Trung cấp chuyên nghiệp "hút" học sinh từ đâu?

(VOH) – “Đánh giá năng lực người lao động không chỉ dựa vào trình độ học vấn, văn hoá…Không phải cứ vào trường trung cấp hay trung tâm giáo dục thường xuyên là kém cỏi”.

Đây là ý kiến của ông Phạm Ngọc Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tại hội nghị Góp ý dự thảo đề án Phân luồng học sinh Trung học cơ sở tại TPHCM giai đoạn 2016-2020, vừa diễn ra sáng 30/11.

Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó GĐ Sở GD- ĐT phát biểu tại hội nghị. 

Tỷ lệ học sinh vào trường nghề còn thấp

Theo báo cáo của Sở Giáo dục – đào tạo tỷ lệ học sinh sau Trung học cơ sở vào học trung cấp chuyên nghiệp từ năm học 2012-2013 đến năm học 2014-2015 dù có tăng (từ 1,7% lên 3,6%) nhưng vẫn chiếm tỷ lệ rất thấp so với mục tiêu 30% học sinh được phân luồng. Tuy nhiên, theo ý kiến một số cán bộ làm trong ngành giáo dục, cần thống kê cả số lượng học sinh học các khối lớp Trung học phổ thông nhưng không đủ khả năng theo tiếp và chuyển sang học các trường trung cấp chuyên nghiệp.

Mặt khác, nhiều phụ huynh luôn mong muốn con em tiếp tục học Trung học phổ thông, chưa thực sự quan tâm đến các trường trung cấp chuyên nghiệp. Vì vậy cần tuyên truyền để phụ huynh nhận thấy được lợi ích của giáo dục nghề nghiệp như: được miễn học phí 100%, lợi thế về mức lương, cơ hội việc làm giữa học sinh tốt nghiệp THPT và trung cấp chuyên nghiệp...

Làm gì để "hút" học sinh vào các trường nghề

Ngoài ra, theo ông Võ Thanh Liêm, Phó hiệu trưởng trường Trung cấp Kinh tế-Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh, cần căn cứ trên điểm thi để phân luồng học sinh: "Chẳng hạn có thể bổ sung vào đề án phân loại: Điểm giỏi, điểm khá thì tiếp tục học lên, điểm trung bình trở xuống thì phân luồng vào học ở các trường nghề".

Cùng mục đích tăng tỷ lệ phân luồng học sinh vào các trường nghề, một số đại biểu cho rằng với kỳ thi tuyển sinh lớp 10, ngoài 3 nguyện vọng vào các trường phổ thông, cần cho các em đăng ký thêm 2 nguyện vọng vào các trường nghề. Vừa đảm bảo nhu cầu chọn trường của học sinh, vừa đáp ứng yêu cầu phân luồng giáo dục nghề nghiệp, tạo sự cân bằng giữa "thầy" và "thợ". 

Một số đại biểu đề xuất xây dựng khung chương trình phổ thông dành cho đối tượng tham gia giáo dục nghề nghiệp. Hiện nay, học viên các trường trung cấp phải học và thi theo chuẩn trung học phổ thông quốc gia, cùng với nội dung chương trình nghề các em đang theo học, sẽ rất nặng.

"Cần yêu cầu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải có chỉ tiêu về dạy nghề gắn với doanh nghiệp, vì gắn với doanh nghiệp mới nói đến việc đào tạo đúng theo nhu cầu XH và giải quyết được việc làm cho người lao động", ông Phạm Văn Công, Phó phòng Dạy nghề, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, đề xuất.

Cùng quan điểm đào tạo nghề phải đáp ứng nhu cầu xã hội, ông Phạm Ngọc Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, cho rằng giáo dục nghề nghiệp đóng vai trò rất quan trọng đối với nguồn nhân lực. Người học luôn mong muốn học những gì xã hội cần và thiết thực trong cuộc sống.

Về đề án phân luồng học sinh sau THCS, Phó giám đốc Sở GD-ĐT cho biết vừa kết hợp tuyên truyền, vừa làm đề án phân luồng. Sau đó, sẽ giảm theo lộ trình, kế hoạch đến năm 2020, số lượng học sinh tuyển vào công lập chỉ khoảng 70%. Đồng thời cần nâng chất lượng đào tạo các trường nghề.