Chuyện cái lu

(VOH) - “Trời nắng thì hầm hập, trời mưa thì nước ngập… nhưng thà nắng đổ mồ hôi một chút còn hơn mưa ngập khổ đủ điều!”.

Mấy bữa nay thời tiết nắng mưa thất thường, ngồi uống cà phê mà vẫn thấy nóng nực trong người, Ba thợ hồ bèn than: “Trời nắng thì hầm hập, trời mưa thì nước ngập… nhưng thà nắng đổ mồ hôi một chút còn hơn mưa ngập khổ đủ điều!”.

 PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân. Ảnh vietbao

Nghe Ba thợ hồ than, Hai Sài Gòn cười nói: “Sao nghe coi bộ ngộ ngộ à nhen! Tui thấy cái nào cũng khổ như nhau thôi mà! Anh Ba nói chuyện hôm nay làm tui phải suy nghĩ hơi mông lung rồi đó!”

Ba thợ hồ đáp lời: “He he, tui nói chuyện bình thường mà, tại Hai Sài Gòn nghĩ cao siêu quá thôi! Đơn giản là nghề thợ hồ như tui thì trời nắng còn làm việc được, chứ mưa thì chỉ có nước nghỉ khỏe, he he! Chỉ vậy thui à, chứ tui đâu phải là ông này, bà nọ... ăn nói trước bàn dân thiên hạ đâu mà nói chuyện mông lung khó hiểu, anh Hai???” 

Ba thợ hồ nói xong làm hội cà phê vỉa hè buổi sáng nhớ đến sự kiện gần đây khi bà Đại biểu Phan Thị Hồng Xuân phát biểu tại phiên họp Hội đồng nhân dân thành phố vào chiều 12/7.

Hai Sài Gòn hứng chí nói: “Mấy ông biết không, bữa họp Hội đồng, bà Xuân có đề xuất trang bị lu cho người dân chứa nước mưa để chống ngập. Mèn đét ơi, bả bị cộng đồng mạng phản ứng, chế giễu quá chừng.  Vì phát biểu thiếu ý tứ, thiếu suy nghĩ chín chắn này mà mang họa vào thân! Thấy phản ứng của cộng đồng mạng dữ dội quá, bà phải thanh minh thanh nga trên báo.

Hai Sài Gòn tằng hắng, đọc to nguyên văn lời Đại biểu Xuân được trích trên báo cho mấy ông bạn già nghe: “Góc nhìn của tôi là góc nhìn nhân học, tôi dùng từ "cái lu" vì muốn nhấn mạnh ở khía cạnh tri thức bản địa, theo phương diện dân gian, nhưng mọi người lại đẩy câu chuyện quá xa. Tôi nghĩ nếu mình dùng cụm từ "dụng cụ chứa nước" thay vì nói "cái lu" thì chắc là không bị phản ứng như vậy, không tạo ra hiệu ứng gây phản cảm như vậy. Tôi cũng không thích dùng từ "chống" trong chống ngập. Bởi dân miền Tây bao đời nay đã sống chung với lũ, với triều cường ngập nước. Cách mà tôi nói còn hàm ý một giải pháp cân bằng với môi trường”.

Ba thợ hồ tức tối nói: “Trời, là đại biểu, là PGS. TS mà không biết với vũ độ bao nhiêu, thời gian mưa bao lâu, TPHCM sẽ hứng bao nhiêu tỷ mét khối nước, và phải tốn bao nhiêu cái lu mới chứa đựng hết vũ lượng đó, đâu phải cái lu là “Thần đèn” đâu mà chống ngập? Hô biến cái là được? Dân tình chế giễu bà là đúng rồi!

Nãy giờ, ngồi im thin thít, nhưng khi nghe mấy bạn già bàn tán chuyện cái lu chống ngập, Tư hưu trí xen vào nói giả lả: “Thôi mệt mấy ông quá mấy ông ơi… Đại biểu Xuân đã giải thích là dùng từ “cái lu” vì muốn nhấn mạnh ở khía cạnh tri thức bản địa, theo phương diện dân gian, nhưng mọi người lại đẩy câu chuyện quá xa. Thôi mấy ông đừng nhắc nữa, ở đây tui xin mạn phép bả nói với mấy ông nè, thay vì dùng lu chống ngập… thành phố mình nên xây hồ rộng chứa nước chống ngập thì đúng hơn! Kinh nghiệm thực tiễn rành rành ở Singapore xây 17 hồ chứa nước mưa, vừa chống ngập vừa xử lý nước ngọt cung cấp cho người dân. Hay như ở Malaysia hễ trời mưa thì cấm xe cộ lưu thông sử dụng hầm chui và dùng nó làm kênh thoát nước. Còn thủ đô Tokyo, Nhật Bản xây dựng hẳn công trình chống ngập dưới lòng đất, ròng rã 13 năm trời mới xong. Mấy ông thấy đâu phải chuyện giỡn chơi đâu phải hông! Tui nghĩ thành phố mình cũng nên học tập kinh nghiệm bè bạn quốc tế thì may ra sẽ chống được ngập! Phải vậy không mấy ông?”.

Hai Sài Gòn búng tay cái chóc, nhanh miệng nói: “Phải, phải! Tui thấy Tư hưu trí nói có lý! Quá có lý luôn! Xúm vô chế giễu này nọ cũng không giúp ích gì! Hơn nữa Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Võ Văn Hoan trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp Hội đồng nhân dân đã chia sẻ, đại ý như là ý kiến của Đại biểu Xuân là hình tượng hóa, vì không có thời gian nên chưa nói được hết ý mình. Thật ra, từ hình tượng cái lu, ta có thể chuyển sang hình tượng là có thêm nhiều hồ điều tiết trong các khu dân cư tại thành phố mình.”

Cả hội nghe xong cùng nhau gật gù. Dù sao thì cũng chỉ mong Thành phố tìm ra được giải pháp chống ngập cho bà con mà thôi!