Sinh viên Campuchia chia sẻ về… du học Việt Nam

(VOH) - Ngày càng có nhiều người nước ngoài chọn học Đại học tại Việt Nam, trong đó có những bạn trẻ Campuchia.

Một cựu sinh viên quốc tịch Campuchia tên Chan Sok Kheang, từng học Bộ môn Kỹ thuật xây dựng Trường Đại học Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) và là một trong những sinh viên tốt nghiệp loại giỏi của trường - đã có những chia sẻ về lý do chọn học tại Việt Nam.

Chan Sok Kheang trong ngày nhận bằng tốt nghiệp (Ảnh: SK)

* Chan Sok Kheang chia sẻ một chút về lý do chọn học tại Việt Nam?

- Chan Sok Kheang: Khi vào trung học, em cùng các bạn đã được tư vấn và giải đáp về việc chọn ngành phù hợp theo sở thích cũng như cơ hội việc làm sau này, kể cả các chương trình học bổng chính phủ… Em nhận thấy rằng mình có hứng thú về các môn khoa học và ngành Kĩ thuật xây dựng là lựa chọn tốt nhất.

Còn việc tại sao lại học kĩ thuật tại Việt Nam thì lí do quan trọng là ở ngôi trường em lựa chọn có nhiều phòng thí nghiệm, phòng lab, sinh viên được thực hành rất nhiều, nhất là sinh viên kĩ thuật – điều mà nếu học trong nước khó được tiếp cận. 

* Cha của bạn là người Việt, bạn cũng biết chút ít tiếng Việt, bạn có thể chọn một ngôi trường dạy kĩ thuật hoàn toàn bằng tiếng Việt, như vậy sẽ dễ tiếp cận hơn?

- Chan Sok Kheang: Cha của em là người Việt nên em cũng muốn tìm hiểu thêm về đất nước Việt Nam, tìm hiểu những điểm khác biệt của hai đất nước. Việc chọn học trong một trường đại học giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh cũng giúp em có thể biết được thêm 2 ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh.

Ngoài ra, vì tiếng Anh là ngôn ngữ quốc tế thuận lợi cho công việc trong tương lai nên em muốn có cơ hội luyện cả hai thứ tiếng trong môi trường này.  

* Bạn có mất nhiều thời gian để “thích nghi” với tiếng Việt hay không?

- Chan Sok Kheang: Trước khi qua Việt Nam, tiếng Việt em chỉ biết chút thôi. Ở nhà khi nào bố nói tiếng Việt thì em mới trả lời bằng tiếng Việt. Khi sang Việt Nam em phải tiếp tục học tiếng. Em mất 2-3 tháng học tiếng Việt, học thêm tiếng Anh và áp dụng mỗi ngày em mới nói và giao tiếp được.

Vài tháng đầu sinh sống trong môi trường mới, có thể nói ngôn ngữ là rào cản đối với em cũng như những sinh viên nước ngoài khác. Có những khi em vẫn nhầm lẫn sử dụng tiếng quê hương khi mua sắm hoặc nói chuyện với bạn.

Sok Kheang chụp ảnh kỉ niệm cùng các bạn (Ảnh: SK)

* Vốn tiếng Việt của Kheang ban đầu khá khiêm tốn, vậy bạn thi tuyển vào trường Đại học tại Việt Nam như thế nào?

- Chan Sok Kheang: Em là sinh viên nguyện vọng 2 và khi làm hồ sơ đăng ký xong đã bị muộn 1 tuần. Em nộp hồ sơ và thi khảo sát đầu vào của trường. Chỉ có một tuần chuẩn bị ôn thi nhưng rất may, do thi bằng tiếng Anh nên em có thể làm bài dễ hơn.

* Kheang tốt nghiệp loại giỏi và cũng được đánh giá là khá ưu tú, vậy bạn có bí quyết học tập gì không?

- Chan Sok Kheang: Không có bí quyết gì đâu. Chỉ là em thường xuyên đọc sách, làm bài tập và nghiên cứu những thứ liên quan đến môn học. Khi có thắc mắc em đến phòng giáo viên hỏi luôn để được giải đáp.

Thực tế thì môn học nào cũng có sự khó khăn riêng. Học kỳ 1 của năm nhất, môn tiếng Anh có nhiều tiết học nhất nên bài tập khá nhiều. Vì mới vào đại học, cách học tập lại khác so với ở trung học, nên em rất khó khăn khi sắp xếp thời gian học tập và nghỉ ngơi.

Vào học kỳ 2 năm nhất, em bắt đầu học môn chuyên ngành, Engineering Mechanic Statics. Có rất nhiều tư chuyên ngành mà em nên nhớ và phải dành khá nhiêu thời gian cho việc học nhóm và làm bài tập.

Khó khăn nhất trong 4 năm đại học là luận văn tốt nghiệp. Em đã phải chuẩn bị trước vài học kỳ, hỏi thầy cô, học một số phần mềm để sự dụng trong việc tính toán, đọc và hiểu các tiêu chuẩn thiết kế, rồi phải chạy lại phần mềm nhiều lần để có mô hình hoàn hảo – khó khăn nhưng cố gắng rồi cũng làm được.

* Sok Kheang chọn học ở Việt Nam nhưng có kế hoạch làm việc tại Việt Nam hay không?

- Chan Sok Kheang: Từ đầu tháng 10 em đã ứng tuyển và đi làm tại một công ty xây dựng của Đức tại Phnom Penh. Công việc hiện tại của em là thiết kế 3D chi tiết thép cột để bên thi công thực hiện. Công việc có nhiều điểm giống và khác những điều em đã học nên em nghĩ đây là cơ hội vừa làm vừa học thêm.

Định hướng của em là sau 1-2 năm nữa em sẽ tiếp tục học Cao học tại quốc gia khác và tìm kiếm cơ hội làm việc trong môi trường quốc tế để thử sức mình.

Em không biết rằng sau này mình có làm việc tại Việt Nam hay không nhưng đây là vùng đất em không thể quên, với những người thầy, người bạn vô cùng thân thiện và nhiệt tình, đã giúp đỡ và luôn đồng hành cùng em từ những ngày bỡ ngỡ và trong suốt những năm sinh viên tươi đẹp của mình.