Khảo sát 540 người đội nón bảo hiểm: Có gần 90% nón không đạt chuẩn

(VOH) - Đó là kết quả khảo sát do Quỹ AIP phối hợp cùng Trường Đại học Y tế Công cộng thực hiện tại TPHCM và tỉnh Thái Nguyên được công bố sáng 7/10.

Kết quả khảo sát được công bố tại Hội thảo đánh giá giữa kỳ và định hướng chương trình hành động về chất lượng nón bảo hiểm.

Sự kiện do Ủy ban an toàn giao thông quốc gia và Quỹ phòng chống thương vong Châu Á (Quỹ AIP) phối hợp tổ chức trong khuôn khổ dự án “Hành trình An toàn” do Quỹ UPS tài trợ.

Tham dự Hội thảo có ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, đại diện các cơ quan, ban ngành Trung ương và địa phương cùng với các chuyên gia y tế và an toàn đường bộ, các doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm tại Việt Nam.

Có gần 90% nón bảo hiểm không đạt chuẩn

Công bố kết quả nghiên cứu đánh giá về chất lượng mũ bảo hiểm khảo sát tại TPHCM và tỉnh Thái Nguyên, PGS.TS Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Chính sách và Phòng chống Chấn thương, Trường đại học Y tế Công cộng cho biết, nhóm nghiên cứu đã chọn ngẫu nhiên 540 nón bảo hiểm đang được sử dụng của người lớn và trẻ em tại TPHCM và Thái Nguyên để thực hiện khảo sát nghiên cứu.

Kết quả nghiên cứu cho thấy chỉ có 10,5% số nón được khảo sát đạt tiêu chuẩn đối với thử nghiệm va đập. Điều đáng chú ý, có 25,7% số nón được chọn khảo sát là nón bảo hiểm "lưỡi trai", loại nón này không có lớp xốp bảo vệ phần đầu của người sử dụng nên không được xem là nón bảo hiểm đạt chuẩn theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nón bảo hiểm cho người đi ô tô, xe máy.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy có đến 89,5% số nón bảo hiểm được khảo sát không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Những nón này không bảo vệ được người sử dụng từ nguy cơ chấn thương sọ não khi xảy ra va chạm giao thông. Trong khi đó, nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh đội nón bảo hiểm đạt chuẩn có thể giúp giảm tỷ lệ tử vong đến 42% và giảm tỷ lệ thương tật nặng tới 69%.

PGS.TS Phạm Việt Cường công bố kết quả nghiên cứu đánh giá về chất lượng nón bảo hiểm khảo sát tại TPHCM và tỉnh Thái Nguyên.

Theo nhận định của các chuyên gia, nón bảo hiểm kém chất lượng thiếu những bộ phận cần thiết để đảm bảo an toàn, ví dụ như lớp xốp là bộ phận rất quan trọng giúp giảm tác động của va đập khi xảy ra va chạm. Việc chọn nơi mua nón thuận tiện, giá thành rẻ, và nhận thức chưa đúng của người tham gia giao thông là một nguyên nhân dẫn tới việc sử dụng nón chưa đạt chất lượng trên thị trường.

TPHCM phấn đấu tỷ lệ đội nón bảo hiểm cho trẻ em trên 80%

Theo ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Ban chuyên trách Ban an toàn giao thông TPHCM, trong những năm qua TPHCM đã thực hiện tốt Chỉ thị 04 ngày 19 tháng 01 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện quy định bắt buộc đội nón bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện.

Trong đó, tỷ lệ đội nón bảo hiểm ở trẻ em (từ 6 đến 15 tuổi) trên địa bàn TPHCM đã tăng từ 40% năm 2017 lên 66% năm 2018 và lên 70% năm 2019, phấn đấu đạt trên 80% trong năm 2020. Việc đội nón bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe máy, xe đạp điện đã trở thành thói quen, nét đẹp văn hóa giao thông tại TPHCM.

Đặc biệt, TPHCM cũng đã phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sự kiện đi bộ vận động toàn dân đội nón bảo hiểm cho trẻ em với chủ đề “Giữ trọn ước mơ” với sự tham gia của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.

“Sự kiện đã tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ tinh thần đội nón bảo hiểm khi tham gia giao thông, TPHCM cam kết sẽ nỗ lực làm tốt hơn nữa các giải pháp đề ra nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện quy định  bắt buộc đội nón bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm, tự giác chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trên địa bàn TPHCM”, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Ban chuyên trách Ban an toàn giao thông TPHCM cho hay.

Sự kiện đi bộ vận động toàn dân đội mũ bảo hiểm cho trẻ em tại TPHCM vào ngày 27/9.

Nhận định về kết quả nghiên cứu được công bố, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, kết quả của nghiên cứu phản ánh một phần về thực trạng sử dụng nón bảo hiểm chưa đạt chuẩn chất lượng dẫn đến hạn chế trong việc giảm thiểu tỷ lệ thương vong khi xảy ra va chạm giao thông. Dù lượng mẫu khảo sát còn ít nhưng kết quả nghiên cứu cũng phần nào phản ánh tình trạng chất lượng nón bảo hiểm trên thị trường, đặt ra những câu hỏi lớn đối với hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý chất lượng đối với loại sản phẩm có liên quan trực tiếp đến sức khỏe và sinh mạng của người dân. 

“Đây cũng là cơ sở để các cơ quan chức năng tiến hành điều tra, khảo sát kỹ lưỡng, toàn diện hơn nhằm đưa ra những chính sách, giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng nón bảo hiểm đối với người đi xe mô tô, xe máy và xe đạp điện ở nước ta”, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đánh giá.

Theo Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TPHCM trong 9 tháng năm 2020, đối với hành vi sản xuất, buôn lậu nón bảo hiểm giả, kém chất lượng trên địa bàn TPHCM, trong 9 tháng năm 2020 đã phát hiện, thụ lý giải quyết 4 vụ trong đó, xử lý vi phạm hành chính 2 vụ với số tiền xử phạt gần 20 triệu đồng, tịch thu 590 mũ bảo hiểm. Hiện còn 2 vụ đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra xử lý.