“Chuyện lạ”

Hiện nay, TPHCM là địa phương có số dân đông nhất nước, tròm trèm 8 triệu người. Bây giờ hễ mà ra đường là ai nấy cũng đều hít hà than thở, không có ngả đường nào mà không thấy cảnh dòng người, dòng xe tấp nập. Chính vì vậy, chuyện va quẹt với nhau là chuyện thường ngày. Trong cái chuyện thường ngày ấy lâu lâu cũng diễn ra một “chuyện lạ”.

Chuyện là thế này, hôm đó Hai Sài Gòn tui đang dừng đèn đỏ tại ngã tư Nguyễn Tri Phương - 3 tháng 2, Hai tui bỗng nghe một tiếng rầm. Quay lại thì thấy 2 anh thanh niên chỏng gọng đang lồm cồm ngồi dậy. Rồi 2 chàng ta xăm xăm đi về hướng nhau. Chứng kiến cảnh đó mọi người đều hết hồn, có ai đó đứng cạnh tui nói nhỏ: chuẩn bị coi đấu võ đài. Nhìn bộ dạng 2 chàng thanh niên mặt mày lấm lem dầu nhớt, không nói một lời ai cũng nghĩ là sẽ có một trận đánh nhau tóe lửa. Nhưng không, chỉ ít giây sau, tất cả đều thở phào nhẹ nhõm, 2 thanh niên nở nụ cười tươi rói bắt tay rồi ai nấy dựng xe chạy tiếp.


Va chạm nhỏ trên đường cũng có thể biến thành xô xát - Ảnh: PL&ĐS

Hai tui thấy lạ là ở chỗ đó đó. Chắc trong chúng ta, không ai lạ gì cái cảnh đánh đấm túi bụi chỉ vì xe người này quẹt trúng xe người kia. Nhìn vẻ bề ngoài ai cũng có thể đoán ngay 2 chàng thanh niên trên là người lao động phổ thông, nhưng cách ứng xử lại rất có văn hóa và rất tôn trọng pháp luật, điều mà không phải ai cũng làm được. Bà con mình đọc báo, nghe đài thấy nhiều người học cao hiểu rộng nhưng hễ đụng chuyện một cái là bất kể chuyện gì xảy ra cứ tha hồ thượng cẳng tay, hạ cẳng chân như chốn không người. Nhớ lại trước đây, Hai tui đã có lần đọc đươc trên một tờ báo mà người viết dành hết lời khen ngợi hành động tươn

g tự như Hai tui vừa kể. Nhưng chuyện đó xảy ra ở tận miền Tây chứ ở chốn đô thị quá náo nhiệt, chật chội như thành phố này thì sự việc xảy ra như thế thì đúng là một “chuyện lạ” đáng để biểu dương.

Thành phố mình đang cố hết sức để xây dựng văn hóa giao thông, nhường nhịn nhau trên đường cũng là giảm tai nạn giao thông, cũng là giảm kẹt xe nữa. Hôm nay Hai Sài Gòn tui kể lại chuyện này cũng chỉ mong “chuyện lạ” đó trở thành “chuyện thường ngày” mỗi khi chúng ta đụng phải chuyện bất bình. Được vậy thì hay lắm lắm. Có phải vậy không thưa bà con!