Thái độ với sinh mạng

(VOH) - Vấn đề nghiêm trọng là vậy nhưng thực tế thái độ, ý thức và hành vi của người tham gia giao thông ở Việt Nam rất đáng báo động.

Khi biết vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng giữa xe container và ô tô khách xảy ra trên trên Quốc lộ 1A đoạn qua Thị trấn Vĩnh Điện (Thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) khiến 13 người tử vong ai cũng cảm thấy đau lòng. Càng xót xa hơn khi ô tô gặp nạn là xe cưới, chở đàng trai trên đường từ Quảng Trị vào Bình Định để rước dâu.

Là ngày vui nhưng bỗng chốc thành đại tang cho gia đình và người thân của chú rể khiến dư luận càng thêm bàng hoàng.

Nghe nội dung bài bình luận dưới đây

 

Hiện trường vụ tai nạn giao thông ngày 30/7 khiến 13 người thiệt mạng tại Quảng Nam - Ảnh: VNE.

Gần đây những vụ tai nạn giao thông thảm khốc thường xuyên xảy ra. Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, 3 năm qua, năm nào số nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông ở nước ta cũng quanh quẩn ở mức 9.000 người.

Mà đây cũng chỉ là con số thống kê tương đối, chứ thực tế thiệt hại về nhân mạng trong các vụ tai nạn giao thông có thể cao hơn rất nhiều.

Từng có nhận định : “Số nạn nhân tai nạn giao thông hàng năm trong thời bình ở nước ta còn khủng khiếp hơn số người chết trong chiến tranh”. Thế nhưng nhận định này xem ra rất khập khiễng.

Ngoài những nạn nhân bị bom rơi đạn lạc thì mất mát trong chiến tranh đều chứa đựng những giá trị và ý nghĩa không thể cân-đo-đong-đếm cho nền độc lập dân tộc.

Còn trong những vụ tai nạn giao thông hiện nay, sinh mạng các nạn nhân bị tước đi một cách vô nghĩa, mà ở đó, ý thức kém và những sơ sẩy, hời hợt, thái độ coi thường pháp luật của người tham gia giao thông là nguyên nhân chính dẫn đến thảm họa, gây hệ lụy cho nhiều gia đình.       

Chính vì vậy, trong 4 năm trở lại đây từ 2014 đến 2018 này, Chính phủ và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia luôn đưa vào chủ đề của năm An toàn giao thông cụm từ “Tính mạng con người là trên hết”.

Đây là cách tiếp cận rất nhân văn, đánh giá đúng bản chất về sự phức tạp và những thách thức đối với thực trạng giao thông ở nước ta hiện nay. Thậm chí, để hưởng ứng hành động quốc tế và lời kêu gọi từ Liên Hiệp Quốc, kể từ năm 2012, hàng năm Việt Nam đều tổ chức “Lễ tưởng niệm và cầu siêu cho các nạn nhân tai nạn giao thông” nhằm cảnh báo về thảm họa này, đồng thời nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của toàn xã hội trong việc chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông, phòng tránh tai nạn giao thông.

Rõ ràng, Nhà nước, Chính phủ, các Bộ - Ngành chức năng luôn thể hiện đầy đủ trách nhiệm nhằm nỗ lực tạo ra một môi trường giao thông an toàn cho xã hội. Trong khi đó, truyền thông với chức năng nhiệm vụ của mình, nỗ lực tuyên truyền, tổ chức nhiều hội thảo, nhiều tuyến bài, nhiều chương trình phát thanh, truyền hình... để tạo hiệu ứng, kêu gọi mọi người cùng chung tay giữ gìn trật tự an toàn giao thông, đưa ra những cảnh báo cần thiết để giúp nâng cao ý thức cho toàn thể cộng đồng.

Tuy nhiên, gần như năm nào trên các cung đường ở nước ta cũng lại xảy ra những vụ tai nạn giao thông thảm khốc, gây đau thương mất mát khó có thể bù đắp được, tạo ra hệ lụy dai dẳng cho nhiều gia đình và sự bất an cho xã hội. Con số thiệt hại về kinh tế khoảng 50.000 tỷ đồng/năm do tai nạn giao thông có thể chưa khiến mọi người giật mình nhưng dự báo của Tổ chức Y Tế thế giới (WHO) đến năm 2020, tai nạn giao thông ở Việt Nam có thể cướp đi sinh mạng của gần 2 triệu người, có lẽ là quá đủ để đánh động lương tâm và trách nhiệm trong mỗi chúng ta. Bởi, trong bối cảnh phức tạp của bức tranh giao thông hiện nay và dự báo về tương lai thì không biết rằng, ai trong số chúng ta sẽ là nạn nhân tiếp theo của thực trạng đau lòng này !?

Vấn đề nghiêm trọng là vậy nhưng thực tế thái độ, ý thức và hành vi của người tham gia giao thông ở Việt Nam rất đáng báo động. Theo thống kê, hơn 70 % các vụ tai nạn là do ý thức kém của người tham gia giao thông.

Và cứ sau một vụ tai nạn giao thông, ai cũng lo lắng, thậm chí là sợ sệt cho sự an toàn của chính mình. Thế nhưng kiểu tham gia giao thông đầu trần không đội mũ bảo hiểm, chạy xe ngược chiều trên đường bộ, đường cao tốc; xe cộ, người đi bộ mạnh ai nấy băng ngang qua đường sắt và không theo một quy tắc nào... cứ nhan nhản xuất hiện. Điều đó cho thấy, chính bản thân chúng ta cũng chưa hề xem trọng tính mạng của mình, chứ chưa nói đến ý thức bảo toàn tính mạng cho người khác.

Không phải tất cả đều kém ý thức nhưng chỉ với một bộ phận không nhỏ những tài xế ô tô, xe tải ...lái xe cẩu thả, chạy xe với tốc độ “bàn thờ”; những người lái xe gắn máy chạy băng cắt, bất chấp quy định cũng đã khiến cho tình hình giao thông thêm rối ren, đe dọa mạng sống của không ít người trong cộng đồng.      

Nhiều người chủ quan, dễ dãi đến mức tự cho phép mình đi một đoạn ngắn chẳng cần đội mũ bảo hiểm, lái ô tô thì đạp thẳng chân ga, đi bộ bất chấp vạch kẻ đường, cứ đi theo thói quen "chỗ nào có đường thì ta cứ đi”, hễ lên cao tốc thì không buồn giữ khoảng cách an toàn giữa 2 xe, có rượu bia vẫn phóng xe ào ào, tham gia giao thông chẳng ai nhường ai...Thành ra, chẳng trách sao tai nạn giao thông cứ thế ập đến.

Ngạn ngữ có câu: “Bạn không thể điều khiển những gì xảy đến với mình nhưng bạn có thể điều khiển thái độ đối với những gì xảy ra với mình, và như vậy bạn sẽ chi phối sự ngẫu nhiên hơn là để nó chi phối bạn”.

Một câu ngạn ngữ khác: “Đến bến còn chìm”, đại ý rằng, sống phải thận trọng vì rủi ro có thể đến với chúng ta bất kỳ lúc nào và đừng bao giờ chủ quan khinh suất.

Vâng, “đến bến còn chìm” huống hồ trong một môi trường giao thông động, phức tạp như nước ta hiện nay thì chỉ cần tích tắc lơ là, thiếu cảnh giác, xem thường luật pháp, thiếu ý thức giữ gìn trật tự an toàn giao thông...thì chắc chắn tai nạn sẽ xảy ra. 

Vì vậy, nhận thức đúng sẽ dẫn đến ý thức và hành động đúng. Rủi ro là không thể nói trước nhưng chủ động để hạn chế hậu quả, phòng ngừa những hệ lụy xấu, những tai nạn giao thông đáng tiếc là điều mà ai cũng có thể làm được.

Khi nào chúng ta có thái độ đúng thì tự khắc giá trị sinh mạng mới được đảm bảo.

Ngược lại, nếu có thái độ hời hợt, chủ quan với sinh mạng của mình thì hậu quả dẫn đến khiến ta mất mạng... là điều tất yếu!