Lắp đặt 3 toa tàu metro đầu tiên tại depot Long Bình

(VOH) - Sau nhiều năm chờ đợi, đến nay, người dân TPHCM vui mừng chào đón đoàn tàu metro đầu tiên với 3 toa tàu vừa cập cảng và đưa về Long Bình, Quận 9 để tiến hành lắp đặt và chạy thử.

Sáng ngày 10/10, 3 toa tàu metro số 1 đã được đưa về depot Long Bình. Tại đây, không khí làm đầy khẩn trương để hoàn thành đúng tiến độ công đoạn lắp ráp các toa tàu lên đường ray.

Đặt toa tàu lên đường ray
Đặt toa tàu lên đường ray.

Các toa tàu metro lần lượt được đưa vào vị trí lắp đặt. Theo thứ tự, toa đầu tiên được cần trục cẩu lên cao và từ từ hạ xuống đường ray, 2 toa còn lại vẫn còn được yên vị trên 2 chiếc xe siêu trường, siêu trọng.

Các chuyên gia nước ngoài trực tiếp có mặt tại hiện trường để giám sát công đoạn lắp ráp. Anh Nguyễn Hữu Linh, công nhân làm việc tại công trường hào hứng chia sẻ: “Cũng như toàn thể anh em công nhân ở đây, khi nhìn thấy tàu về depot thì cảm giác rất vui và phấn khởi. Cảm giác như đoàn tàu sẽ sắp được vận hành và phục vụ mọi người. Chờ đợi đã rất lâu rồi và khi metro đi vào hoạt động sẽ rất là hữu dụng cho người dân”.

Tham gia vào công đoạn quan trọng của việc láp ráp toa tàu trên đường ray là đội ngũ công nhân và tài xế của công ty Kiến Cường, những người trực tiếp công việc nâng toa tàu đặt lên đường ray. Phải mất khoảng 2 tiếng đồng hồ mới hoàn thành xong việc đưa toa tàu lên đường ray theo đúng yêu cầu kỹ thuật của Nhật Bản.

Anh Lê Hồng Tiên, công nhân của Công ty Vận tải Kiến Cường, phụ trách công việc điều khiển cần trục, cho biết lý do phải nâng toa tàu lên một cách chậm rãi: “Thật ra ở trong nghề thì tôi đã thành thạo rồi, để cẩu những kiện hàng có trọng lượng nặng như thế này thì chúng tôi cẩu rất nhanh. Nhưng đối với toa tàu metro thì phải thực hiện thật chậm, theo đúng yêu cầu kỹ thuật của phía Nhật Bản. Tôi thấy như vậy thì rất tốt và càng yên tâm khi Việt Nam làm việc với Nhật Bản vì họ rất kỹ tính”.

Ông Đặng Phú Huê, Giám đốc Công ty Vận tải Kiến Cường chia sẻ thêm về những yêu cầu kỹ thuật trong quá trình di chuyển và lắp đặt toa tàu lên đường ray. “Do đòi hỏi an toàn cao, toa tàu dài 21 mét, nên công ty Kiến Cường cung cấp 2 loại thiết bị xe cẩu chuyên dùng bánh lớp 250 tấn, sử dụng cấu hình siêu đối trọng và một xe cẩu chuyên dùng bánh lớp 450 tấn để đảm bảo công việc di chuyển toa tàu một cách an toàn, suôn sẻ và chính xác".

Trong buổi chiều, 2 toa tàu còn lại tiếp tục được di chuyển và lắp đặt lên đường ray. Đến 18h tối ngày 10/10, đội ngũ kỹ sư và công nhân trên công trường hoàn tất công tác đấu nối các toa tàu.

Tàu metro số 1 được thiết kế và sản xuất tại Nhật Bản, khi xuất hiện lần đầu tiên trên báo cách đây vài tháng đã được nhiều người đánh giá là có thiết kế đẹp, bắt mắt, màu sắc hài hòa với tông màu chủ đạo là màu trắng sáng pha thêm chút màu xanh nhìn hiện đại và sạch sẽ. Trên mỗi thân toa tàu đều có dòng chữ Bến Thành – Suối Tiên.

Khuya ngày 9/10 rạng sáng ngày 10/10, các toa tàu từ cảng Khánh Hội được vận chuyển về depot Long Bình sau khoảng 3 giờ di chuyển liên tục. Tàu được chuyên chở hết sức cẩn thận. Đến 3 giờ sáng thì xe đã về tới depot Long Bình ở quận 9 một cách an toàn.

Ông Nguyễn Bùi Minh Quân
Ông Nguyễn Bùi Minh Quân trả lời phỏng vấn báo  chí.

Có mặt tại hiện trường rất sớm để giám sát quy trình lắp đặt và di chuyển toa tàu về phía đường ray, ông Nguyễn Bùi Minh Quân, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án 1, Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM cho biết: “Hiện nay công tác cẩu lắp 3 toa tàu đầu tiên đã hoàn thành. Đây là cột mốc quan trọng trong kế hoạch của Ban Quản lý đường sắt đô thị.

HIện đã đạt được nhiều kế hoạch với từng mốc cụ thể như: tháng 2 đã hoàn thành thông tuyến toàn tuyến, tháng 4 thì đã hoàn thành công tác hoàn thiện tầng B1 của ga Nhà hát thành phố. Hiện nay thì dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19, với nỗ lực của Thành phố và Ban quản lý đường sắt đô thị, hôm nay đã đưa được 3 toa tàu về Việt Nam. Đây là 1 trong 17 đoàn tàu của tuyến metro số 1. Chúng tôi sẽ cố gắng đẩy nhanh tiến độ để dự án hoàn thành vào cuối năm 2021”.

Sau nhiều năm chờ đợi vì Dự án tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã nhiều lần phải hoãn ngày về đích, cuối cùng thì người dân cũng đã có mốc thời gian tương đối chắc chắn là đến cuối năm 2021, tuyến Metro đầu tiên sẽ được đưa vào vận hành thương mại. Nếu như mọi việc diễn ra suôn sẻ, đúng tiến độ, cư dân thành phố sẽ được đi metro vào cuối năm sau, rút ngắn thời gian di chuyển từ khu vực Suối Tiên đến chợ Bến Thành từ 45 phút xuống còn 20 phút.

Tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên  có tổng chiều dài 19,7km, trong đó có 2,6km đi ngầm và 17,1km đi trên cao với 14 ga (3 ga ngầm và 11 ga trên cao). Tổng mức đầu tư của dự án này hơn 2.490 triệu USD.