Thay đổi cách nhìn về đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam

(VOH) - Hiện ĐHQG-HCM đang nghiên cứu Đề án Thí điểm tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ định hướng ứng dụng nghề nghiệp cho hai ngành là Quản trị kinh doanh và ngành Quản lý giáo dục.

Đào tạo bán thời gian, kết hợp học thuật và thực tế, áp dụng ngay để giải quyết các vấn đề đang tồn tại trong lĩnh vực nghề nghiệp chuyên môn, có ít nhất 5 năm kinh nghiệm trong ngành và hiện đang giữ các vị trí quản lý... là những đặc điểm nổi bật của Đề án thí điểm đào tạo tiến sĩ định hướng ứng dụng của Đại học Quốc gia TPHCM (ĐHQG-HCM) vừa công bố tại hội thảo vào ngày 22/9.

Hội thảo nhằm lấy ý kiến của các chuyên gia về chương trình đào tạo này. Nhiều ý kiến đều cho rằng, việc đào tạo tiến sĩ theo định hướng ứng dụng nghề nghiệp là cần thiết và phù hợp với xu hướng phát triển giáo dục của thế giới.   

Nếu triển khai, đây sẽ là chương trình đào tạo tiến sĩ định hướng ứng dụng đầu tiên tại Việt Nam. Quan trọng hơn, việc đào tạo tiến sĩ ứng dụng sẽ làm thay đổi cách nhìn và quan niệm của xã hội về tiến sĩ từ trước đến nay.

Chương trình tiến sĩ định hướng ứng dụng đầu tiên được xây dựng tại Đại học Toronto, Canada, vào năm 1894 về lĩnh vực giáo dục. Đến nay, có hơn 1.000 chương trình tiến sĩ định hướng ứng dụng nghề nghiệp tại các trường đại học trên thế giới. Sự phát triển của các chương trình tiến sĩ định hướng ứng dụng nhằm mở rộng khả năng làm việc của người học tiến sĩ ra ngoài môi trường học thuật.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Vũ Phan Tú, Trưởng ban sau Đại học, ĐHQG-HCM cho hay, hiện có 5 hình thức đào tạo tiến sĩ trên thế giới cùng với 2 cách ghi trên văn bằng tiến sĩ: nghiên cứu và ứng dụng. Thế nhưng, ở Việt Nam chỉ có một loại hình đào tạo tiến sĩ duy nhất.

 “Đây là điều mà chúng ta khác với một số nước trên thế giới, thậm chí là khác so với khu vực. Người ta có thể phân định ra hai loại tiến sĩ: academic (hàn lâm) và Professional (ứng dụng). Ở Việt Nam hiện đang thiếu tiến sĩ professional, hoặc gom lại và đào tạo chung. Như vậy, sẽ rất khó cho những người đang đi làm bên ngoài và chúng ta cũng không giải quyết được thực tế bài toán của họ khi họ đang làm việc ở môi trường bên ngoài ” - Phó Giáo sư Tiến sĩ Vũ Phan Tú cho biết.

Hiện ĐHQG-HCM đang nghiên cứu Đề án Thí điểm tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ định hướng ứng dụng nghề nghiệp cho hai ngành là Quản trị kinh doanh và ngành Quản lý giáo dục. Điều kiện đầu vào đòi hỏi ứng viên có ít nhất 5 năm kinh nghiệm trong ngành và đang giữ vị trí quản lý. Ứng viên có bằng thạc sĩ các lĩnh vực phù hợp. Người học cũng có thể chỉ cần bằng đại học từ loại khá trở lên.

PGS.TS Vũ Hải Quân - Phó Giám đốc ĐHQG-HCM phát biểu tại hội thảo

PGS.TS Vũ Hải Quân - Phó Giám đốc ĐHQG-HCM phát biểu tại hội thảo. 

Chia sẻ về ý tưởng này, Phó Giáo sư Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc ĐHQG-HCM cho biết: " trong nước đang có hệ thống đào tạo tiến sĩ. Hầu như tất cả chúng ta đều nghĩ rằng tiến sĩ là phải làm một cái gì đó hay một công trình khoa học gắn với việc sáng tạo ra một tri thức mới. Cách nhìn nhận như vậy không sai. Nhưng nên chăng, đã đến thời điểm chúng ta bắt đầu nên mở rộng khái niệm về tiến sĩ, nhìn nhận vấn đề về tiến sĩ để chúng ta có những chương trình đào tạo, có những thương hiệu mang tính đột phá”. 

Chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy về chương trình tiến sĩ định hướng ứng dụng nghề nghiệp ngành Quản trị kinh doanh tại Đại học Quốc gia Singapore, Giáo sư Tiến sĩ John Vong cho hay, những người có bằng tiến sĩ về chương trình đào tạo này phải có công bố khoa học về việc giải quyết vấn đề thực tế nào đó trong lĩnh vực mà mình đang làm việc. Nếu không, các nghiên cứu sinh rất khó thuyết phục hội đồng bảo vệ để tốt nghiệp. Yêu cầu đầu vào cũng đòi hỏi những người có kinh nghiệm làm việc từ 12 năm và có ít nhất 7 năm làm quản lý.

Trên thế giới, các chương trình này hướng vào đối tượng người học là những người làm việc thực tế, có kinh nghiệm chuyên môn, có nhu cầu phát triển nghề nghiệp. Đề tài nghiên cứu trong các chương trình tiến sĩ định hướng ứng dụng liên quan trực tiếp đến thực tế nghề nghiệp của người học, bắt nguồn từ lĩnh vực nghề nghiệp. Kết quả nghiên cứu không chỉ đóng góp mới cho tri thức mà còn tác động trực tiếp đến thực tế nghề nghiệp, chính sách. So với chương trình tiến sĩ “truyền thống”, chương trình tiến sĩ định hướng ứng dụng có thể bao gồm nhiều môn học hơn, chủ yếu học tập qua kinh nghiệm và trải nghiệm.