Giáo dục ý thức về an toàn giao thông cho trẻ từ lớp mẫu giáo

(VOH) - Sáng nay 25/9, Trường mầm non Bến Thành, Quận 1 phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Công an TPHCM tổ chức Hội thi “An toàn giao thông cùng bé”.

Tham gia hội thi gồm có hơn 100 em là học sinh ở khối lớp mầm và khối lớp lá. Nội dung tham gia hội thi gồm: phần tự giới thiệu lồng vào thông điệp tuyên truyền an toàn giao thông bằng các tiết mục văn nghệ, tiểu phẩm kịch nói; Phần thi kiến thức thông qua hình thức vấn đáp; Trắc nghiệm và phần thi hiểu ý đồng đội có sự tham gia của phụ huynh, nhận biết các phương tiện giao thông cũng như không gian hoạt động của các phương tiện giao thông này.

Toàn cảnh hội thi
Toàn cảnh hội thi

Mỗi năm học, trường tổ chức một chuyên đề giáo dục an toàn giao thông cho trẻ. Trong đó, các giáo viên sẽ thực hiện những mô hình như “ngã tư đường phố”, “vòng xuyến giao thông”, “phương tiện giao thông”… hoặc tổ chức trò chơi có nội dung liên quan cho các cháu "sắm vai" làm công an giao thông, tài xế để tập xử lý tình huống… Bên cạnh đó, hàng ngày, trên lớp, các giáo viên cũng thường xuyên tích hợp nội dung an toàn giao thông vào các tiết học thông qua bài thơ, bài hát dễ học, dễ nhớ; Nhắc nhở các cháu khi ngồi trên xe máy phải đội mũ bảo hiểm, đi đúng phần đường của mình, chấp hành tín hiệu ở đèn giao thông…

Với mỗi độ tuổi, các cô sẽ có một nội dung, kiến thức giảng dạy khác nhau đảm bảo phù hợp với khả năng tiếp nhận của các cháu. Cô Nguyễn Mai Hằng, hiệu trưởng trường mầm non Bến Thành cho biết, mục đích là tuyên truyền giáo dục cũng như trang bị các kiến thức cơ bản an toàn giao thông cho học sinh.

Mặc dù các kiến thức rất mô phạm nhưng cũng giúp cho các em hiểu một phần, cũng như có thể giúp các em trở thành những “tuyên truyền viên” đối với bố mẹ của mình, để phụ huynh thực hiện tốt Luật An toàn giao thông đường bộ. 

Có thể thấy rằng, việc giáo dục về an toàn giao thông trong trường mầm non đã có ảnh hưởng tích cực đến ý thức của trẻ em. Tuy nhiên, không chỉ giáo dục tại trường mà phụ huynh cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành ý thức cho trẻ. Do vậy, các bậc cha mẹ cũng cần tập cho trẻ thói quen quan sát, cách xử lý tình huống khi đi đường, làm gương để các cháu noi theo khi tham gia giao thông.

Tôi thấy rằng chương trình ngoại khóa dạy cho các cháu về an toàn giao thông là rất tốt. Ngay khi các cháu còn rất nhỏ cũng có thể hiểu được những luật cơ bản đảm bảo an toàn giao thông. Sau này lớn lên các bé có ý thức hơn, có hành động tốt hơn giúp xã hội ngày càng văn minh, tiến bộ”, một phụ huynh bà Dương Thị Lệ Hằng nói.

Mẹ và bé cùng thi tìm hiểu Luật giao thông đường bộ.
Mẹ và bé cùng thi tìm hiểu Luật giao thông đường bộ.

Giáo dục an toàn giao thông tại trường mầm non nhằm cung cấp các kiến thức, kỹ năng giúp trẻ có những hiểu biết sơ đẳng, thiết thực, thực hành về Luật Giao thông đường bộ. Phương pháp giáo dục này cũng hình thành cho trẻ những hành vi, thói quen ban đầu để chấp hành luật và có thái độ phê phán, không đồng tình với những hành vi không chấp hành luật giao thông.

Việc lồng ghép trò chơi vào trong nội dung tuyên truyền an toàn giao thông không chỉ tạo thêm sân chơi cho các bé, mà còn cung cấp những thông tin cần thiết về an toàn giao thông và giúp các bé linh hoạt trong ứng xử các tình huống khi tham gia giao thông.

Theo Đại úy Phạm Thị Thu Hằng, cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Công an TPHCM, đối với các em mầm non thì độ tuổi còn quá nhỏ, nên trong quá trình tuyên truyền sẽ tổ chức các trò chơi, thông qua đó có thể hướng dẫn cho các em tìm hiểu về an toàn giao thông.

“Chúng ta không thể nào bắt các em nghiêm túc ngồi nghe lý thuyết suông mà phải cho các em cùng tham gia vào các hoạt động, các em sẽ tiếp thu một cách dễ dàng hơn”, bà Hằng cho biết.

Thu Hằng (Ninh Bình) giành quán quân Đường lên đỉnh Olympia 2020 - Nữ sinh duy nhất của Chung kết Đường lên đỉnh Olympia 2020 - Thu Hằng - đã xuất sắc giành chiếc vòng nguyệt quế vinh quang.