trong những đòi hỏi cao của xã hội nhằm đáp ứng toàn cầu hóa.

Phát biểu triển khai Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã đề cập: “Bảo vệ quyển tác giả là một lĩnh vực đặc thù, tạo môi trường tốt cho các nghệ sĩ sáng tạo ra nhiều tác phẩm có chất lượng và giá trị nghệ thuật, là chìa khóa then chốt để Chiến lược phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa được thực hiện thành công...”.

Bảo hộ quyền tác giả là hoạt động nhằm tôn vinh, bảo vệ thành quả của các tổ chức, cá nhân đã lao động, sáng tạo, cống hiến, đóng góp cho lợi ích công chúng và sự tiến bộ xã hội, thúc đẩy hoạt động sáng tạo trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Rõ ràng chúng ta biết muốn phát triển ngành công nghiệp văn hóa thì không thể không quan tâm đến bản quyền, nhất là trong thời kì hội nhập với quốc tế.

Vì mọi vấn đề về vi phạm bản quyền, quyền tác giả quyền liên quan đều ảnh hưởng trực tiếp đến sự hợp tác, sáng tạo của các chủ sở hữu. Quyền tác giả, quyền liên quan góp phần thúc đẩy sự phát triển của thời đại, tạo đà và nền móng cho sự tiến bộ xã hội. Chính vì vậy, bảo hộ quyền tác giả là vấn đề thiết yếu không chỉ thúc đẩy quyền sáng tạo, mà còn bảo vệ quyền lợi chính đáng của các chủ sở hữu quyền; là điều kiện cần để đảm bảo Việt Nam phát triển ngành công nghiệp văn hóa.

Vi phạm tràn lan

Trong những năm qua, các tổ chức đã thực hiện tốt công tác bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan, nhất là trong lĩnh vực âm nhạc. Quyền lợi của các nhạc sĩ, tác giả được bảo vệ nên đã phần nào góp phần động viên, khích lệ tinh thần sáng tác cũng như thể hiện sự trân trọng giá trị các tác phẩm. Thế nhưng, tình trạng xâm phạm bản quyền các bản ghi âm, ghi hình thuộc quyền sở hữu ngày càng phổ biến.

Bà Trương Thị Thu Dung, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội công nghiệp ghi âm Việt Nam cho biết sự phát triển nhanh của công nghệ thông tin kéo theo sự xâm phạm bản quyền, và các sản phẩm ghi, ghi âm ghi hình ngày càng đa dạng, tinh vi hơn trên các lĩnh vực mạng truyền thông.

Tệ nạn sao chép bản quyền, bản ghi âm nhạc tại các trung tâm cửa hàng dịch vụ kinh doanh điện thoại di động ngày càng trở nên nghiêm trọng. Trong thực trạng vi phạm bản quyền, các sản phẩm bản ghi âm ghi hình ngày càng phức tạp và biến tấu đã ảnh hưởng đến việc sản xuất kinh doanh của các đơn vị. Sản xuất phát hành bị sụt giảm nghiêm trọng. Dẫn đến một số đơn vị sản xuất không thể sản xuất ra sản phẩm và thị trường băng đĩa âm nhạc ngày càng suy giảm.

Trong lĩnh vực xuất bản thì người làm nghề ngày đêm mong muốn mang đến cho độc giả những tác phẩm có nội dung hay, hình thức đẹp nhằm nâng cao văn hóa đọc cho người dân thì vẫn còn đâu đó tình trạng in lậu sách tràn lan. Những tác phẩm bán chạy nhanh chóng bị photo, scan thành quyển sách khác, chất lượng sách khác và giá thành đã giảm.

Xử phạt nhẹ chưa đủ sức răn đe

Sự gian lận thương mại trong ngành xuất bản đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác xuất bản của các công ty, đơn vị sách làm ăn chân chính. Điều này rất nhức nhói trong thời gian qua và một cuộc đấu tranh chưa có hồi kết giữa người làm xuất bản chân chính và người in lậu sách. Ảnh hưởng từ gian lận thương mại trong ngành xuất bản lớn là vậy nhưng mức phạt cho việc in lậu sách này lại rất khiêm tốn, chỉ từ 15 đến 20 triệu đồng. Điều này không có tính răn đe và không thể hạn chế tình trạng in lậu sách cũng như vi phạm quyền sỡ hữu trí tuệ trong lĩnh vực xuất bản in, phát hành.

Ông Lê Hoàng – Phó Chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam đề xuất cần tăng mức xử phạt lên từ 300 triệu đến 3 tỷ đồng, mới  có đủ sức răn đe. Mức độ nghiêm trọng hơn có thể được cải tạo không giam giữ, hoặc phạt tù, tức là hình sự hóa việc in lậu.

Ngoài ra theo ông Hoàng thực tế hiện nay, trong hoạt động xuất bản, có những tác giả dịch giả qua đời mà những người làm xuất bản không biết làm sao liên hệ với gia đình để thực hiện việc mua bản quyền. Cũng có những tác giả không biết ở đâu nhưng nhu cầu về tác phẩm đó là có. Nên thành lập một trung tâm có thể nhận thu hộ tiền nhuận bút thay cho tác giả và dịch giả dạng này.

Cần sự chung tay, liên kết

Nếu như sách bị in lậu tràn lan thì ở lĩnh vực phim ảnh cũng chịu cùng số phận khi các bộ phim mới nhất, hay nhất vừa được công chiếu tại rạp thì ngay lập tức được phát trên các trang web lậu, dù hình ảnh và chất lượng rất kém. Hay lĩnh vực bóng đá truyền hình thì vi phạm bản quyền càng trở nên nghiêm trọng. Các trang web lậu quá nhiều, chưa kể công cụ live-stream trên youtube, facebook.

Phó Tổng thư kí, Hội Truyền thông điện tử TPHCM Phan Vũ Tuấn –  bày tỏ mong muốn nhận được sự đồng cảm của những người dùng, người xem, để chúng ta có khái niệm, có thái độ đúng đắn hơn đối với những thực tế đang diễn ra, và khó khăn của các tổ chức truyền hình đang mắc phải. Mọi người hiểu hơn, hỗ trợ hơn, và truyền bá để chúng ta không chia sẻ những kênh vi phạm bản quyền đó.

Đã tìm được nguyên nhân, cũng đã có những kiến nghị, giải pháp cùng với sự cố gắng của các tổ chức, đơn vị làm nghề, thì tin rằng trong thời gian tới, vấn đề vi phạm bản quyền trong lĩnh vực văn hóa văn học nghệ thuật sẽ được giảm thiểu tối đa. Và hơn bao giờ hết, đã đến lúc cần sự chung tay, liên kết giữa các tổ chức nghề nghiệp, các đơn vị quản lý để quyền lợi chính đáng của người làm nghệ thuật được bảo vệ.