Điểm sáng xuất khẩu trong mùa dịch

(VOH) – Buổi cà phê sáng nay của ba ông bạn già bất ngờ có một chủ đề khá lạ lẫm: kiếm tiền nhờ khẩu trang xuất khẩu.

Từ đầu buổi cà phê cho tới giờ, Tư hưu trí và Hai Sài Gòn tròn xoe mắt nhìn Ba thợ hồ “đắm đuối” gần như không chớp mắt lấy một lần. Lý do là anh Ba nhà ta cứ cầm cái khẩu trang y tế ngắm nghía, “hít, ngửi” và bị kéo căng ra đủ kiểu.

Đến lúc không chịu nổi nữa, Hai Sài Gòn phải buột miệng hỏi thì tới lượt Ba thợ hồ tròn xoe mắt rồi trả lời mà thiệt ra giống đặt câu hỏi thì đúng hơn: Tui không hiểu sao cái khẩu trang giấy mỏng dánh này lại hái ra tiền!

Đến đây Hai Sài Gòn thở phào nhẹ nhõm vì đây đúng thiệt là anh bạn thợ hồ chí cốt của mình rồi. Trong khi đó, Tư hưu trí làm như “ôm sẵn đầy một bụng” nên nhanh chóng “lên sóng” ngay: Tui biết anh Ba thắc mắc gì rồi! Có phải anh đang nghĩ về con số khẩu trang xuất khẩu hơn 550 triệu cái chỉ trong 6 tháng đầu năm 2020 này chứ gì!

Thấy Ba thợ hồ gật gù thì Hai Sài Gòn biết anh Tư đã “bắt đúng mạch” rồi. Mà thiệt tình chứ, dù biết là đang trong mùa dịch Covid-19 nhưng Hai tui cũng rất ấn tượng với con số 557 triệu cái khẩu trang y tế xuất khẩu chỉ trong 2 quý đầu năm nay mà Tổng Cục Hải quan công bố. Hai tui còn biết rằng, tính riêng tháng 06 đã xuất hơn 236 triệu cái khẩu trang, tăng ba chục phần trăm (%) “ngọt xớt” so với một tháng trước đó.

Đến đây, Tư hưu trí cắt ngang dòng suy nghĩ của Hai tui bằng việc “thi triển” tiếp “bài vở” mà Tư nhà ta dường như đã soạn sẵn: “Cho hai anh biết nha, tháng 06 rồi có 100 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sản phẩm khẩu trang y tế thì không chỉ có doanh nghiệp may mặc hay sản xuất thiết bị y tế mà còn có cả doanh nghiệp nhựa, khai thác khoáng sản, tài chính, chế biến nông sản.v.v. nói chung đông đủ thành phần luôn, ghê chưa!

Hai Sài Gòn tiếp lời Tư hưu trí: Bởi vậy nên các chuyên gia nhận định khẩu trang là một trong số mặt hàng chuyển dịch sản xuất, đem lại điểm sáng xuất khẩu cho Việt Nam trong mùa dịch. Và nhiều doanh nghiệp biết linh động, đặc biệt các doanh nghiệp dệt may đã nhanh chân nhập máy móc, nguyên liệu, chuyển hướng sản xuất vải kháng khuẩn, khẩu trang y tế và đồ phòng hộ để lấp khoảng trống khi các đơn hàng gia công bị trì hoãn.

Sản xuất màn lọc khẩu trang. Ảnh minh họa: KHĐS

Ba thợ hồ lúc này lại lên tiếng lần thứ hai trong ngày và cũng đầy “trọng lượng” như lần đầu: Nếu vậy qua hết mùa dịch thì mấy doanh nghiệp sẽ tính sao với các máy móc làm khẩu trang y tế này?

Anh Tư nghe xong thì…im re, coi bộ “trật tủ” câu này rồi. Hai Sài Gòn liền mạnh dạn “chiếm sóng” liền: Theo tìm hiểu của tui thì các dây chuyền sản xuất khẩu trang y tế, vải kháng khuẩn hay đồ phòng hộ y tế thì chi phí không quá cao, chỉ khoảng 3 tháng sản xuất thì có thể khấu hao chi phí đầu tư rồi, nói nôm na là mua về xài mà không sợ lỗ. Cho nên tui nghĩ khi hết dịch, nhu cầu đơn hàng giảm thì các doanh nghiệp cũng có nhiều sự lựa chọn để xử lý các thiết bị máy móc này chứ không phải vấn đề gì quá phức tạp!

Với lại, quan trọng hơn hết là để dẫn đến câu chuyện này thì nhờ vào 2 yếu tố. Trước tiên nhờ Chính phủ và người dân cả nước Việt Nam mình đã đồng lòng khống chế dịch Covid-19 thành công nên doanh nghiệp mới có điều kiện yên tâm sản xuất cho các nước khác. Thứ hai cũng phải ghi nhận nhiều doanh nghiệp “chịu chơi”, biết linh động thay đổi sản xuất, nhờ vậy giúp hàng ngàn công nhân duy trì được việc làm.

Cả ba ông bạn già nghĩ tới đây thì nhìn nhau gật gù đồng tình. Riêng lời cuối dành cho Ba thợ hồ là khẩu trang thì để đeo lên mặt bảo vệ đường hô hấp thôi chứ đừng “giày vò” nữa, tội nghiệp lắm!

Công nghệ Camera nhận diện siêu cấp 'chạy bằng cơm' - Tư hưu trí cười to một tràng rồi phán: Hai anh có biết Việt Nam mình có công nghệ Camera nhận diện siêu cấp hông?.

Quảng cáo bia trên Tivi có vi phạm Nghị định 24/2020?  - Thấy Hai Sài Gòn vừa bước vô quán cà phê, Ba thợ hồ mừng tíu tít lên “Anh Hai, anh ngồi đây cho tui hỏi chuyện này coi".