Hành động nghĩa hiệp của Vận động viên khuyết tật Lê Văn Công

(VOH) - Thành phố mình thiếu gì đại gia mà có ai hành động như Vận động viên khuyết tật Lê văn Công không?

Không biết Ba thợ hồ có thông tin từ đâu mà vừa nhâm nhi cà phê anh vừa nói “chuyện làm nghĩa hiệp của Vận động viên cử tạ khuyết tật Lê Văn Công thiệt là xứng danh anh hùng. Tui hỏi mấy anh Thành phố mình thiếu gì đại gia mà có ai hành động như Vận động viên khuyết tật Lê văn Công không? Tui xin bái phục”.

Vận động viên Lê Văn Công

Vận động viên Lê Văn Công.(Ảnh: Lê Hải/TTXVN)

Tư hưu trí đồng tình và ủng hộ nhận định của Ba thợ hồ, Tư hưu trí bổ sung vào ngày 21/10, trên facebook cá nhân của anh Lê Văn Công, anh viết: "Tôi là Vận động viên khuyết tật Lê Văn Công. Tôi đã suy nghĩ và hôm nay quyết định bán đấu giá Huy chương vàng World Cup 2016. Đó là tấm huy chương từ sự nỗ lực của thầy trò tôi qua nhiều năm tháng, nó là một phần cơ thể khiếm khuyết của tôi. Toàn bộ số tiền bán được, tôi sẽ dùng tặng cho bé Đoàn Thị Bích Hương - hàng xóm của tôi. Bé Hương mắc ung thư gan rất nặng, gia đình lại quá khó khăn, kiệt quệ không còn tiền chữa cho cháu. Tôi mong tấm huy chương World Cup của tôi sẽ đến được với chủ nhân mới, để mang lại dù một chút hy vọng sống cho cô bé hàng xóm của tôi".

Cuộc đấu giá được Lê Văn Công đăng tải trên mạng xã hội sau đó được nhiều người chia sẻ, hưởng ứng. Nhiều anh em cùng uống cà phê chưa có thông tin về Vận động viên khuyết tật Lê Văn Công “dí” Hai Sài Gòn về nhân thân anh nầy. Hai Sài Gòn kể Lê Văn Công, sinh năm 1984, quê Hà Tĩnh, là con thứ 2 trong gia đình có 5 anh em. Ngay khi sinh ra đã phải chịu thiệt thòi khi mắc chứng teo chân, nhưng anh không ngừng nỗ lực để tự nuôi sống bản thân. Lê Văn Công là Vận động viên người khuyết tật Việt Nam đầu tiên vô địch Paralympic, cùng bộ sưu tập huy chương đồ sộ từ khu vực, châu lục đến thế giới ở môn cử tạ. Giới thể thao người khuyết tật Việt Nam không ai xa lạ với anh Lê Văn Công, chàng trai vàng của bộ môn cử tạ từng đem về rất nhiều thành tích ở khắp các đấu trường, từ khu vực, châu lục cho đến tầm cỡ thế giới. Nếu như xạ thủ Hoàng Xuân Vinh là người Việt Nam đầu tiên giành được Huy chương vàng Thế vận hội thì ở lĩnh vực thể thao người khuyết tật, Lê Văn Công chính là cái tên sáng giá nhất khi là người đầu tiên giành được ngôi vô địch World Cup tại Paralympic Rio, diễn ra cùng năm 2016.”

Tư hưu trí thông tin thêm “Điều đáng nể, đáng trân trọng đối với anh Lê Văn Công là mục đích đấu giá tấm huy chương của anh. Đó là trường hợp bé Đoàn Thị Bích Hương, 16 tuổi (xã Xuân Thới, huyện Hóc Môn) là hàng xóm của anh Lê Văn Công. Cô bé chăm ngoan, hiếu học nay phải nằm một chỗ vì căn bệnh ung thư gan nặng. Hình ảnh cô bé đi lại đau đớn vì tình trạng bệnh đã nặng phải ngồi xe lăn. Gia cảnh em nghèo khó, bố mẹ làm công việc đóng gói sản phẩm tại nhà, mỗi ngày thu nhập 100 ngàn đồng. Ở trọ xa nhà, con cái mang bệnh nặng nên kinh tế gia đình em khá khó khăn, khánh kiệt. Nhìn người mẹ già gầy yếu bên cô con gái bệnh tật, anh không cầm được nước mắt.”

Hai Sài Gòn nhận xét về hành động nghĩa hiệp của Vận động viên khuyết tật Lê Văn Công “Hành động của Anh Lê Văn Công thật phi thường. Tại sao tui nói như thế, vì với một vận động viên bình thường, việc phấn đấu khẳng định năng lực bản thân rồi được triệu tập tham gia đội tuyển quốc gia thi đấu quốc tế là điều hết sức khó khăn, chưa nói đến giành được thứ hạng cao. Mọi thứ còn trở nên phức tạp gấp nhiều lần với các vận động viên khuyết tật, khi mà chỉ riêng việc di chuyển của họ cũng đã là cả một vấn đề, huống hồ sự gian nan trong tập luyện và thi đấu không cách nào thể hiện đầy đủ. Chiếc Huy chương Vàng, anh luôn coi đó là tài sản quý giá nhất của mình. Bởi anh nghĩ, quan trọng là cái tình nghĩa của con người với con người. Các anh nghĩ coi giành được tấm huy chương vàng danh giá, là con đường đầy gian khổ, từ sự nỗ lực của Anh, của huấn luyện viên qua nhiều năm tháng, nó là một phần cơ thể khiếm khuyết của Anh. Anh hi vọng, với số tiền đấu giá từ tấm huy chương, sẽ giup cháu Hương cố gắng chiến đấu với căn bệnh ung thư gan quái ác. Tui cho là hành động đẹp của vận động viên cử tạ Lê Văn Công là hành động hiếm có trong làng thể thao Việt Nam. Khi xã hội thật, giả lẫn lộn, khi cuộc sống còn nhiều những phận đời nghèo khó, thì việc làm ý nghĩa của anh. Rõ ràng qua hành động trên cả tuyệt vời của anh Lê Văn Công, chúng ta thấy rằng, cuộc đời còn có nhiều câu chuyện cảm động hơn thế nữa. Đoàn Thị Bích Hương cần tiền để chữa bệnh nhưng chưa đủ, cô cần một người truyền cảm hứng động viên cô vượt lên số phận, trong cuộc chiến khốc liệt giành sự sống cho cuộc đời mình, và có lẽ không ai hơn Lê Văn Công. Anh đã vượt lên số phận của mình, chứng minh khuyết tật nhưng không khuyết tài trên trường thi đấu quốc tế. Chiếc huy chương vàng World Cup 2016 vốn là kỷ vật quý giá đối với Vận động viên Lê Văn Công. Giờ đây, nó không mang hình ảnh thông thường là miếng kim loại chỉ nằm trong hộp giấy, mà nó đã trở thành một cuộc đời khác, mang một sứ mệnh nhân đạo khác…

Nhiều anh em cùng uống cà phê trong quán muốn biết kết quả của cuộc đấu giá. Tư hưu trí thông tin “kết thúc phiên đấu giá doanh nhân lĩnh vực bất động sản Nguyễn Thiện (quận 7) đã ra giá 125 triệu đồng để sở hữu tấm Huy chương này. Anh Nguyễn Thiện cho biết: "Tôi vốn đã ngưỡng mộ nghị lực của Công từ lâu và từng xem Công thi đấu, đăng quang vào năm 2016. Hình ảnh ăn mừng đầy xúc động của Công vẫn còn lưu trong tâm trí của tôi. Khi biết Công đấu giá Huy chương vàng để làm từ thiện, tôi cảm thấy đây là câu chuyện quá hay. Tôi phải nhiều lần tham gia phiên đấu giá mới có được tấm Huy chương vàng. Đầu tiên, tôi muốn trao Huy chương vàng cho Hương để động viên em chiến đấu với bệnh tật. Sau đó, tôi sẽ đem chiếc Huy chương vàng này đi khắp nơi để lan tỏa câu chuyện nhân văn này trong cộng đồng người khuyết tật".

Anh em có mặt ai cũng khen “hành động của vận động viên khuyết tật Lê Văn Công quá hay, là những người lành lặng, chúng ta cùng suy gẫm về hành động nghĩa hiệp nầy”.

Từ cầu Ba Cẳng tới chợ Kim Biên - (VOH) - Theo Hai Sài Gòn, "... để Chợ Kim biên tồn tại trong khu dân cư ngày nào thì đe dọa an toàn tính mạng, tài sản của người dân ngày đó”.