Thí sinh chuộng nộp hồ sơ trực tiếp tại trường

(VOH) – Ngày 1/8, thí sinh trên cả nước bắt đầu nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ. Năm nay, thí sinh có thể nộp hồ sơ bằng một trong ba phương thức: nộp hồ sơ qua đường bưu điện, nộp trực tuyến hoặc nộp trực tiếp tại trường.

Cán bộ tư vấn nhập thông tin thí sinh tại Hội đồng xét tuyển trường ĐH Sư Phạm TPHCM. Tuyết Nhung

Mặc dù vậy, ghi nhận tại nhiều trường cho thấy thí sinh, phụ huynh chuộng hình thức nộp trực tiếp tại trường, dù cả ba phương thức có giá trị như nhau. Tuy nhiên, so với năm 2015, tình trạng lộn xộn không xảy ra, các trường bố trí bàn ghế, máy tính nhập liệu tạo điều kiện cho thí sinh đăng ký hồ sơ xét tuyển nhanh chóng.

Tại trường Đại học Sài Gòn, khu vực nộp hồ sơ được bố trí cả trăm bàn ghế, dù, nhiều bảng lớn để dán thông tin xét tuyển, chỉ tiêu từng ngành để thí sinh tìm hiểu. Nếu như năm ngoái mỗi thí sinh phải chờ đợi hàng giờ đồng hồ mới nộp hồ sơ được thì năm nay, thí sinh chỉ mất khoảng vài phút để hoàn tất việc đăng ký. Trong khi đó, tại trường ĐH Kinh Tế TPHCM bố trí khoảng 30 cán bộ để hướng dẫn, tư vấn thí sinh và phụ huynh. Trường không thu lệ phí xét tuyển khi thí sinh đăng ký xét tuyển, chỉ thu khi thí sinh đến nhập học. 

Tại trường Đại học Sư phạm TPHCM, lượng thí sinh đến đăng ký nộp hồ sơ trong ngày đầu tiên khá đông, kín cả hội trường. Mặc dù, đầu ngày, tình hình có phần rối rắm do nhà trường quy định điểm dự kiến cụ thể của từng ngành. Trên cơ sở đó, ban tuyển sinh tư vấn các thí sinh có điểm bình quân bằng hoặc cao hơn mới nên đăng ký nguyện vọng. Tuy nhiên, nhiều thí sinh cho biết, việc quy định điểm cụ thể sẽ mang lại lợi ích nhiều hơn cho các bạn.

Thí sinh Nguyễn Thị Bích Phượng, quận 12, đăng ký xét tuyển vào trường ĐH Sư Phạm giải thích: “Được điểm dự kiến trở lên thì mới nên đăng ký vô, còn nếu thấp hơn thì xem xét lại vì khả năng đậu không cao. Em thấy tiện vì mình tính ra dễ nhận định được có đậu hay không, chứ nếu không có (quy định điểm dự kiến - PV) thì cũng mơ hồ lắm”.

Các phụ huynh nhận xét có sự thay đổi tích cực trong công tác tuyển sinh năm nay như các trường có sự chuẩn bị tốt về trang thiết bị, thủ tục cũng nhanh chóng nên dù có đông nhưng không có tình trạng mất trật tự.

Thí sinh, phụ huynh chờ đăng ký hồ sơ tại Trường ĐH Sư Phạm TPHCM. Ảnh: Tuyết Nhung

Mặc dù, thí sinh có 3 hình thức nộp hồ sơ xét tuyển: trực tuyến, qua đường bưu điện và trực tiếp tại trường, nhưng rất nhiều thí sinh chỉ cảm thấy thực sự an tâm khi đến nộp trực tiếp tại trường. Vì vậy, nhiều thí sinh phụ huynh không ngại đường xá xa xôi, đến trực tiếp trường đăng ký. 

Ông Hồ Duy Mãn, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, đưa con đến nộp hồ sơ xét tuyển vào trường Đại học  Sài Gòn, chia sẻ:“Nộp trực tuyến thì tôi không rõ lắm, với lại khu vực Xuân Lộc, Đồng Nai thì trực tuyến cũng khó. Tôi ở khu vực rẫy nên mạng không có nên mình lên trực tiếp cho nó cụ thể hơn. Hai cha con tôi đi từ sang đến giờ cũng hơi xa một tí”.

Về ba phương thức nộp hồ sơ, Ths Phạm Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh và Dịch vụ đào tạo, Trường ĐH Công Nghiệp Thực Phẩm TPHCM khẳng định, cả ba phương thức đều có giá trị xét tuyển như nhau, nên thí sinh và phụ huynh không cần thiết phải đến trực tiếp trường.

“Với quá trình nhận hồ sơ, thí sinh hoàn toàn an tâm về tính công bằng. Nếu như các em nộp hồ sơ trực tuyến thì hạn chót đến 17g này 12/08. Các em nộp trực tiếp tại trường cũng tương tự như vậy. Còn đối với các em nộp hồ sơ qua đường bưu điện, trường cũng căn cứ vào dấu của bưu điện. Cho nên các em không nhất thiết phải lên trực tiếp trường. Đối với phụ huynh học sinh, tốt nhất trong thời điểm này, nên tham khảo các thông tin liên quan về trường, dự đoán điểm số, coi thông tin phân tích của chuyên gia để xem mình có nên nộp trường đó hay không” - Ths Phạm Thái Sơn cho biết thêm.

Thí sinh, phụ huynh chờ nộp hồ sơ tại ĐH Sài Gòn. Ảnh: Tuyết Nhung

Theo các chuyên gia giáo dục, đây mới chỉ là ngày đầu nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển, trong khi đợt xét tuyển này kéo dài 12 ngày, vì vậy thí sinh vẫn còn thời gian để tham khảo, cân nhắc ngành nào, trường nào phù hợp nhất với số điểm của mình.
 
Theo Ths Hứa Minh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính Marketing, để có cơ hội trúng tuyển ngay từ nguyện vọng 1, điều duy nhất mà các em cần làm đó là nên tham khảo điểm chuẩn trúng tuyển năm 2015 của các trường, nhất là những ngành, nghề mà các em yêu thích; ngành nghề đó rơi vào những trường nào. Với số điểm của mình nên chọn trường nào, lúc ấy hãy quyết định đăng nhập vào hệ thống đăng ký. Thời điểm “vàng” để các em nộp hồ sơ rơi vào khoảng ngày 06, 07/08. 

Ths Tuấn cũng lưu ý thí sinh về việc cân nhắc lựa chọn 2 trường để đăng ký sao cho hiệu quả: “Về nguyên tắc đăng ký 2 trường, mỗi trường 2 ngành tuỳ theo năng lực của mình. Ví dụ, với ngành mình chọn, nếu thấy điểm bấp bênh thì nên chọn trường mình thích trước. Sau đó, các em tham khảo thêm thông tin rồi nhắm đến ngành của trường thứ hai cũng tương tự. Học quan trọng là chọn ngành chứ không phải chọn trường. Như thế thì khả năng trúng tuyển đợt 1 sẽ cao”.

Cán bộ tư vấn cho phụ huynh tại trường ĐH Nguyễn Tất Thành. Ảnh: Thuỳ Linh

Ghi nhận ban đầu, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành nhận được hơn 600 hồ sơ xét tuyển, trong đó hơn 250 hồ sơ dựa vào kết quả thi THPT Quốc gia, còn lại là hồ sơ dựa vào kết quả học bạ THPT lớp 12. Trường ĐH Kinh tế nhận hơn 500 hồ sơ đăng ký xét tuyển, tính cả nộp trực tiếp và đăng ký online.
 
Trong khi đó, Trường ĐH Y Dược TPHCM nhận khoảng 300 hồ sơ. Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM nhận hơn 330 hồ sơ. Trường ĐH Công Nghiệp Thực Phẩm TPHCM cho hay đã nhận được khoảng 150 hồ sơ đăng ký qua hình thức trực tuyến, khoảng 200 hồ sơ nộp trực tiếp tại trường.