Chó cắn người, ai chịu trách nhiệm?

(VOH) - Đã đến lúc cần chặt chẽ hơn, cần thiết thì học tập theo các nước, bên cạnh đó việc tuyên truyền kêu gọi, nâng cao ý thức của người dân về việc này cũng rất quan trọng.

Thưa bà con! Bàn trà hôm nay rôm rả bàn tán chuyện chó cắn chết người ở Hưng Yên mới đây, Ba thợ hồ vẫn giữ thói quen ăn ngay nói thẳng: “Chuyện này theo tôi á nghen, không chỉ bắt bồi thường thiệt là nặng, mà còn phải bỏ tù người nuôi chó mới được, chứ không chỉ phạt hành chính qua loa rồi thôi đâu”.

Tư Hưu trí cũng lên tiếng ủng hộ ông bạn: “đúng rồi, mạng người chứ có phải chuyện đùa mà lại xem thường như vậy, biết nuôi thì phải biết quản lý, xích hay nhốt nó lại, đảm bảo an toàn cho người khác chứ, bây giờ để xảy ra chuyện đau lòng thì ai chịu trách nhiệm đây?”. Ba thợ hồ nói liền: “Thì chủ của nó chịu chứ còn ai vô đây nữa”. “Chịu, mà chịu ở mức độ nào, rồi sắp tới xử lý ra sao, hay là để chó tiếp tục cắn người, nói xin lỗi lo thuốc men rồi thôi” – nói xong Tư Hưu trí dẫn chứng hàng loạt vụ chó cắn người xảy ra gần đây mà trong đó có anh là nạn nhân, và đề nghị chính quyền cần có biện pháp quản lý chặt chẽ và quyết liệt xử lý, để không còn lâu lâu nghe mấy chuyện đau lòng như vầy nữa.

Chó cắn người, ai chịu trách nhiệm?

Ảnh minh họa

Hai Sài gòn thấy mọi người đang cao hứng, cũng tham gia câu chuyện nhưng được giải thích theo quy định của pháp luật hẳn hoi: “Thật ra thì pháp luật có quy định rất rõ về trách nhiệm của chủ nuôi chó. Tuy nhiên, dường như ít ai quan tâm đến các quy định này”.

Nghe nói chuyện nuôi chó cũng có quy định pháp luật, mọi người xúm vào kêu anh Hai Sài Gòn nói rõ hơn. Thì được anh thông tin, “pháp luật hiện hành có những quy định rất cụ thể dành cho chủ nuôi động vật. Cụ thể, quyết định 193/2017 về phòng chống bệnh dại đã quy định rất rõ về việc nuôi chó. Theo đó, chủ nuôi chó phải đăng ký với UBND xã, phường. Phải xích nhốt hoặc nuôi chó phải đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường. Ở nơi công cộng, nơi đông dân cư, khu đô thị khi đưa chó ra ngoài, phải nhốt, giữ chó trong chuồng, cũi hoặc phải rọ mõm và có người dắt. Quyết định chủ vật nuôi phải thường xuyên theo dõi vật nuôi. Nếu phát hiện con vật có biểu hiện bất thường hoặc vô cớ cắn, cào người, động vật khác thì phải nhốt ngay con vật đó để theo dõi và báo ngay cho nhân viên thú y cấp xã, phường biết”..

Nghe tới đây, Ba thợ hồ ngắt ngang: “Luật quy định là vậy, nhưng tôi thấy có ai làm theo đâu anh Hai, cho nên chuyện con người là nạn nhân của chó vẫn xảy ra hàng ngày”, Tư Hưu trí tiếp lời: “Thực tế cho thấy, mặc dù công tác tuyên truyền đã được thường xuyên thực hiện nhưng ý thức của không ít gia đình nuôi chó vẫn hầu như không thay đổi, hầu hết người dân đều đã biết và đồng tình với những quy định xử phạt hành chính với hành vi thả rông chó nhưng làm thế nào để những quy định này phát huy hiệu quả thì vẫn còn là bài toán nan giải. Tôi nghĩ đến lúc Luật pháp cần phải nghiêm minh và mạnh tay hơn, quản lý chặt chẽ việc nuôi động vật, đặc biệt là chó trên địa bàn của mình, vì nó đang trở thành nỗi bất cho con người”. Nhưng theo Hai Sài gòn thì ý thức của người nuôi chó là quan trọng nhất và cho rằng: “cần xem xét xử lý trách nhiệm hình sự chủ nuôi súc vật ở tội danh “vô ý làm chết người” tại điều 128 bộ luật Hình sự năm 2015, khi chủ vật nuôi cẩu thả, không có biện pháp rào chắn súc vật, dẫn đến hậu quả chết người đối với người khác thì phải chịu trách nhiệm hình sự với hình phạt phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm”. Cho nên, việc chủ đàn chó ở Hưng Yên thả rông chó làm chết người thì cần xem xét bị xử lý hình sự để làm án lệ răn đe người khác, vì chó cắn chết người đã nhiều nhưng chưa xử lý trường hợp nào.

Ba thợ hồ tán thành vì cho rằng Luật đã có mà không thực thi nghiêm minh thì đâu có được”. Còn Tư hưu trí thông tin thêm, ở các nước khác có quy định rất cụ thể về việc nuôi động vật, đặc biệt là chó, như ở Singapore, chủ nhà phải cấy chíp, triệt sản cho chó và bắt buộc mua bảo hiểm, đóng tiền đặt cọc. Nếu chó cắn người, bất kể là chủ nhân có lỗi hay không, người chủ sẽ bị phạt tiền và bồi thường rất cao. Chó dữ cắn người có thể bị tòa ra lệnh tiêu hủy. Còn ở Anh, hành vi thả rông chó nguy hiểm bị coi là trái luật ở mọi nơi, nếu vi phạm, người chủ sẽ bị phạt tiền không giới hạn và ngồi tù 6 tháng. Không được nuôi chó trong tương lai, còn nếu chó gây thương tích với người khác, người nuôi có thể đi tù tối đa 5 năm và bị phạt tiền. Hay như Trung Quốc, muốn nuôi chó thì phải đăng ký vật nuôi như đăng ký một tài sản...Theo Hai Sài Gòn thì xứ mình vẫn còn quản lý khá lỏng lẻo, đã đến lúc cần chặt chẽ hơn, cần thiết thì học tập theo các nước, bên cạnh đó việc tuyên truyền kêu gọi, nâng cao ý thức của người dân về việc này cũng rất quan trọng.