Từ phế phẩm đầu tôm… đến hợp chất chống lão hóa

(VOH) - Khi con tôm được nấu chín, vỏ chuyển dần sang màu đỏ. Đó là nhờ thành phần Astaxanthin trong vỏ tôm.

Hơn thế nữa, chất này có khả năng chống oxy hóa mạnh gấp 500 lần vitamin E, hạn chế quá trình lão hóa. Tận dụng những phế phẩm đầu tôm bỏ đi, nhóm sinh viên Công nghệ thực phẩm của Trường Đại học Công nghệ TPHCM đã nghiên cứu trích xuất hợp chất astaxanthin bằng những phương pháp mới, mở ra triển vọng trong việc khai thác hợp chất sinh học quý này. Đây cũng là công trình đạt giải Nhất giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 2018.

“Khi con tôm được nấu chín có màu đỏ, đó là nhờ chất astaxanthin. Việc của nhóm mình là làm thế nào để tách chiết chất màu đó ra khỏi đầu tôm, nhóm sử dụng hướng thủy phân bằng enzyme: kết hợp enzyme Alcalase và Lipase. Hiệu suất sau này khả quan hơn kết quả lúc trước”, đó là những chia sẻ của Huỳnh Hoa Nhi, sinh viên năm 4 ngành Công nghệ thực phẩm, có thể nói là người đã “dắt mối” các thành viên còn lại đến với đề tài này.

Các thành viên trong phòng thí nghiệm

Các thành viên trong phòng thí nghiệm

Tình cờ

Cái duyên gặp gỡ cũng từ một ngày hội sinh viên nghiên cứu khoa học của trường, Nguyễn Đăng Khôi - lúc ấy mới học năm thứ hai, có dịp trò chuyện cùng Huỳnh Hoa Nhi – là sinh viên khóa trên, đề cập đến chủ đề này. Lúc đó, Đăng Khôi chưa hiểu nhiều về chất astaxanthin. Chỉ nghĩ đơn giản, chất astaxanthin mà đem trộn vào muối tôm, nhìn muối vừa có màu đẹp, lại vừa có chất dinh dưỡng.

Tuy nhiên, suy nghĩ về hướng nghiên cứu này đã bị giảng viên hướng dẫn bác ngay, vì giá trị dinh dưỡng của chất astaxanthin còn nhiều hơn những gì Khôi nghĩ. Một chút tò mò, Đăng Khôi quyết định xin tham gia vào nhóm nghiên cứu, cùng với Nguyễn Ngọc Linh và Nguyễn Ngọc Thảo My học chung một lớp.

Theo Thảo My astaxanthin có rất nhiều tác dụng quý, nhất là thành phần chống lão hóa của nó cao hơn gấp 500 lần so với vitamin E.

“Nó có nhiều đặc tính sinh học rất quý, cũng có nhiều phương pháp thu nhận chất này, nhưng từ đầu tôm và kết hợp hai enzyme thì đây là đề tài đầu tiên. Có thời gian mình tạm nghỉ giữa chừng vì lịch học, mình cảm thấy nhớ mùi tôm, mùi hóa chất trong phòng thí nghiệm…từ đó mình đam mê nghiên cứu. Dù ban đầu, mình nghiên cứu chỉ để lấy kinh nghiệm, tạo dấu ấn gì đó cho thời sinh viên, chứ chưa từng nghĩ sẽ có được như ngày hôm nay”, Thảo My chia sẻ.

Ý tưởng thu bột đạm từ phế phẩm đầu tôm không phải là mới. Tuy nhiên, phương pháp phổ biến hiện nay vẫn là dùng dầu. Cách làm này khá tốn kém, đồng thời độ hòa tan thấp nên bột đạm thu được thường quá nhiều dầu, khó dùng cho người. Ngược lại, thủy phân với enzyme cho ra sản phẩm tốt hơn nhưng hiệu suất không cao.

Sau thời gian tìm hiểu, đọc các tài liệu nghiên cứu cùng chủ đề, đồng thời được sự tư vấn từ giảng viên hướng dẫn, kết quả bột đạm thu được từ phương pháp kết hợp hai enzyme Alcalase và Lipase có cấu trúc mịn, hơi xốp, màu đỏ cam sáng, thơm mùi thịt tôm khi nấu chín và có vị ngọt nhẹ dễ chịu. Đây cũng là ưu điểm nổi bật giúp bột đạm thu được dễ dàng sử dụng cho con người.

Hồ Thị Kim Thu, sinh viên năm 4 cho hay, chính nhờ kiến thức chuyên ngành đã giúp cho việc nghiên cứu: “Những kiến thức mình học trong lớp thật sự ứng dụng nhiều trong nghiên cứu như Hóa thực phẩm, Hóa phân tích, khi tụi mình muốn xác định hàm lượng protein hay astaxanthin… Những môn học này đã hỗ trợ tụi mình rất nhiều.”

Là người trực tiếp hướng dẫn đề tài, Tiến sĩ Nguyễn Lệ Hà, Viện trưởng Viện Khoa học ứng dụng, Trường Đại học Công nghệ TPHCM cho biết, nghiên cứu khoa học nói chung là những thứ chúng ta không nói được bằng lời, nhất là đối với sinh viên. Thế nên, khi sinh viên có một ý tưởng, các bạn sẽ phải triển khai nó bằng những hành động cụ thể để tìm kiếm kết quả, đi kèm là những dẫn chứng thuyết phục.

Ở đề tài trên cũng vậy, các bạn muốn thu nhận một hợp chất vừa giàu đạm, giàu protein, vừa giàu chất màu astaxanthin là hoạt chất chống oxy hóa cao…tất cả đều phải được chứng minh bằng kết quả nghiên cứu. Thêm nữa, phương pháp nghiên cứu cũng phải mới, phải hiệu quả hơn những nghiên cứu trước đó.

“Bạn sử dụng enzyme để thủy phân, thu được nhiều đạm, nhiều astaxanthin thì phải có số liệu cụ thể là gì. Tương đương với việc các bạn phải bố trí thí nghiệm ra sao để cho ra kết quả, sau đó mang số liệu đi thuyết phục rằng cách nghiên cứu của mình cho được hiệu quả. Các em cũng phải tra lại những tài liệu tương tự mà người khác đã làm, và chứng minh mình nghĩ ra được một cách hiệu quả hơn”, Tiến sĩ Nguyễn Lệ Hà cho biết.

Hướng đến thương mại hoá 

Với ngành nuôi tôm và chế biến thủy hải sản, vấn đề xử lý các phế phẩm sao cho hiệu quả, lại vừa tận dụng hết khả năng, vừa bảo vệ được môi trường là một bài toán khó, cần lời giải từ những người đam mê nghiên cứu trong lĩnh vực này. Đó cũng là mục tiêu mà nhóm tiếp tục hướng tới, làm sao để khai thác triệt để hợp chất sinh học quý này, đồng thời tìm kiếm khả năng thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Hoa Nhi, Kim Thu đang là sinh viên năm cuối, ba sinh viên còn lại là Đăng Khôi, Thảo My, Ngọc Linh đều đang bắt đầu năm thứ ba ngành Công nghệ thực phẩm.

Với sản phẩm ban đầu mà nhóm nghiên cứu, bột đạm giàu astaxanthin có thể sử dụng thường xuyên cho người với nhiều mục đích khác nhau như chống oxy hóa, chống gốc tự do, hạn chế tế bào ung thư phát triển, hỗ trợ điều trị các bệnh về tim mạch, xương khớp,... và đặc biệt là chống lão hóa da. 

Nếu tận dụng được phế phẩm đầu tôm thu bột đạm, thì sẽ có nguồn bột đạm giàu astaxanthin rất dồi dào, vừa đem lại lợi ích kinh tế cao, vừa góp phần bảo vệ môi trường – mục tiêu khá lớn đang chờ đợi sự nỗ lực tiếp tục của cả nhóm.

Trường Đại học Kinh tế TPHCM miễn học phí cho nghiên cứu sinh học tập trung - Trường Đại học Kinh tế TPHCM vừa thông qua quy định chế độ làm việc đối với nghiên cứu sinh học tập trung liên tục tại trường.
Ngưng các hoạt động giáo dục trong chiều tối 26/11 - Chỉ đạo này được đưa ra do thông tin từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão, chiều tối ngày 26/11 tình hình triều cường tiếp tục tăng cao, kể cả mưa trên diện rộng.