Dùng điện thoại thông minh trong lớp nên hay không?

(VOH) - Không biết nhà Ba thợ hồ “nổ” ra vụ gì mà mới ngồi xuống ghế, chưa kịp kêu cà phê, anh đã than “đàn bà lúc nào cũng nông cạn, chỉ thấy 1, 2 mà không thấy 9, 10”.

Anh em có mặt trong quán ai cũng ngạc nhiên trước thái độ rất ư là dứt khoát của Ba thợ hồ.

Tư hưu trí “khều” nhẹ Ba thợ hồ “sắp tới ngày thành lập Hội Phụ nữ Việt Nam, anh phát biểu như thế coi chừng chị em phụ nữ kiện anh đó. Nhưng chuyện gì làm anh bức xúc quá vậy?”

Ba thợ hồ kể “Tối đến giờ thằng con nó xin tiền mua cái điện thoại thông minh để xài trong lớp. Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép từ năm học 2020-2021 học sinh được sử dụng điện thoại di động trong khi đang học trong lớp, bà xã tui nói thằng con đặt chuyện chứ làm gì có chuyện đó, tui phải đọc tin trên smartphone cho bả nghe, bả cũng ngoan cố nói cha con tui “toa rập” với nhau. Đó mấy anh nghe có tức không?”.

Mấy anh có mặt trong quán “dí” Hai Sài Gòn hư thực chuyện nầy.

điện thoại
Cho phép học sinh dùng điện thoại thông minh trong lớp là quy định gây tranh cãi giữa các phụ huynh

Hai Sài Gòn trình bày: “Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố Thông tư 32/2020 với nhiều đổi mới về Điều lệ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học. Điều 37 của Thông tư này quy định về các hành vi mà học sinh không được làm. Một trong số đó là “Sử dụng điện thoại di động khi đang học tập trên lớp mà không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”. Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra quy định này để hỗ trợ trong trường hợp học sinh cần truy cập, tìm những nguồn học liệu để hỗ trợ cho bài học khi được sự cho phép của giáo viên. Thông tư sẽ áp dụng từ ngày 1/11 tới đây là chỉ cấm việc sử dụng mà không phục vụ cho việc học tập và việc sử dụng sẽ có sự quản lý của giáo viên”.

Tư hưu trí bổ sung “Hiện nay, xã hội chuyển biến mạnh mẽ, hướng đến chuyển đổi số trong giáo dục, ngành giáo dục đang hướng dẫn và khuyến khích giáo viên, học sinh sử dụng và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học. Khi đã dạy học qua Internet thì phải có phương tiện cho học sinh truy cập vào các nguồn học liệu như máy tính, điện thoại di động và các công cụ khác. Với thời đại công nghệ thông tin, nguồn học liệu điện tử trên mạng ngày càng phong phú và được phát triển để hỗ trợ việc dạy học của giáo viên và học sinh”.

 Hai Sài Gòn giải thích cụ thể hơn năm học 2020-2021, giáo dục Việt Nam tiếp tục thực hiện đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã được Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) thông qua, trong đó có nội dung quan trọng bậc nhất là giáo dục thay đổi từ việc giáo viên cung cấp, truyền thụ kiến thức sang việc giáo viên dạy học sinh cách học. Mà như mấy anh biết kho tàng kiến thức của nhân loại, hiện nay chủ yếu nằm trên mạng Internet. Có thể nói kiến thức trên hệ thống mạng chính là nguồn tài nguyên vô tận, nhờ sự phát triển của khoa học kỹ thuật - công nghệ mà nhân loại mới có được. Chúng ta không nên và không thể cấm đoán học sinh khai thác nguồn tài nguyên này. Cấm đoán là bảo thủ, lạc hậu, là đi ngược lại xu thế, là tự đóng cửa tương lai của mình, tương lai thế hệ trẻ.

Anh em nghe Hai Sài Gòn lập luận ai cũng vỗ tay hoan hô quá chừng. Ba thợ hồ được dịp “tố khổ” bà xã liền “tui nói với bà rát cuốn họng là ở Thành phố mình, hầu hết học sinh đã được cha mẹ sắm cho điện thoại di động để tiện liên lạc, nhiều học sinh dùng smartphone. Việc dạy - học diễn ra bình thường, không có vấn đề gì”.

Hai Sài Gòn thừa nhận chuyện cho học sinh dùng điện thoại thông minh trong lớp học, trong giờ học làm nhiều phụ huynh lo lắng, điều đó là tất nhiên thôi. Tui xin dẫn chứng nhiều phụ huynh phản ứng thế nầy: “Xin thưa với ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh vùng sâu vùng xa lấy đâu điện thoại mà dùng? Hay như việc gì cũng có tính chất 2 mặt. Được mặt này mất đi mặt khác. Lơ là, sơ hở là các em chơi game, chơi nhiều và thường xuyên dẫn đến nghiện game, mất tập trung học tập, rồi mất hết tương lai. Thậm chí có thầy cô giáo còn nói hoàn toàn không đồng ý và cực lực phản đối. Bọn trẻ ở nhà cắm mặt vào cái điện thoại chưa đủ à? Giờ vào lớp cũng lại xài điện thoại? Rồi ai quản lý được bọn trẻ tìm gì, làm gì trên đó? Đừng viện dẫn việc tra cứu từ điển, vì xưa nay giáo viên đều cung cấp từ mới trước khi học. Đừng cho rằng điện thoại giúp giải toán, vì vào phòng thi ai cho đem điện thoại làm giúp? Đừng nói việc có điện thoại sẽ giúp học sinh an toàn hơn, vì ngồi giữa lớp ai đe dọa các em? Làm ơn, thời đại công nghệ nhưng không phải cứ áp dụng công nghệ vào tất cả mọi thứ là đều đúng.”

 Tư hưu trí cho là sự băn khoăn lo lắng của phụ huynh là chính đáng. Tuy nhiên Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có biện pháp cho sự lạm dụng smartphone. Hai Sài Gòn cung cấp thông tin mà phụ huynh lo lắng “Thông tư 32 quy định trong giờ học của một lớp học thì mọi hành động của học sinh phải được giáo viên kiểm soát. Trong lớp học, người giáo viên đang quản lý và tổ chức các hoạt động dạy học cho học sinh, học sinh phải hoàn thành nhiệm vụ học tập. Ngoài ra, cần phải hiểu rằng việc giáo viên cho phép sử dụng điện thoại cho mục đích học tập cũng chỉ trong một giai đoạn ngắn để thực hiện, sau đó phải dừng lại chứ không thể có chuyện sử dụng điện thoại xuyên suốt giờ học. Có thể hình dung, trên lớp, giáo viên sẽ giao cho học sinh nhiệm vụ. Như vậy có thể học sinh này sẽ tra trên mạng để truy cứu thêm thông tin để thực hiện nhưng cũng có học sinh lại không cần đến mà vẫn hoàn thành được nhiệm vụ học tập.

Như vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo không cấm dùng điện thoại trong lớp nhưng cũng không có nghĩa là được dùng một cách thoải mái, không có sự kiểm soát. Nghe tới đây Ba thợ hồ sướng quá nói liền “để tui chạy về nhà thông tin nầy cho bà xã tui biết. Chuyện gì của Nhà nước, của Chính phủ đề ra đều chuẩn bị chu đáo hết chứ đâu có nhắm mắt làm càn đâu”.

Xem thêm: