Trọn vẹn tình yêu với nghề - Kỳ 2: Cảm ơn phụ huynh đã tin yêu gửi gắm con em cho chúng tôi

(VOH) - Nghề giáo là một nghề đặc biệt bởi sản phẩm họ tạo nên tác động vào chính là nhân cách của học sinh, của thế hệ trẻ.

Chính vì vậy, người giáo viên luôn đối mặt với những áp lực, với sự yêu cầu cao từ xã hội. Để thực hiện tốt sứ mệnh giáo dục của mình, người giáo viên cần lắm sự hỗ trợ, sự đồng hành tin tưởng từ phụ huynh và xã hội.

Kỷ niệm 38 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, trong kỳ 2 của toạ đàm Trọn vẹn tình yêu với nghề” với nhan đề "Cám ơn phụ huynh đã tin yêu gửi gắm con em cho chúng tôi", các giáo viên chia sẻ những tình cảm, gửi gắm những tâm tư, những tin yêu đã làm động lực cho người thầy vững vàng hơn với nghề.

* VOH: Giáo viên có mong muốn như thế nào từ phụ huynh, xã hội, để có cái nhìn chia sẻ hơn với nghề trong bối cảnh hiện nay?

Cô Phạm Thị Thanh Nhung - Giáo viên Trường Trung học cơ sở Nguyễn An Khương, huyện Hóc Môn: Đối với tôi, trước hết tôi xin nói lời cảm ơn đối với xã hội và phụ huynh đã tin yêu và gửi gắm con em mình cho chúng tôi, những người đang làm công việc giảng dạy các em.

Tôi vẫn mong rằng xã hội và cả phụ huynh hãy tiếp tục dành sự tin yêu đó và đồng hành cùng chúng tôi. Sự đồng hành đó, trước hết là rất mong mọi người cảm thông cho công việc của người giáo viên trước những áp lực mà chúng ta đã chia sẻ.

Thứ hai, sự đồng hành này bên cạnh sự cảm thông, phụ huynh hãy hỗ trợ cho học sinh trong quá trình các em khám phá tri thức. Làm sao để trong suy nghĩ của các em đến trường là niềm vui, thầy cô sẽ luôn là những hình ảnh đẹp trong mắt các em.

Mình đừng vì yếu tố gọi là kinh tế hay xã hội mà tác động làm cho trẻ có suy nghĩ không hay về thầy cô. Rất mong mỗi phụ huynh chúng ta vẫn luôn giữ được sự yêu thương đó, không chỉ cho mình mà cả nuôi dưỡng trong suy nghĩ con trẻ. Có như vậy, công việc giảng dạy của người giáo viên cũng sẽ là niềm vui. Nếu học trò mỗi ngày đến trường là một ngày vui, thì niềm vui đó cũng cần có ở người giáo viên.

Thầy cô hạnh phúc sẽ có trường học hạnh phúc, trường học hạnh phúc thì học sinh sẽ hạnh phúc. Ảnh minh họa: Thảo Nguyên

Tiến sĩ Giáo dục Nguyễn Thị Thu Huyền - Phó Tổng Hiệu trưởng Trường Trường quốc tế Việt Nam - Phần Lan (VFIS): Thầy cô hạnh phúc sẽ có trường học hạnh phúc, trường học hạnh phúc thì học sinh sẽ hạnh phúc. Do đó, mình cũng rất tâm đắc với chia sẻ của cô Nhung. Thay vì tạo áp lực cho giáo viên thì phụ huynh hãy chia sẻ và đồng hành với giáo viên trong quá trình giáo dục con mình.

Thực ra, nhiều trường hợp phụ huynh gây áp lực cho giáo viên đơn giản chỉ vì họ gặp áp lực rất lớn trong việc dạy con của mình. Tức là chính phụ huynh cũng không biết phải làm thế nào với con của mình, dẫn đến họ chuyển cái áp lực từ bản thân sang những người giáo viên. Nên mình cũng hy vọng các giáo viên nghe chương trình này hiểu cho phụ huynh, cho cái mong đợi và áp lực của phu huynh nữa. Hai bên cần hiểu nhau và muốn hiểu nhau cần phải đối thoại.

Vì vậy, thay vì phụ huynh chia sẻ những bức xúc của  mình ở một nơi nào khác, lên các diễn đàn... thì chúng ta nên chia sẻ điều này với giáo viên của mình, với ban giám hiệu của trường con mình đang theo học.  

Thầy Nguyễn Văn Hùng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mê Linh Quận 3: Tôi chỉ góp thêm một ý là, các vị phụ huynh hãy hết sức tôn trọng giáo viên. Đừng xem giáo viên giống như những người làm những nghề khác, vì nghề giáo có những áp lực riêng. Đó là công việc để tiếp xúc trực tiếp với con người và để dạy cho những em học sinh nhỏ hơn mình. Người phụ huynh xin hãy tôn trọng người giáo viên. Với sự tôn trọng đó, chúng ta phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo và khi đó các vấn đề sẽ được giải quyết. Khi có sự tôn trọng, phụ huynh sẽ hết sức bình tĩnh, giải quyết sai sót của người giáo viên bằng một hành vi, thái độ văn minh. TPHCM là thành phố văn minh hiện đại nghĩa tình nên phụ huynh tôn trọng giáo viên là một hành động văn minh, đúng với truyền thống tôn sư trọng đạo. Không nên vì lỗi sai của một vài cá nhân nào đó mà đánh đồng hết cả nền giáo dục, tất cả những người thầy, mà như chúng ta thấy nhiều người thầy rất tâm huyết.

Đối với xã hội thì xin xã hội đừng lên án giáo dục, xin xã hội hãy tạo cái dư luận tốt về giáo dục nhiều hơn là nói xấu về những sai trái của một vài cá nhân nào đó. Làm cho ngành giáo dục xấu đi là không nên. Chúng ta hãy nói nhiều về những điều tích cực, khi đó, những cái xấu tự nhiên sẽ phải biến mất hoặc phải thay đổi để tốt lên. Những ai đó trong ngành giáo dục làm chưa đúng sẽ có cơ hội để làm đúng và cái cơ hội đó chính là dư luận của xã hội tạo cho họ cơ hội đó.  

Tiến sĩ Giáo dục Nguyễn Thị Thu HuyềnMình nhìn thấy từ thầy cô quản lý cho đến giáo viên ở hệ thống giáo dục công với con số học sinh rất "khổng lồ", mỗi giáo viên mỗi ngày dạy vài chục em. Ở vùng sâu vùng xa, khi số lượng học sinh ít hơn thì vấn đề lại nhiều hơn. Mình vừa có chuyến đi làm việc tại Quảng Trị, phụ huynh gần như phó mặc việc nuôi dạy, cả việc ăn uống, chăm sóc... cho nhà trường. Giáo viên nơi đó không chỉ lo từ quần áo, bút viết, mà còn dạy dỗ lời ăn tiếng nói... tất tần tật. Giá mà mọi người được nhìn thấy, ghi nhận những điều giáo viên và trường học đã làm mới thấy rằng giáo viên Việt Nam rất xuất sắc. Mình đã đi qua nhiều môi trường giáo dục từ châu lục này sang châu lục khác, làm việc với giáo viên nhiều quốc gia khác nhau, nhưng mình vô cùng tự hào về giáo viên Việt Nam. Rất là biết ơn các thầy cô, những ai đã chọn ở lại với nghề này thì thực sự họ rất đáng tôn trọng.

Và mình đồng ý với thầy Hùng đó là hãy tạo cơ hội để giáo viên có thể làm tốt hơn. Hầu hết tất cả chúng ta, trong đó có cả chính tôi, đều không thể mang con của mình về nhà dạy. Hầu hết đều phải giao con cho giáo viên, vậy tại sao chúng ta lại không chọn sự tin tưởng và sự đồng hành mà chúng ta lại chọn đứng ở một chuyến tuyến khác.

* VOH:  Xin cám ơn các vị khách mời đã tham gia buổi toạ đàm!