Thi THPT quốc gia 2019: Thí sinh thích thú với đề Giáo dục công dân - than đề Sử khó

(VOH) - Ngay sau khi kết thúc buổi thi cuối cùng, bài thi tổ hợp Khoa học xã hội sáng 27/06, nhiều thí sinh ra về với tâm trạng nhẹ nhàng vì đã hoàn thành kỳ thi.

Riêng với bài thi Khoa học xã hội, nhiều thí sinh “than” đề Sử khá khó khiến thí sinh mất nhiều thời gian. Trong khi đó, nhiều em thích thú với các câu hỏi xử lý tình huống mà bài thi môn Giáo dục công dân đề cập. 

Tại điểm thi Trường THPT Trưng Vương, quận 1, nhiều thí sinh ra về với tâm lý thoải mái, dù phần thi sáng nay chưa thật sự như ý. Thí sinh Hoàng Dương, học sinh trường THPT Trưng Vương cho hay đề thi không khó lắm nhưng mình cần phải suy nghĩ. Đặc biệt, em thấy đề thi môn Sử khó hơn 2 đề thi còn lại, nên em mất thời gian cho hai môn đó nhiều hơn.

Còn môn Địa mình phải xử lý nhiều số liệu, tầm mười mấy câu phải sử dụng Atlat để làm bài. Đối với môn Giáo dục công dân, gần nửa số lượng câu hỏi cho thí sinh xử lý các tình huống khá thú vị.

Thí sinh tại điểm thi THPT Trưng Vương, quận 1 sau khi kết thúc bài thi Khoa học xã hội.

Thí sinh tại điểm thi THPT Trưng Vương, quận 1 sau khi kết thúc bài thi Khoa học xã hội.

Vậy là thí sinh đã kết thúc kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2019. Thí sinh Hùng Cường nhận xét: “Môn Sử là môn khó với em nên em hơi khó khăn ở bước đầu để làm bài, còn Địa với Giáo dục công dân có phần dễ hơn. Nói chung, các môn Toán, Văn, Anh, Địa và Giáo dục công dân, em xử lý được, chỉ có Sử là hơi khó. Nguyện vọng 1 của em là xét vào trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM. Em xét khối D1 nên em cũng hy vọng, vì Văn và Anh em làm khá tốt, môn Toán chỉ ở mức vừa phải. Em hy vọng hai môn kia sẽ kéo điểm lên”.

>> Kỳ thi THPT quốc gia 2019: Đề thi và gợi ý bài giải các môn của tổ hợp KHXH
(VOH) - Các thí sinh vừa kết thúc môn thi tổ hợp Khoa học xã hội (Sử, Địa, GDCD). Đây là các môn thi cuối cùng của kỳ thi THPT quốc gia 2019.

Môn Sử: khó đạt điểm cao         

Tương đồng với ý kiến của các thí sinh, bà Bùi My Thúy, giáo viên dạy Sử Trường THPT Gia Định nhận xét, đề thi môn Sử năm nay khó tương đương đề Sử năm ngoái, để đạt điểm cao là điều rất khó: “Đề thi hầu như bắt học sinh vừa phải học mà vừa phải hiểu nữa thì mới chọn đúng câu đáp án. Do đó, để đạt điểm cao sẽ rất khó, bởi vì 8 câu cuối cùng toàn là yêu cầu so sánh, nhận xét nên mức độ vận dụng cao rất nhiều. Học sinh phải vừa học, vừa hiểu và phải hiểu bản chất của câu hỏi nữa thì mới làm được”.  

Riêng giáo viên Trần Thị Yến Ngọc, trường THPT Trần Hữu Trang thì cho rằng, đề thi Giáo dục công dân bám khá sát với đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT công bố trước đó nên rất thuận lợi cho thí sinh: “Về cơ bản, đề thi năm nay bám đúng chương trình ôn đề thi thử của Bộ GD-ĐT đưa ra. Đề đảm bảo 4 câu hỏi trong kiến thức lớp 11, chiếm khoảng 10%. Và 4 câu đó nằm trong kiến thức về kinh tế, mức độ dễ, nằm ở mức độ nhận biết, học sinh không cần phải vận dụng nhiều vì học sinh nhìn vào là có thể làm được. Kiến thức lớp 12 chiếm 90%, số câu hỏi về tình huống ít hơn và dễ hơn so với đề năm ngoái”.  

Ông Lê Đức Tài, giáo viên môn Địa trường THPT Bùi Thị Xuân nhận xét về đề thi Địa năm nay: “Đề thi kiến thức lớp 12 chiếm trên 90%. Còn lại là trong kiến thức khối 11. Không có lớp 10, do đó thuận lợi cho thí sinh trong ôn tập và giảm tải. Thứ hai, đề thi tương đối nhẹ nhàng, có tính phân hóa. Đối với học sinh có học lực trung bình có khả năng làm được từ 6 – 7 điểm vì phần thực hành, vận dụng kỹ năng tương đối dễ, gần gũi và được các em luyện tập thường xuyên”.