Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang

(VOH) - Anh em trong nhóm Hai Sài Gòn thường trêu chọc Tư hưu trí mỗi khi ảnh phát biểu những vấn đề liên quan tới tiêu cực là “miệng hùm gan sứa” nhưng khi thấy bóng bà xã là ảnh im thin thít, thật tội nghiệp.

Ba thợ hồ cường điệu thêm “đối với Tư hưu trí, trên thế giới này chỉ một mình vợ ảnh là người duy nhất đúng”. Suy cho cùng thì cuộc sống và mối quan hệ của gia đình Tư hưu trí với bà con hàng xóm là mô hình chuẩn mực về hạnh phúc, năm nào cũng được phường, quận tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, nhiều người hỏi thăm bí quyết Tư hưu trí lại khiêm tốn trả lời “công của bả hết đó”.

Hôm cuối tuần, anh em ngồi với nhau bên quán cà phê vỉa hè, khi anh em so bì là phụ nữ VN có nhiều ngày được tôn vinh kỷ niệm, còn cánh đàn ông mình thì trớt quớt. Mới nghe tới đó Tư hưu trí “nổ” liền: thì phụ nữ luôn giữ vị trí quan trọng trong quá trình hình thành cộng đồng dân tộc, trong sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, không ai có thể phủ nhận được vai trò to lớn của phụ nữ.

Hai Sài Gòn khoái quá, mới sáng sớm mà Tư hưu trí mở đầu cuộc bàn luận về vai trò phụ nữ nghe quá sướng, đã vậy Ba thợ hồ còn “kiểm tra” ảnh bằng câu hỏi “tại sao chị em phụ nữ được tặng danh hiệu “anh hùng, bất khuất, trung hậu đảm đang”.

Đúng ngay tần số của Tư hưu trí, anh tự động  mở máy phát luôn: Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngày 8/3/1965, đánh giá cao cống hiến của phụ nữ miền Nam, Đảng, Chính phủ và Bác Hồ tặng bức trướng thêu tám chữ vàng “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”. Từ đó, danh hiệu này cũng dành cho phụ nữ cả nước. Đây là những phẩm chất cốt lõi của phụ nữ Việt Nam, luôn khắc sâu vào lòng tự hào dân tộc, đã trở thành tượng đài về phẩm chất, đạo đức của phụ nữ Việt Nam.

 Chưa hết, thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tại kỳ họp thứ 10 (khóa X), Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã quyết định lựa chọn 4 phẩm chất đạo đức “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang” để triển khai tuyên truyền, học tập, rèn luyện trong toàn thể cán bộ, hội viên phụ nữ.

Người phụ nữ có nụ cười nổi tiếng thế giới - Võ Thị Thắng khi bị tòa án Sài Gòn tuyên án 20 năm khổ sai, bà đã nở nụ cười và nói “Liệu các ông có đủ thời gian để thi hành án đối với tôi không?". Ảnh tư liệu

Anh em trong bàn ai cũng khen Tư hưu trí về những thông tin quá cơ bản về Phụ nữ Việt Nam. Được dịp “tự sướng” anh “nổ” luôn: Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ, mấy anh còn thắc mắc gì về Phụ nữ Việt Nam, đề nghị hỏi luôn để tối về “khè” với vợ và con gái.

Hai Sài Gòn hỏi thử Tư hưu trí có biết những cái nhất của Phụ nữ Việt Nam không? Ảnh nói: dễ ẹt, khỏi cần tài liệu, rồi anh thao thao bất tuyệt một lèo không nghỉ: Người phụ nữ VN đầu tiên làm vua là Bà Trưng Trắc; nữ tướng đầu tiên trong chiến tranh VN là bà Nguyễn Thị Định; Thiếu tướng, Phó Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang Giải phóng Miền Nam, nữ anh hùng quân đội đầu tiên là bà Nguyễn Thị Chiên, đội du kích Tán Thuật (Thái Bình); nữ anh hùng quân đội trẻ nhất là chị Võ Thị Sáu (Đất Đỏ, Bà Rịa) đạt danh hiệu năm 15 tuổi; nữ dân quân vác đạn nặng nhất trong chiến tranh là bà Ngô Thị Tuyển khi vác 2 thùng đạn nặng 96 kg chuyển qua sông phục vụ chiến đấu ở cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa).

Nữ Bí thư Thành ủy trẻ nhất là chị Nguyễn Thị Minh Khai, năm 20 tuổi là ủy viên xứ ủy Nam kỳ kiêm Bí thư Thành ủy Sài Gòn Chợ Lớn; nữ thi sĩ sáng tác nhiều thơ bằng chữ Nôm nhất là bà Hồ Xuân Hương - Nữ hoàng thơ Nôm; Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ VN đầu tiên là bà Lê Thị Xuyến từ 1946 đến 1956; Chủ tịch Hội Phụ nữ VN lâu nhất là bà Nguyễn Thị Thập từ năm 1956 đến 1974; người phụ nữ có nụ cười nổi tiếng thế giới là bà Võ Thị Thắng khi bị tòa án Sài Gòn tuyên án 20 năm khổ sai, bà đã nở nụ cười và nói “Liệu các ông có đủ thời gian để thi hành án đối với tôi không?".

Nữ Bộ trưởng Ngoại giao duy nhất ở VN là bà Nguyễn Thị Bình, trong cương vị Bộ trưởng Ngoại giao của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam; Mẹ VN anh hùng có nhiều con cháu hy sinh là mẹ Nguyễn Thị Thứ ở Quảng Nam có 10 con và rể cùng 2 cháu nội là liệt sĩ; người nữ VN đầu tiên được tặng danh hiệu Viện sĩ Hàn lâm Văn chương, Khoa học, Nghệ thuật toàn Châu Âu vào năm 1993 là bà Điềm Phùng Thị.

Anh em trong bàn cà phê vỗ tay tán thưởng quá chừng, Tư hưu trí cũng được bà chủ quán cà phê ái mộ  “thưởng” thêm một chầu cà phê muốn uống bất kỳ lúc nào. Được voi đòi tiên, Tư hưu trí yêu cầu chầu cà phê thưởng phải có mặt đầy đủ anh em trong nhóm Hai Sài Gòn. Bà chủ quán cười vui “chuyện nhỏ”.