Cấm vậy là đúng!

(VOH) - Thưa bà con! Ba Thợ hồ hôm nay đi làm về sớm, vừa đến đầu hẻm đã gặp anh Tư hưu trí đang đi bộ tập thể dục, mừng quýnh vì gặp chiến hữu nên rủ đi nhậu.

Tư hưu trí lắc đầu từ chối vì lúc này sức khỏe có vẻ không được tốt cho lắm, và mời vô quán uống cà phê hay uống trà gì đó thì được hơn. Ba thợ hồ cười mỉa: “Nam vô tửu như kỳ vô phong” nha cha nội, lâu lâu cũng có tí bia rượu cho máu huyết lưu thông không hề hấn gì đâu. Tư hưu trí chỉ cười và lắc đầu nói: “Không”. Ba thợ hồ mất hứng và thắc mắc sao hôm nay ông này trả lời dứt khoát dữ vậy? Không lẽ ngoài yếu tố sức khỏe ra thì còn vấn đề gì khác nữa sao? Vì bình thường mấy anh em cũng hay ngồi nhâm nhi mấy lon bia hay xị đế là chuyện bình thường. Tưởng chừng Ba thợ hồ bỏ cuộc đi về nhưng cuối cùng cũng đồng ý vô quán cà phê ngồi với ông bạn già và nhất quyết hỏi cho ra chuyện. Cuối cùng Tư hưu trí cũng chịu nói lý do là bị bà xã cấm rượu chè, bia bọt để làm gương cho thằng con trai ở nhà.

Ảnh minh họa: TTO

Càng nói Ba Thợ hồ càng thắc mắc sao kỳ vậy ta, con cái lớn cả rồi, khuyên nó đừng nhậu, nhậu sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, hao tốn tiền bạc, để dành thời gian chăm sóc gia đình con cái, chứ mình đâu thể quản lý nó hoài mãi được. Đang tính hỏi tiếp thì Hai Sài Gòn bước vô quán, thấy 2 ông bạn chiến hữu liền kéo ghế ngồi chung và nghe Ba thợ hồ kể lại đầu đuôi câu chuyện của anh Tư hưu trí nãy giờ, Hai Sài Gòn hiểu chuyện và cười ngất cho biết: “Chuyện này tôi hiểu, con trai anh Tư đang làm cán bộ kiểm toán nhà nước, mà theo quy định hiện nay thì cán bộ kiểm toán sẽ bị cấm uống rượu, bia và đi hát karaoke với đơn vị đang được kiểm toán, không được đánh bạc dưới mọi hình thức”. Quy định được ông Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc mới ký còn nóng hổi nên phải làm gương cho thằng con trai bỏ thói quen rượu bia từ bây giờ là vừa.

 Nghe vậy, Ba thợ hồ mới hiểu ra vấn đề và cho rằng cấm không được đánh bạc thì đồng ý hai tay, nhưng còn cái chuyện mời đi ăn trưa, uống vài chai xã giao thì cũng được mà. Hai Sài Gòn chặn liền: “Nè…anh nói vậy đâu được” rồi phân tích: bởi vì kiểm toán Nhà nước là một chế định độc lập với chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công qua hoạt động kiểm toán”, thử hỏi cán bộ kiểm toán đang kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài sản công và ngân sách của một đơn vị nào đó mà lại đi hát karaoke, uống bia rượu với đơn vị thì liệu chất lượng báo cáo kiểm toán có khách quan, có ít nhiều bị sai lệch không? Tui thấy khi công việc chưa hoàn thành mà nhận lời đi uống rượu bia, ăn uống vui vẻ với đối tượng mà mình đang thanh tra, kiểm tra, kiểm toán thì làm sao đảm bảo đánh giá khách quan, công bằng và đúng thực tế. Thêm nữa, người ta thường nói rượu vào lời ra, nhiều chuyện không nên nói thì lại tiết lộ, hoặc để tình cảm cá nhân xen vô thì có còn sự công tâm nữa không?

 Nghe đến đây, Ba thợ hồ gật gù đồng ý nhưng cũng nêu thực trạng có một bộ phận đơn vị được kiểm toán, thanh tra, kiểm tra vì không muốn bị "soi", bị hạch sách kỹ quá, nên dùng chiêu thức mời đi ăn nhậu để “giao lưu” vậy mà. Nghe đến đây anh Tư hưu trí lên tiếng, cái đó bắt đầu chuyển qua dấu hiệu tham nhũng rồi nha anh Ba, mà tại các cuộc làm việc với các ngành, lãnh đạo Chính phủ luôn nhắc nhở tình trạng tham nhũng vặt, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân hiện vẫn còn tồn tại. Vẫn còn tình trạng doanh nghiệp, người dân phải kẹp phong bì để được giải quyết thủ tục hành chính, nên việc cấm cán bộ công chức nhậu khi đi làm việc với cơ sở, khi thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp tui nghĩ là việc cần làm. Phải ngăn chặn ngay khi có dấu hiệu như vậy mới phải chứ. Nêu giải pháp ngăn chặn tình trạng cố tình gây phiền hà nhũng nhiễu cho người dân, doanh nghiệp của một bộ phận cán bộ công chức, Hai Sài Gòn đề xuất là cần phải thể chế hóa hành vi, chuẩn mực ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ công chức khi thi hành công vụ, chứ không nên chỉ xử phạt hành chính qua loa thì đâu đó chuyện vi phạm đạo đức công vụ vẫn diễn ra và người dân, doanh nghiệp vẫn còn bị làm khó.

 Hai Sài Gòn cho rằng, nói ở đây không chỉ là ngành kiểm toán mà còn rất nhiều ngành nghề khác nữa, cán bộ công chức, viên chức phải làm sao xứng đáng như lời Bác Hồ dạy, phải là “công bộc” của dân. Nhất là giá trị cốt lõi của ngành kiểm toán viên nhà nước hướng tới đó là "Công minh - chính trực - nghệ tinh - tâm sáng". Cho nên Hai Sài Gòn gút lại, cấm như vậy là đúng! Nghe đến đây cả Tư hưu trí và Ba thợ hồ đều tán thành hai tay.