Trọn vẹn tình yêu với nghề - Kỳ 1: Dù áp lực nhưng chúng tôi vẫn chọn ở lại

(VOH) - Vai trò của người giáo viên vốn luôn được xã hội xem trọng. Xã hội phát triển vai trò này ngày càng được khẳng định.

Mặc dù có lúc, có khi, có những sự việc khiến cho xã hội có cái nhìn cẩn trọng hơn với nghề, khiến người làm nghề cũng tâm tư hơn, nhưng hơn hết tình yêu nghề, yêu người và sứ mệnh người thầy đã mang đến cho nhà giáo những sức mạnh để vượt lên tất cả và sống trọn vẹn với nghề.

Nhân kỷ niệm 38 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2020), VOH tổ chức toạ đàm “Trọn vẹn tình yêu với nghề” với kỳ 1 "Dù áp lực nhưng chúng tôi vẫn chọn ở lại" để nghe các giáo viên chia sẻ về những buồn vui của nghề và những nỗ lực của bản thân để  thực hiện tốt sứ mệnh người thầy.

* VOH: Ông bà có thể chia sẻ về lựa chọn của mình với nghề dạy học?

Thầy Nguyễn Văn Hùng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mê Linh Quận 3

Thật ra, ban đầu bản thân tôi cũng không chọn nghề giáo. Đó là cái duyên tình cờ được giấy mời gọi nhập học trường sư phạm. Lúc đó, tôi cũng tự hỏi mình làm nghề giáo có xứng đáng? Nghề giáo là cái gì đó rất cao quý. Các vị thầy dạy mình thấy ai cũng giỏi, bản thân mình khi làm nhà giáo có giỏi được như các thầy, có làm được việc như các thầy đã làm?  Điều đó khiến cho tôi suy nghĩ nhiều nhưng được sự động viên của gia đình, thế là năm 1979 tôi bắt đầu đi học làm thầy giáo.

* VOH: Vai trò của người giáo viên trong bối cảnh hiện nay thay đổi như thế nào?

Tiến sĩ Giáo dục Nguyễn Thị Thu Huyền - Phó Tổng Hiệu trưởng Trường Trường quốc tế Việt Nam - Phần Lan (VFIS):

Thật ra, mình thừa nhận là vai trò của nghề giáo so với trước đây, đã khác biệt đi trong mắt số đông. Nhiều người xem giáo viên cũng chỉ là một nghề - một nghề bình thường như nhiều công việc khác. Giáo viên được trả lương để làm công việc dạy học.

Tuy nhiên, dù với cách nhìn là một nghề được trả lương nhưng trong mắt nhiều người vẫn tiềm ẩn sự yêu cầu cao, sự kỳ vọng lớn đối với người làm giáo viên. Họ vẫn hiểu rằng, đây là một nghề khá đặc biệt, phải tuân thủ rất nhiều quy chuẩn, làm việc với con người, đặc biệt là trẻ nhỏ đang trong quá trình phát triển nhân cách.

Do đó, nhất cử nhất động của giáo viên cho đến giờ phút này vẫn được theo dõi sát sao, vẫn chịu rất nhiều sự đánh giá  của mọi người xung quanh. Mọi người dùng rất nhiều quy chuẩn đạo đức nói chung lẫn đạo đức nghề đểvđánh giá người giáo viên.    

* VOH: Khi nói đó là một nghề thì sẽ có những áp lực trong nghề. Áp lực của nghề mà thầy cô đã trải qua là gì?

 Phạm Thị Thanh Nhung - Giáo viên Trường Trung học cơ sở Nguyễn An Khương, huyện Hóc Môn:

Ngày nay, có nhiều quy chuẩn để đánh giá giáo viên. Những quy chuẩn đó được đặt ra cũng mang đến nhiều điều tích cực, đòi hỏi người giáo viên phải nỗ lực cố gắng từng ngày để hoàn thiện chuyên môn, đạo đức, phương pháp giảng dạy tốt hơn.

Tuy nhiên cũng có không ít áp lực đối với người giáo viên. Chẳng hạn vấn đề giáo dục hiện nay không chỉ truyền thụ tri thức mà phải làm sao để học sinh chiếm lĩnh tri thức một cách chủ động  và giáo dục học sinh toàn diện.

Suốt cả ngày, giáo viên ở cùng học sinh, trải qua những tiết dạy vừa kiến thức, vừa chăm sóc cho các em làm sao vừa ngoan ngoãn vừa có kỹ năng. Đôi lúc sỉ số học sinh từ 40-45 em cũng khiến cho giáo viên cảm thấy "đuối" với công việc trải qua trong một ngày.

Chưa kể, với những cái "đuối" đó, đôi khi mình có những hành xử hơi nóng vội, có những mâu thuẫn nhỏ với phụ huynh. Ngày nay, cộng với sự khuếch tán của mạng xã hội, khiến cho mọi người đôi khi nhìn vào chỉ một mảng nhỏ đó lại đánh giá toàn diện vấn đề, khiến người giáo viên cảm thấy rất áp lực.

 

* VOH: Có lúc nào cô cảm thấy stress với công việc của mình?  

 Phạm Thị Thanh Nhung: Thực sự là có đấy.

Thứ nhất là làm sao để bảo đảm chất lượng bộ môn của mình theo yêu cầu của nhà trường, của ngành.

Thứ hai là làm sao để học sinh ngoan, hứng thú với giờ học.

Thứ ba là làm sao phụ huynh cảm thấy vui vẻ và tin tưởng ở mình khi giao con cho mình.

Mình làm công tác chủ nhiệm, có những lúc học sinh không ngoan, giáo viên bộ môn có trao đổi góp ý về một vài học sinh chưa tốt trong thành tích học tập hay chưa có biểu hiện tích cực trong giờ học. Mình cảm thấy rất nặng lòng.

Phải làm sao để em nó chuyển biến vì thực sự không phải học sinh nào đến trường cũng hứng thú với mọi giờ học. Có những em vào lớp rất mệt mỏi, lờ đờ, thậm chí về nhà mê chơi game, sáng lên trường lại ngủ trong giờ dạy của thầy cô. Thầy cô lại rất là buồn.

* VOH: Với những áp lực của giáo viên, ai sẽ là người giúp đỡ giáo viên giải tỏa, xử lý?

Tiến sĩ Giáo dục Nguyễn Thị Thu HuyềnChia sẻ với cô Nhung về những áp lực học đường. Kỳ vọng của phụ huynh, của chính học sinh đối với thầy cô của mình là rất lớn. Vì vậy, giáo viên đòi hỏi phải sở hữu rất nhiều kỹ năng, phải tự học không ngừng.

Mình đã thấy nhiều giáo viên tham gia rất nhiều khoá học bên ngoài, về trí tuệ cảm xúc, tư vấn hướng nghiệp rồi tâm lý tuổi dậy thì, tâm lý trẻ em, làm cách nào để giao tiếp với phụ huynh, làm sao nói để cho học sinh nghe... Từ kinh nghiệm làm quản lý, mình thấy giáo viên của mình gặp rất nhiều áp lực.

Trong môi trường quốc tế, với mức học phí cao, phụ huynh cũng kỳ vọng rất cao. Người có thể hỗ trợ giáo viên nhiều nhất chính là ban giám hiệu nhà trường. Mình luôn đặt quyền lợi của học sinh lên trên hết, mình cũng lắng nghe ý kiến của phụ huynh.

Tuy nhiên, mặt khác, cũng phải đặt mình vào vị thế của người giáo viên để hiểu cái áp lực của họ. Thay vì yêu cầu họ phải làm thế này, thế khác, mình nên chỉ cho họ cách để giải quyết vấn đề.

Thầy Nguyễn Văn Hùng: Như cô Thu Huyền chia sẻBan giám hiệu là người giúp giáo viên vượt qua áp lực. Cụ thể, Ban giám hiệu phải đồng hành cùng giáo viên, luôn luôn bên cạnh, lắng nghe và giúp đỡ.

Tôi nghĩ, trường nào có ban giám hiệu như vậy, người giáo viên sẽ vượt qua những áp lực của nghề. Yêu cầu quan trọng của người làm công tác quản lý là làm sao phải là chỗ dựa tin tưởng của người giáo viên. Nếu người giáo viên không tin tưởng, cảm thấy người quản lý này không giỏi hơn mình, không thể giúp mình giải quyết các công việc thì họ chẳng bao giờ tâm sự, chẳng bao giờ đến nhờ ban giám hiệu hỗ trợ. Vì vậy, ban giám hiệu phải là người có uy tín, có trình độ, cái nhìn và cách giải quyết vấn đề cao hơn người giáo viên.