Triển khai chương trình lớp 1: Để mỗi ngày đến trường là một ngày vui

(VOH) - Chương trình phổ thông 2018 đang triển khai ở khối lớp 1 tiểu học vừa hoàn thành tuần thứ tư, sau 1 tháng kể từ ngày khai giảng.

Bên cạnh những tiết học đầy hào hứng, vui thích như mỹ thuật, âm nhạc, thể dục, không ít học sinh, giáo viên và phụ huynh lớp 1 căng thẳng trước những tiến độ và yêu cầu của chương trình Tiếng Việt của khối lớp này.

Mấy tuần nay, tối nào chị Nguyễn Thị Lan Anh, phụ huynh có con đang học một trường tiểu học ở Quận Bình Tân cũng đều giành thời gian kèm bài cùng con. Chị cho rằng mình may mắn hơn nhiều gia đình phụ huynh khác trên địa bàn khi con đăng ký được suất học bán trú. Con đi học không phải mang nhiều sách vở, chỉ mang một ít bài học về nhà để ba mẹ cùng ôn với bé.

Tuy nhiên, do chỉ vừa rời trường mầm non vài tháng nên con vẫn yêu thích các hoạt động vui chơi, chứ chưa thật sự học tập hiệu quả. Vì vậy, con học chữ "gh" lại quên mất chữ "ng", nhìn chữ "ng" (đơn) lại cho là chữ "gh" (ghép). Với một số trẻ khác lại còn nhầm lẫn giữa dấu sắc, dấu huyền, chữ d và b... Càng nhầm, con lại càng lo lắng.

Chị cho biết chỉ mới tuần đầu đến lớp con đã khá căng thẳng và thường xuyên giục mẹ ôn bài: "Tại vì bé mới học một tuần đầu, không biết thế nào mà lúc nào con về cũng bảo mẹ phải ở nhà kèm bài cho con. Mẹ không kèm bài là cô không cho con đi thi đâu đó.

Chỉ mới một tuần đầu tôi đã thấy rất áp lực và tới giờ con vẫn lo lắng như vậy. Có lẽ do chương trình nặng quá nên cô cũng phải "chạy đua" theo, yêu cầu học sinh học quá nhanh."

Hoc sinh lop 1 trong giờ học tin học tin học.

Không riêng phụ huynh, giáo viên khối lớp 1 cũng xác định chương trình lớp 1 năm nay không chỉ đi nhanh mà có yêu cầu cao hơn so với chương trình cũ.

Nếu trước đây, mỗi tuần môn Tiếng Việt có khoảng 10 tiết/tuần thì nay, số tiết của môn học này tăng lên 13 tiết. Ở chương trình trước đây mỗi bài chỉ có 2 âm vần nhưng ở chương trình mới mỗi ngày có khi bé phải học đến 3 hoặc 4 âm vần.

Nhìn chung, mỗi tuần bé phải học khoảng 6-7 âm mới trong đó, một số âm khó như ch-kh, g đơn- gh ghép, ng đơn - ngh ghép... lại tập trung trong cùng 1 tuần, 1 bài dẫn đến tình trạng nhiều học sinh không nhớ kịp mặt chữ, viết chưa nhanh trong khoảng thời gian ngắn chỉ vài tuần. Vì vậy, cô trò gặp nhiều khó khăn trong việc ghi nhớ và dạy học.

Theo giáo viên T.L dạy lớp 1 một trường tiểu học trên địa bàn quận 1, chương trình cũ trước đây những âm khó này đến tuần 7 tuần 8 học sinh mới học. Không những vậy, dù mới học chỉ vài tuần nhưng các bé đã được yêu cầu đọc những câu dài từ 6 đến 10 từ hoặc những câu ngắn ghép thành đoạn: 

"Yêu cầu chung của chương trình là phải đọc thông viết thạo. Ở chương trình cũ khi đến cuối năm lớp 1 chỉ yêu cầu các bé đọc một đoạn văn, chỉ cần đọc lưu loát, chưa cần hiểu. Còn bây giờ là phải đọc một bài văn, trả lời câu hỏi và hiểu bài để chọn các đáp án đúng. Chương trình cuối năm lớp 1 tương đương học kỳ 1 lớp 2 chương trình cũ. Nghĩa là cuối lớp 1 các bé phải giỏi như lớp 2 đang học."

Trong khi đó, lứa học sinh năm nay lại không có sự chuẩn bị tốt để vào lớp 1. Do thời gian học kỳ 2 của năm học học trước các em phải nghỉ học do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chương trình mầm non 5 tuổi với những nội dung như: làm quen chữ viết, bước đầu nhận diện mặt chữ... không thể thực hiện đầy đủ.

Không ít phụ huynh lo ngại dịch bệnh còn cho con nghỉ học ở nhà tránh dịch. Vì vậy để đáp ứng yêu cầu chương trình học, cả giáo viên và học sinh đều phải nỗ lực rất nhiều. Đi từng bàn, chỉ từng em, sáng tạo các hình thức khác nhau để có thể giúp trẻ nhớ mặt chữ tốt hơn là cách làm của nhiều giáo viên lớp 1.

Ông Lê Ngọc Điệp, Nguyên Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, người có kinh nghiệm trải qua nhiều đợt thay sách, triển khai chương trình mới, cho rằng sự đổi mới bao giờ cũng vấp phải những khó khăn, một phần do giáo viên phải thay đổi từ thói quen, chương trình, giáo án quen thuộc  sang chương trình mới. Những phản ứng, đáp ứng của học sinh với chương trình mới cũng khác hẳn trước đây.

Vì vậy, ông cho rằng giáo viên và phụ huynh cần hết sức bình tĩnh. Học sinh có thể sẽ không nhớ hết bài trong ngày một, ngày hai nhưng trong những bài thơ, bài tập đọc tiếp theo, các em sẽ có dịp ôn và nhớ lại.

Nguyên Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học cho rằng giáo viên lớp 1 phải như "người mẹ hiền". Một người mẹ hiền thì tình yêu thương với các con là như nhau nhưng người mẹ hiền biết rõ sự khác biệt trong tính nết, năng lực của con của mình. Với đứa con này, cần giáo dục ra sao, đứa con kia cần tác động thế nào để mang lại hiệu quả.

Giáo viên cũng cần biết được hoàn cảnh của học sinh, em nào gia đình quan tâm, em nào cha mẹ phải mưu sinh, vất vả phải trông cậy hết vào cô giáo... để từ đó có sự hỗ trợ kịp thời: "Làm nghề giáo viên phải biết tâm lý và cách giáo dục học sinh, đặc biệt là lớp 1. Không phải hôm nay con quên âm này, con quên tiếng kia, chữ nọ mà con "dốt".  Cô cứ bình tĩnh dạy rồi nhắc con cách nhớ. Phải luôn luôn biết cách hướng dẫn, biết cách gợi nhớ. Tôi mong rằng, các thầy cô, trước một chương trình mới, bài dạy mới, cần bình tĩnh với học sinh, không bắt buộc các em phải tiếp thu ngay hết được tất cả."   

Học sinh trường tiểu học Linh Chiểu - Quận Thủ Đức trong một hoạt động giáo dục tại trường

Trước những khó khăn ban đầu trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM đề nghị giáo viên, phụ huynh cần hết sức bình tĩnh. Theo chỉ đạo chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo giáo viên được giao quyền chủ động thực hiện chương trình. Vì vậy, các thầy cô với sự hỗ trợ của nhà trường cần chủ động điều chỉnh kế hoạch dạy học, phân phối tiết dạy trong từng giai đoạn, thậm chí có thể khác nhau ở các lớp trong cùng khối.

Đối với môn Tiếng Việt 1, giáo viên có thể phân phối tiết dạy theo hướng tăng thêm thời lượng ở phần âm - vần để rèn luyện kỹ năng đọc viết, tạo tâm thế nhẹ nhàng nhằm giúp học sinh tiếp thu bài tốt nhất. Phó Giám đốc Sở cho rằng: "Phụ huynh đừng quá sốt ruột. Những khó khăn sẽ qua nhanh. Hết học kỳ 1 các em sẽ học được hoàn thành chương trình một cách ổn thoả, tốt đẹp. Nhà trường sẽ có giải pháp điều chỉnh thời lượng dạy học sao cho phù hợp với từng đối tượng học sinh trong lớp của mình. Không gây ra quá tải, không nhận xét phê bình, áp lực cho học sinh cũng như phụ huynh "    

Chương trình phổ thông 2018 là cơ hội thực hiện đổi mới giáo dục toàn diện, xây dựng và phát triển thế hệ con người với những năng lực phẩm chất cần thiết cho xã hội hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, do những tác động khách quan của dịch bệnh và những trở ngại tất yếu của quá trình đổi mới, chương trình vẫn đang đối mặt với một số khó khăn.

Thực tế những yêu cầu của chương trình mới cũng nhằm thay đổi bản chất của việc học tập vốn nặng về học thuộc sang nắm vững, hiểu bản chất và tăng khả năng vận dụng.

Vấn đề là cần thực hiện như thế nào để học sinh tiếp nhận một cách nhẹ nhàng, vui tươi, không áp lực, để mỗi ngày các em đến trường thực sự là một ngày vui.