Bình đẳng dưới cơn mưa

(VOH) - Sáng sớm trong quán cà phê cóc, Tư hưu trí đưa ra bình luận về cơn mưa chiều ngày thứ hai 26/9: “Mọi nhà ở TP đều “bình đẳng” trước cơn mưa chiều hôm 26/09”. Ba thợ hồ phản đối liền: “ biết bao bà con mình khốn đốn vì cơn mưa đó, vậy mà anh còn nói nghe sốc quá”.

Tư hưu trí cho là mình nói đúng vì cơn mưa lớn toàn thành, gần như mọi người ai cũng “khốn đốn” hết. Còn tại sao tui nói “bình đẳng” vì nhà ổ chuột, nhà cấp 4 cũng hì hục tát nước ra, nhà triệu đô của mít tờ Đàm Vĩnh Hưng cũng bị ngập, cũng hì hục di chuyển đồ đạc, tòa nhà cao nhứt TPHCM Bitexco ngay trung tâm quận 1 cũng bị tạt nước, rất nhiều nhân viên vệ sinh phải thay nhau dùng xô hứng nước, quét dọn để tránh tình trạng sàn nhà ngập, khách hàng chạy tán loạn. Sân bay Tân Sơn Nhứt cũng bị ngập khiến hơn chục chiếc phải bay lòng vòng cả tiếng hoặc đáp nhờ sân bay khác, như thế kêu là “bình đẳng” có gì sai ?

Để giảng hòa 2 anh bạn, Hai Sài Gòn cho là cơn mưa chiều hôn qua 26/9 ở TP mình khiến “nhà giàu cũng khóc”. Mà là mùa mưa ở Nam bộ chợt nắng rồi chợt mưa, nhưng trận mưa chiều 26/09 theo Hai Sài Gòn là bất ngờ. Anh em nháo nhào lên “nắng mưa là bệnh của trời” hà cớ gì mà anh nói là bất ngờ?

Hai Sài Gòn dẫn chứng liền: “Trận mưa lịch sử chiều 26/9, toàn thành ngập sâu trong biển nước. Sức người không đủ để thắng thiên nhiên khi nước liên tục xiết mạnh, cuốn trôi những chiếc xe trên đường.

Theo thống kê của Cảnh sát PCCC TP.HCM, có tất cả 34 điểm ngập nặng trên địa bàn. Điều đáng nói, người dân không nhận được thông tin cảnh báo nào về tình hình ngập nặng. Bất ngờ là ở chỗ đó.

Cũng chính vì thiếu cảnh báo, việc khắc phục hậu quả của lực lượng cứu hộ cũng gặp không ít khó khăn. Hầm để xe của các tòa nhà bị ngập nặng, cả bãi xe bên ngoài cũng ngập luôn, xe không kịp di chuyển ra ngoài, hư hỏng hết trơn. Tới hơn nửa đêm, nhiều người dân còn túc trực chờ nhận xe.

Sau hàng giờ đồng hồ, lực lượng PCCC liên tục bơm nước ra nhưng mới chỉ nhìn thấy bóng dáng của những chiếc yên xe. Do còn nhiều hạn chế trong dự báo, người dân không được thông báo trước khiến nhà cửa bị nước tràn vào, ướt hết đồ đạc, thậm chí cuốn trôi cả xe.

Cơn mưa chiều 28/9 cũng làm đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận 1 ngập nửa bánh xe. Ảnh: Zing

Chưa hết đâu, mưa lớn làm phần chân móng của trạm biến áp trên đường Nguyễn Hữu Cảnh đoạn qua phường 22, quận Bình Thạnh, đã bị hở, dưới sức nặng hàng tấn, trạm biến áp đã bị đổ, va vào tường khiến bức tường dài gần 20m bị sập xuống. Hậu quả là toàn bộ đất, đá, nước của trận mưa chiều 26/9 từ phía bên kia công trình tràn qua khu dân cư bên này. May mắn không có người bị thương trong vụ đổ tường và trạm biến áp này.

Còn thân phận của “người đi trong mưa gió” thì thế nào ? Tại các điểm sửa xe trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, mỗi lần chùi bugi cho xe nổ máy phải trả 40.000 đồng. Trong khi đó, tại quận 10, sau một hồi tháo ráp, chùi khô, nổ máy chiếc tay ga, cuối cùng người thợ sửa xe đã lấy của một phụ nữ 150.000 đồng. Người phụ nữ cho biết mình không hỏi giá trước nên khi nhân viên sửa xong nói nhiêu tiền thì trả. Dù biết là đắt nhưng chị không thể tự làm xe nổ máy.

Dù chịu cái giá “cắt cổ”, nhiều người vẫn tỏ ra mừng rỡ khi xe mình nổ máy, lên đường về nhà trong khi hàng dài người ướt sũng đang chờ tới lượt sửa xe. “Dắt bộ 30 phút mới tới được tiệm sửa xe, giờ người ta có lấy 500.000 đồng chắc tôi cũng phải đưa. Đói bụng, ngâm nước lạnh cóng, giờ tôi đuối quá rồi không dắt bộ được nữa”, một người sau khi được thợ làm nổ máy xe chia sẻ với Hai Sài Gòn. Nghe đâu hôm sau lên xe đi làm nhiều chiếc do uống nước lâu nên hư hại nặng, sửa chữa hết bạc triệu luôn.

Tư hưu trí nói thêm: Ức là mấy ông bà “ăn cơm dưới đất làm chuyện trên trời” không dự báo mức độ cơn mưa, đã vậy, mưa xong mấy ông bà “bàn đề sau khi xổ” là Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, cơn mưa chiều 26/9 là cơn mưa lớn nhất từ đầu năm.

Số đo quan trắc lượng mưa ở một số trạm như sau: trạm Phước Long (quận 9) là 103mm, Quang Trung (quận Gò Vấp) 123mm, Lý Thường Kiệt (Tân Bình) 135mm, Thanh Đa (Bình Thạnh) 133mm. Song trên thực tế lại được xác nhận là 204mm, được xem là cơn mưa lịch sử, lớn nhất từ năm 1975 tới nay. Phải chi mấy ông dự báo cụ thể và chính xác thì bà con mình đâu có khốn đốn bất ngờ đâu”.

Ba thợ hồ chưa chịu vì anh nghe thông tin kinh phí chống ngập của TP mình tới mấy chục ngàn tỷ, đã làm mấy năm nay rồi tại sao “vũ như cẩn” cứ mưa là ngập, cứ triều cường là ngập ! Tư hưu trí ủy thác cho Hai Sài Gòn đi tìm câu trả lời thông báo lại cho anh em.