Sinh viên đánh giá khả năng bản thân cao hơn so với nhóm người đang đi làm!

(VOH) – Dựa trên kết quả khảo sát, nhóm tác giả nghiên cứu yếu tố tác động đến năng lực nghề nghiệp và năng lực thích ứng với nghề nghiệp trong tương lai của sinh viên và người lao động trẻ hiện nay.

Với mục tiêu ghi nhận và tìm hiểu đánh giá của sinh viên và người lao động về năng lực nghề nghiệp cũng như mức độ sẵn sàng đối với nghề nghiệp của họ, hai tác giả Nguyễn Đức Lộc - Viện Nghiên cứu đời sống xã hội và Trần Anh Tiến - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn tiến hành thu thập dữ liệu thông qua hệ thống các chỉ báo đo lường sự đánh giá của người trả lời về tầm quan trọng và mức độ đạt được của họ đối với các năng lực nghề nghiệp trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư như kiến thức, năng lực tư duy, kỹ năng xã hội, kỹ năng làm việc, tính thích nghi và tính trách nhiệm với công việc nhằm trả lời cho hai câu hỏi chính yếu đặt ra để lý giải cho vấn đề thích ứng nghề nghiệp của sinh viên sau khi tốt nghiệp là: Đứng trước ngưỡng cửa nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp, (1) các yếu tố nào tác động đến năng lực nghề nghiệp và (2) năng lực thích ứng với nghề nghiệp trong tương lai của sinh viên và người lao động trẻ hiện nay như thế nào?

Sinh viên tự đánh giá khả năng bản thân cao hơn so với người đã đi làm
Ảnh minh họa: VOH 

Nghiên cứu chỉ ra rằng, đối với nhóm người học (sinh viên năm thứ ba và thứ tư) và nhóm người đi làm, kết quả so sánh cho thấy có sự khác biệt trong việc tự đánh giá mức độ đạt được của bản thân đối với các yếu tố năng lực nghề nghiệp.

Nhóm sinh viên dường như đánh giá khả năng của bản thân cao hơn so với nhóm người đang đi làm, trong đó nổi bật hơn cả là đánh giá yếu tố kỹ năng xã hội (điểm đánh giá trung bình là 3,67 đối với sinh viên so với 3,55 đối với người lao động).

Đánh giá mức độ đạt được của bản thân đối với năng lực nghề nghiệp giữa sinh viên và người lao động

Ngoài ra, kết quả tương tự với đánh giá về năng lực tư duy (3,65 đối với sinh viên so với 3,55 đối với người lao động), đánh giá khả năng thích nghi với những biến đổi trong công việc (3,71 so với 3,63) và đánh giá về kiến thức (3,40 so với 3,32).

Về mức độ sẵn sàng đối với nghề nghiệp, kết quả khảo sát 1.000 người học và người lao động đánh giá mức độ sẵn sàng của bản thân đối với nghề nghiệp. Kết quả cho thấy, cả sinh viên và người lao động tự đánh giá khá cao sự sẵn sàng thích ứng với những thay đổi trong công việc của họ trong bối cảnh hiện nay.

Cụ thể, sự sẵn sàng trong “ứng phó với những thay đổi” và “cập nhật, lên kế hoạch cho công việc” được tự đánh giá với mức điểm trung bình lần lượt là 3,67 và 3,66 trên tổng điểm 5,00. “Tự tin vào bản thân” và “khả năng về kiến thức” cũng được cho là yếu tố tích cực trong việc sẵn sàng thích ứng với những biến đổi của nghề nghiệp (3,54/5,00 và 3,30/5,00). Yếu tố nhận được sự đánh giá mức độ sẵn sàng thấp nhất là “nguồn lực vật chất cũng như các mối quan hệ xã hội” với 2,83/5,00.

Tự đánh giá mức độ sẵn sàng của bản thân đối với nghề nghiệp

Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy điều kiện tài chính và vị thế xã hội không phải là lợi thế sẵn có của bản thân nhóm sinh viên và người đang đi làm trong khảo sát này khi chỉ có 19,6% đồng tình rằng điều kiện tài chính và 13,5% cho rằng gia đình có vị thế xã hội là những nguồn lực hỗ trợ họ sẵn sàng thích ứng với nghề nghiệp trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hiện nay. Ở chiều hướng ngược lại tỉ lệ lần lượt là 32,4% và 46,6% cho rằng các điều kiện này thì không phải là nguồn lực mà họ có.

Điều kiện tài chính và vị thế xã hội không phải là lợi thế sẵn có của bản thân nhóm sinh viên và người đang đi làm

Ý niệm CMCN 4.0 ở Việt Nam phản ánh một bối cảnh chuyển động của nhận thức xã hội hơn là một thực tại tác động đến hành vi xã hội. Chính vì vậy, những yếu tố tác động đến năng lực nghề nghiệp và mức độ sẵn sàng nghề nghiệp của sinh viên, cũng như người lao động chịu ảnh hưởng bởi các nhóm năng lực cơ bản như: kiến thức, kỹ năng xã hội, sự tự tin vào bản thân và khả năng thích ứng với sự thay đổi của một trưởng xã hội. Điều này khá phù với với quan điểm lý thuyết về xây dựng nghề nghiệp.

Bởi năng lực nghề nghiệp của một cá nhân phần nhiều chịu ảnh hưởng bởi các chiều kích của khả năng thích ứng nghề nghiệp, tập trung vào cách thức và mà các cá nhân nhận thức và phát triển nghề nghiệp, thể hiện chiến lược điều chỉnh cá nhân thông qua bốn yếu tố là mối quan tâm, sự điều chỉnh, sự tò mò và sự tự tin.

Dù vậy, kết quả nghiên cứu này cũng cho thấy có sự khác biệt trong việc tự đánh giá mức độ sẵn sàng của bản thân đối với nghề nghiệp giữa nhóm sinh viên chuẩn bị ra trường và những người đang đi làm.

Đánh giá mức độ sẵn sàng của bản thân đối với nghề nghiệp giữa sinh viên và người lao động

Nhóm sinh viên dường như đánh giá sự sẵn sàng của bản thân cao hơn so với nhóm người đang đi làm, trong đó nổi bật hơn cả là đánh giá khả năng cập nhật, lên kế hoạch cho công việc và nguồn lực vật chất, các mối quan hệ xã hội. Đó cũng có thể xem là những chỉ báo quan trọng trong việc định hướng phát triển năng lực nghề nghiệp cho nguồn nhân lực tương lai.