Trường đại học tiếp cận thí sinh thời 4.0

(VOH) - Chưa bao giờ, thông tin tuyển sinh được nhiều trường đại học tiếp cận đến thí sinh một cách rầm rộ như hiện nay.

Với sự phát triển của công nghệ, sự phổ biến của mạng xã hội, các trường đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ) nhanh chóng tận dụng hệ thống online bao gồm: website, email, zalo, facebook….. nhằm giúp thí sinh dễ dàng tìm hiểu thông tin hơn, không tốn kém, đặc biệt qua đó trường đại học có thể tìm kiếm những người học phù hợp.

Mạnh tay đầu tư cho hoạt động tư vấn tuyển sinh online, có thể kể đến Trường Đại học Sư Phạm Kỹ thuật TPHCM, với kinh phí đầu tư cho trường quay lên đến 1,2 tỷ đồng. Đến nay, Trường đã thực hiện hàng trăm buổi tư vấn online hàng ngày, hay nổi bật là “tư vấn xuyên đêm cùng thầy hiệu trưởng” đã thực hiện đến kỳ thứ 10.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng lý giải, hiện nhiều học sinh vẫn chọn sai ngành, trường. Việc chọn lựa ngành học không đúng sẽ ảnh hưởng đến cả cuộc đời của các em sau này. Chọn thời điểm từ 21 giờ cho đến 4 giờ sáng, thầy hiệu trưởng chia sẻ với học sinh xung quanh về cách chọn ngành, chọn nghề, các phương thức xét tuyển, những ngành học mới của trường, cả những câu chuyện đời thường…..

Phó Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng bày tỏ: “Thông thường, tiếng nói của một người hiệu trưởng là thể hiện sự cam kết về mặt chất lượng, tất tần tật mọi thứ về Trường, thể hiện sự quan tâm các em sau này khi trở thành sinh viên của Trường.

Đến nay, buổi tư vấn xuyên đêm đã đến kỳ thứ 10. Lý do tôi chọn giờ tư vấn xuyên đêm vì qua quan sát, tôi thấy học sinh phổ thông bây giờ rất cực. Ban ngày học ở trường, buổi tối thì đi học thêm, cho nên tư vấn xuyên đêm cũng phù hợp với thời khóa biểu các em”

Trường đại học, tiếp cận thí sinh, thời 4.0, THPT

          Học sinh trường trung học phổ thông thăm quan, trải nghiệm trực tiếp tại trường đại học. Hình: Thùy Linh.

Nhiều trường đại học công lập cũng mạnh dạn thiết kế nhiều chương trình tư vấn trực tuyến, xung quanh chủ đề hướng nghiệp chọn ngành, tư vấn các nhóm ngành chuyên sâu như: Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, Trường Đại học Kinh tế TPHCM, Đại học Mở TPHCM...

Tại trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, hiện chương trình tư vấn trên fanpage của Trường tổ chức vào tối thứ 6 hàng tuần. Riêng việc trả lời thông tin cho thí sinh thì thường xuyên, hàng ngày có hàng ngàn tin nhắn của thí sinh hỏi về ngành nghề và phương án tuyển sinh. Có 20 sinh viên tình nguyện trực thường xuyên để tư vấn cho các em.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cho hay, với học sinh ở xa khó có điều kiện đến trực tiếp để tư vấn, nên qua hệ thống online bao gồm website, email, zalo, facebook sẽ giúp các em dễ dàng tìm hiểu thông tin hơn và đặc biệt không tốn kém. Đây là cách ít tốn kém cho cả nhà trường và thí sinh. Năm nay bên Trường và các trường khác tạo thành nhóm để cùng chia sẻ thông tin, giúp các em có thông tin đến từ nhiều trường, qua đó lựa chọn dễ dàng hơn.

Tận dụng công nghệ E – marketing (tiếp thị điện tử) vào các hoạt động giáo dục trong trường đại học là xu hướng từ lâu ở các nước trên thế giới. Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Minh Hà, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mở TPHCM nhận xét, trong thời đại ngày nay, thí sinh đã trưởng thành hơn so với trước đây, được tiếp cận với nhiều thông tin hơn qua phương tiện công nghệ thông tin khá sớm.…..

Bên cạnh việc tư vấn tuyển sinh từ giáo viên, phụ huynh hay bạn bè, thì việc quyết định của thí sinh lại càng quan trọng hơn. Một vài năm trở lại đây, nhiều trường đại học Việt Nam đã chuyển đổi hình thức truyền thông truyền thống sang E – marketing,  truyền thông online thông qua việc xây dựng, phát triển fanpage, tổ chức các buổi livestream…..

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Minh Hà nói: “Nếu chúng ta nhìn lại so với cách truyền thông của các trường nước ngoài thì các trường đại học ở Việt Nam vẫn đi sau. Trường đại học nước ngoài họ xây dựng website, facebook, họ xây dựng các chương trình E-marketing từ hơn chục năm trước. Đặc biệt, những người tìm hiểu hoặc đi du học thạc sĩ hoặc tiến sĩ, họ không thông qua các hội chợ giáo dục nữa mà họ tự động vào website của trường tìm hiểu thông tin, quyết định đi học.”