Tăng cường công tác phòng chống dịch khu vực phía Nam

(VOH) - Sáng 16/2, Bộ Y tế triển khai "Tăng cường công tác phòng chống dịch khu vực phía Nam", trước bối cảnh tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn biến hết sức phức tạp, các dịch bệnh như: Ebola, MERS-CoV, Zika, Coxaxkie, Cúm A H7N9 và bệnh sốt xuất huyết, sốt rét, tay chân miệng bùng phát, tăng mạnh ở nhiều quốc gia.

Tiêm chủng tại Viện Pasteur TPHCM.

Tại Việt Nam, thời gian gần đây một số bệnh nguy hiểm và truyền nhiễm mới nổi luôn có nguy cơ xâm nhập cao, bùng phát có nguy cơ gia tăng các trường hợp mắc. Trong đó, bệnh do vi rút Zika năm 2016 đã ghi nhận 219 trường hợp, đầu năm 2017 là 13 trường hợp; bệnh sốt xuất huyết vẫn lưu hành ở mức cao năm 2016 ghi nhận gần 110.900 ca mắc, trong đó có 36 trường hợp tử vong. Bệnh tay chân miệng trên 45.500 ca mắc trong đó có 1 ca tử vong.

Tại Đắk Lắk, bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp với số ca mắc bệnh tăng mạnh và số lượng không ngừng gia tăng tại các địa phương trên toàn tỉnh, tính từ đầu năm 2016 đến nay ghi nhận trên 13.200 ca, tử vong 2 ca, chưa kể số bệnh nhân điều trị tại nhà.

Ông Doãn Hữu Long – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết: Năm 2017, Sở gửi văn bản đến các địa phương đề nghị tiếp tục chỉ đạo triển khai khẩn trương các biện pháp phòng chống bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng... nhằm ngăn chặn dịch bệnh đang có nguy cơ bùng phát lớn. Tại các địa phương đã tổ chức nhiều đợt phun thuốc diệt muỗi để phòng chống sốt xuất huyết và tuyên truyền cho người dân cách phòng ngừa bệnh triệt để:

"Địa bàn Đắk Lắk phức tạp về diễn biến dịch bệnh, vì vậy trong năm 2017, Sở Y tế sẽ có những phương án phòng chống dịch bệnh bằng giải pháp chỉ đạo tất cả huyện, thành phố củng cố ban chăm sóc phòng, chống dịch bệnh ở gia súc và trên người ở các cấp. Xây dựng quy chế xác định trách nhiệm của các thành viên. Đồng thời kiểm tra giám sát hoạt động của các thành viên cũng như các đơn vị trực thuộc phụ trách, đặc biệt là giải pháp về truyền thông giáo dục sức khỏe, nhất là vùng dân trí thấp thì càng cần được quan tâm hơn".

Nhận xét công tác phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika, theo PGS.TS Phan Trọng Lân – Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM cho biết, thời gian qua, các dịch bệnh mới nổi và nguy hiểm đã được ngăn ngừa và khống chế không để bùng phát thành dịch lớn. Tỷ lệ mắc và tử vong thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực.

Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao hơn, chúng ta phải đặt nặng vấn đề giám sát, vì từ giám sát chúng ta mới phát hiện sớm và kịp thời các ổ dịch từ đó giảm được các nguồn lực thừa và giảm được các tác động đến xã hội.

Dự báo về các dịch bệnh tiếp tục lưu truyền trong năm 2017, PGS.TS. Trần Đắc Phu - Cục Trưởng Cục y tế Dự phòng - Bộ y tế cho biết,  sốt xuất huyết, bệnh do vi rút Zika và bệnh tay chân miệng sẽ tiếp tục tăng, vì vậy cần tăng cường các hoạt động giám sát, nâng cao năng lực điều trị cho các địa phương:

"Chúng tôi đánh giá các bệnh mới nổi có thể xâm nhập vào Việt Nam. Ví dụ như cúm gia cầm, Ebola, MERS-CoV và một số các bệnh nguy hiểm khác khi xảy ra ở các quốc gia trên thế giới do vấn đề biến chủng, do đặc tính sinh học của các bệnh thay đổi hoặc có những trường hợp con người tiếp xúc với động vật hoang dại nhiều hơn và dịch bệnh từ những động vật này có thể vào người và có thể lây lan vào Việt Nam".

Hội nghị cũng chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền, phát động toàn dân tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh, tăng cường công, tác an toàn tiêm chủng mở rộng, triển khai các chiến dịch tổng vệ sinh môi trường cơ quan, nơi công cộng, khu dân cư và tại mỗi gia đình, đảm bảo môi trường trong sạch để dịch bệnh không có điều kiện phát sinh.