Tư duy mới để tận dụng cách mạng công nghiệp 4.0

(VOH) - Công nghiệp 4.0 là gì?  Đó là cuộc cách mạng mà con người “sống và hoạt động” trong hệ thống thực-ảo giữa con người và máy móc. Nền sản xuất dựa trên 4 lĩnh vực chính: kỹ thuật số (trí tuệ nhân tạo, Internet, lưu trữ và xử lý dữ liệu); vật lý (In 3D, vật liệu mới, robot cao cấp, xe tự lái), công nghệ sinh học; năng lượng tái tạo…

Nếu nhân lực vẫn được xem là “lực đẩy” thì việc hợp tác, tương trợ công nghệ được xem “xương sống” của phiên bản 4.0, đặc biệt là cần phải nói đến là việc khai thác tốt nhất, hiệu quả nhất nguồn chất xám mà TPHCM có được.

Xây dựng mối liên kết giáo dục - công nghệ

Câu chuyện khai thác nguồn lực từ giáo dục-công nghệ đã trải qua nhiều cách thức và thời kỳ nhưng khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 tràn đến, việc hợp tác này lại cần đi vào thực chất hơn. Trước tình hình được mô tả là thay đổi “từng phút từng giây” của công nghệ, TPHCM cần thêm những cơ chế mới để “chạy đua” với thời gian.

Phải nhắc đến thời điểm 2001-2006 khi ông Nguyễn Thiện Nhân còn là Phó chủ tịch thường trực UBND TPHCM, ủy viên Hội đồng chính sách và khoa học Quốc gia. Lúc đó chủ trương hợp tác giữa TPHCM với Đại học quốc gia đã được xây dựng và ký kết, trong đó trọng tâm là khoa học công nghệ.

Tầm nhìn này được chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhắc đến trong buổi làm việc giữa UBND TPHCM với Đại học quốc gia TPHCM (ngày 13/5/2016) khi bàn về cơ chế phối hợp của hai bên. “TPHCM thành lập Hội Đồng hợp tác giữa các trường Đại học, cao đẳng trên địa bàn TP. HIện TP có trên 8.000 giáo sư, tiến sĩ và đây là nguồn nội lực rất lớn. Không lý gì TP không trở thành một thành phố giáo dục, khoa học, công nghệ ”, ông Phong nhấn mạnh.

"Chúng ta sẽ tiếp tục những gì mà anh Nhân đã bắt đầu!", chủ tịch UBND TP quyết tâm. 

Suốt từ 2006 đến nay, TPHCM đã và đang lấy mục tiêu này để tăng cường lượng chất xám trên nền tảng công nghệ mà điển hình là sự phát triển của Khu công nghệ cao, sự chuyển hướng mời gọi đầu tư ngành công nghiệp kỹ thuật cao, gia tăng đáng kể hàm lượng tri thức trong các sản phẩm… Tuy nhiên, một cơ chế muốn sớm được thực thi thì cần “lực đẩy” từ nhân lực.

Nhân lực với ba yêu cầu đúng người, đúng việc và đúng thời điểm

Báo Người Lao động ngày 08/05/2017 chỉ ra kết quả khảo sát từ Hiệp hội Các DN Nhật Bản tại TPHCM (JBAH) cho thấy, kỹ năng giải quyết vấn đề và kỹ năng thực tế của lao động người Việt Nam chưa đáp ứng đủ yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao.

Lấy ngành Công nghiệp hỗ trợ làm dẫn chứng, mà cụ thể là ngành Cơ khí, chúng ta gần như chưa sản xuất được các loại thép hợp kim phục vụ cho lĩnh vực chế tạo máy. Theo Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP HCM, một nguyên nhân khiến ngành công nghiệp này chưa thể phát triển được như kỳ vọng là do hạn chế về nguồn nhân lực.

Ông Hirotaka Yasuzumi, nguyên Trưởng đại diện JETRO tại TPHCM chỉ ra rằng, công nghiệp hỗ trợ đòi hỏi nguồn nhân lực có chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM cho rằng, nghịch lý là thành phố đang rất thừa lao động nhưng lại thiếu nhân lực có trình độ cao cho những ngành nghề nằm trong định hướng phát triển.

Tạm lấy dẫn chứng này để thấy, TPHCM tương lai còn phải xử lý những vấn đề liên quan đến đào tạo nhân lực, trong đó cần thỏa mãn:

Đúng người: nhân lực phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn để tiếp nhận khối lượng thông tin cần thiết cho ngành, nghề mình được đào tạo. Chọn sai người sẽ dẫn đến sự lãng phí, thiếu hiệu quả và ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống đào tạo.

Đúng việc: nhà quản lý phải bố trí nhân lực vào đúng chuyên ngành được đào tạo. Việc bố trí sai dẫn đến hậu quả khôn lường là sự trì trệ, bất mãn và tiềm ẩn nguy cơ phản kháng, bỏ việc…

Đúng thời điểm: nhà quản lý phải dự báo lượng nhân lực cần thiết cho những giai đoạn quan trọng nhằm đảm bảo cho sự phát triển ổn định của TPHCM, trong đó định hướng cách mạng công nghiệp 4.0 thì lĩnh vực công nghệ cần được ưu tiên.

Nhân lực luôn là yếu tố sống còn không chỉ là chuyện cách mạng công nghiệp. TPHCM đã sớm định hướng và xây dựng một nền tảng kết hợp giữa giáo dục-công nghệ từ năm 2006, vấn đề tiếp theo là vận hành mô hình kết hợp ấy trơn tru và hiệu quả hơn trong giai đoạn mới, một tầm nhìn mới. 

Cuộc cách mạng đầu tiên diễn ra vào cuối thế kỷ 18 giới thiệu công nghiệp sản xuất cơ khí sử dụng sức nước và hơi nước.

Cuộc cách mạng thứ hai bắt đầu vào đầu thế kỷ 20 với sản xuất hàng loạt, sử dụng điện năng 

Cuộc cách mạng thứ ba bắt đầu vào những năm 1970 với các thiết bị điện tử và công nghệ thông tin