Tem kiểm định là gì? Trường hợp nào phải gắn tem kiểm định?

(VOH) – Xe cơ giới khi tham gia giao thông đường bộ cần phải có “tem kiểm định”, để chứng minh phương tiện đạt các yêu cầu theo quy định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông. 

1. Tem kiểm định là gì? 

Tem kiểm định hay còn được gọi là tem an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới là biểu trưng cấp cho xe cơ giới đã được cấp Giấy chứng nhận kiểm định và được phép tham gia giao thông đường bộ theo thời hạn ghi trên Tem kiểm định trong lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các nước mà Việt Nam đã ký Hiệp định công nhận lẫn nhau về Giấy chứng nhận kiểm định. 

Tem kiểm định sẽ được dán lên phương tiện sau khi kiểm định đạt các yêu cầu theo quy định của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và có giá trị pháp lý trên toàn quốc.

Tem kiểm định được dán trực tiếp trên phương tiện đo đạt yêu cầu quy định của quy trình kiểm định. Vị trí thường được dán sẽ là góc trên bên phải, mặt trong kính chắn gió phía trước xe cơ giới. Trường hợp xe cơ giới không có kính chắn gió phía trước tem kiểm định sẽ được dán vào khung xe gần vị trí biển số đăng ký.

Trường hợp phương tiện đo, chuẩn đo lường không đủ chỗ hoặc không thể dán tem kiểm định thì được phép sử dụng giấy chứng nhận kiểm định để thông báo thời hạn có giá trị của việc kiểm định đối với phương tiện đo, chuẩn đo lường đó.

Xem thêmDanh sách 300+ biển báo hiệu đường bộ tài xế nào cũng cần nhớ rõ

2. Những trường hợp nào phải gắn tem kiểm định

Theo Thông tư số 70/2015/TT-BGTVT quy định: 

  • Xe cơ giới kiểm định đạt yêu cầu được cấp giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định. Cả 2 phải cùng có một số seri, được in từ Chương trình Quản lý kiểm định trên phôi do Cục Đăng kiểm Việt Nam thống nhất phát hành, có nội dung phù hợp với Hồ sơ phương tiện và dữ liệu trên Chương trình Quản lý kiểm định.
  • Đối với xe ô tô lắp thiết bị chấm điểm sử dụng trong Trung tâm sát hạch lái xe, xe ôtô tải sử dụng trong các nhà ga, cảng, khu khai thác khoáng sản, lâm nghiệp (không có nhu cầu tham gia giao thông đường bộ); xe cơ giới không được tham gia giao thông đường bộ thì chỉ cấp giấy chứng nhận kiểm định và không cấp tem kiểm định.
  • Đối với xe cơ giới quá khổ, quá tải hoạt động trong phạm vi hẹp thì chỉ cấp giấy chứng nhận kiểm định và không cấp tem kiểm định, trên giấy chứng nhận kiểm định có ghi dòng chữ: “Khi tham gia giao thông phải xin phép cơ quan quản lý đường bộ”.

Thời hạn hiệu lực của giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định cấp theo chu kỳ kiểm định quy định nhưng không vượt quá ngày hết hạn của giấy đăng ký xe (nếu có) hoặc ngày xe cơ giới hết niên hạn sử dụng.

Xe cơ giới bao gồm: xe ô tô, máy kéo, xe máy thi công, xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp và các loại xe đặc chủng khác sử dụng vào mục đích an ninh, quốc phòng (kể cả rơ-moóc và sơ mi rơ-moóc được kéo bởi xe ô tô hoặc máy kéo), xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy và các loại xe cơ giới tương tự (kể cả xe cơ giới dùng cho người tàn tật) có tham gia giao thông.
Tem kiểm định là gì? Trường hợp nào phải gắn tem kiểm định?
Mẫu tem kiểm định 

3. Quy chế xử phạt nếu không có tem kiểm định

Tem kiểm định là quy định yêu cầu phương tiện tham gia giao thông phải đảm bảo yêu cầu về an toàn kỹ thuật của phương tiện. Chủ phương tiện phải có trách nhiệm đảm bảo, duy trì tính an toàn, cho phương tiện đi kiểm định để được cấp giấy chứng nhận, tem kiểm định đúng thời hạn để không xảy ra tình trạng vi phạm luật giao thông đường bộ. 

Căn cứ Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt quy định:

Đối với người điều khiển phương tiện: 

  • Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường nhưng đã hết hạn sử dụng dưới 01 tháng (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc). Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;
  • Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại tương tự xe ô tô không có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại xe có quy định phải kiểm định, trừ xe đăng ký tạm thời) hoặc có nhưng đã hết hạn sử dụng từ 01 tháng trở lên (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc). Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng. 

Đối với chủ phương tiện:

  • Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô đưa xe cơ giới, xe máy chuyên dùng có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại xe có quy định phải kiểm định) nhưng đã hết hạn sử dụng dưới 01 tháng (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) tham gia giao thông;
  • Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 12.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô đưa xe cơ giới, xe máy chuyên dùng không có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại xe có quy định phải kiểm định) hoặc có nhưng đã hết hạn sử dụng từ 01 tháng trở lên (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) tham gia giao thông. 

Do đó, trước khi điều khiển phương tiện lưu thông trên đường bạn phải kiểm tra an toàn kỹ thuật của phương tiện. Cụ thể, ngay trên góc bên phải tay lái của bạn tem lưu hành dán trên kính quy định thời hạn kiểm định của phương tiện được phép lưu hành trong giấy đăng kiểm kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện.

Xem thêmHướng dẫn thủ tục đăng ký xe máy cập nhật mới nhất năm 2020

4. Tem kiểm định hết hiệu lực khi nào? 

  • Xe cơ giới đã được cấp Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định mới
  • Đã có khai báo mất của chủ xe
  • Đã có thông báo thu hồi của các Đơn vị đăng kiểm
  • Xe cơ giới bị tai nạn đến mức không đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định
  • Thông số kỹ thuật thực tế của xe không phù hợp với thông số kỹ thuật trên Giấy chứng nhận kiểm định.

Riêng trường hợp: Giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định bị mất, hư hỏng, rách nát thì chủ xe phải đưa xe đi kiểm định lại để cấp giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định.