Lại nâng cao đường

(VOH) - Sáng nay, nhiều người có mặt trong quán cà phê xóm Hai Sài Gòn bàn tán sôi nổi về kế hoạch nâng cao đường Nguyễn Hữu Cảnh lên thêm từ 2 tấc đến 1,2 mét tùy chỗ.

Nhiều người thắc mắc “sao lại nâng đường “bất tử” vậy?". Không nghe thông báo, không nghe thăm dò ý kiến người dân gì ráo, đùng một phát nói nâng đường lên.

Đường Nguyễn Hữu Cảnh

Đường Nguyễn Hữu Cảnh lên thêm từ 2 tấc đến 1,2 mét tùy chỗ. Ảnh: VNE

Nghe như vậy, mấy người trong quán đề nghị anh nguyên là nhà báo Hai Sài Gòn xác nhận tin này. Bị "bắt cóc", Hai Sài Gòn chỉ biết nói theo thông tin từ báo đài thôi “Ngày 3/10, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM đã họp báo công bố khởi công công trình sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh vào ngày 5/10. Với chiều dài toàn tuyến là hơn 3 km, tổng mức đầu tư gần 473 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành sau 14 tháng. Ông Nguyễn Vĩnh Ninh - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM cho biết, ngoài việc nâng cốt đường Nguyễn Hữu Cảnh lên thêm 1,2 mét, trong đó, khoảng 500 mét đường bị lún sẽ được nâng từ 0,5 mét đến 1,2 mét nhằm đảm bảo yêu cầu chống ngập, giao thông, hài hòa với các khu dân cư hai bên và cốt nền quy hoạch. Dự án còn các hạng mục khác như: cải tạo, xây dựng, bổ sung hệ thống thoát nước, hệ thống chiếu sáng, cây xanh, công trình hạ tầng kỹ thuật,...”.

Như "chạm dây thần kinh", Tư hưu trí hỏi lớn “cái gì 1,2 mét nữa hả?”. Anh em ai cũng ngạc nhiên hỏi anh bị làm sao? Anh cho biết, mấy năm trước thành phố mình đã nâng nhiều tuyến đường lên 1,2 mét rồi, người dân khốn khổ vì đường cao gần nóc nhà rồi. Bây giờ lại 1,2 mét nữa. Dân biết sống sao đây.

Hai Sài Gòn liền “ôn cố”: Năm 2016, theo kế hoạch cải tạo hệ thống thoát nước của quận Thủ Đức, đoạn Quốc lộ 13 đi qua hai phường Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước được nâng lên đạt cốt chuẩn công 2,5 mét của cột mốc quốc gia. Như vậy, khi thực hiện dự án, mặt đường sẽ được nâng cao từ 4 tấc tới 1,91 mét tùy vị trí so với mặt đường hiện hữu. Điều này khiến người dân trong khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và việc kinh doanh, mua bán. 396 nhà dân dọc hai bên 1,4 km Quốc lộ 13 bị ảnh hưởng khi nâng đường. Trong đó, 270 nhà thấp hơn 1 mét và 126 nhà thấp hơn chưa tới 1 mét so với mặt đường.  Hay như tuyến đường Kinh Dương Vương, quận Bình Tân vừa hoàn thành nâng cao mặt đường đầu năm 2017 đã giải quyết được tình trạng ngập nước khi mưa lớn và triều cường, người dân đi lại đỡ vất vả. Tuy nhiên, từ đầu mùa mưa 2017 đến nay, 44 tuyến hẻm xương cá cắt ngang tuyến đường này lại rơi vào tình trạng ngập triền miên khiến sinh hoạt của người dân bị xáo trộn. Hầu như mấy năm trước, các tuyến đường được nâng cao đều làm khổ người dân ở 2 bên như Phạm Thế Hiển (quận 8), Trần Não (quận 2), Quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh), ôi thôi nhiều lắm tui không nhớ hết.

Tư hưu trí nói thêm: Điều tui sợ là đường Nguyễn Hữu Cảnh thi công đường sẽ gây ách tắc sự đi lại của bà con là đương nhiên. Mà đường Nguyễn hữu Cảnh là cửa ngõ chính ở phía Đông vào thành phố. Không biết rồi sẽ ra sao đây?

Hai Sài Gòn nói Tư hưu trí lo “bò trắng răng” bởi khi thi công, đoạn từ cầu Văn Thánh 2 đến hết phạm vi nút giao cầu Thủ Thiêm sẽ bị chiếm dụng 24/24. Trong giai đoạn thi công hệ thống cống hộp, đơn vị sẽ cải tạo vỉa hè thành mặt đường nhựa khoảng 3 mét tránh ảnh hưởng đến lộ trình các tuyến buýt đi qua khu vực. Xe máy được lưu thông qua hầm chui Nguyễn Hữu Cảnh và cấm ôtô đi trên đường hướng từ Ngô Tất Tố đến chân cầu vượt. Lộ trình thay thế: Ngô Tất Tố - (rẽ trái) Nguyễn Hữu Cảnh - (quay đầu hẻm 113) Võ Duy Ninh - hầm chui Nguyễn Hữu Cảnh hoặc Ngô Tất Tố - Trần Quang Long hoặc Nguyễn Văn Lạc - Phạm Viết Chánh - Nguyễn Hữu Cảnh.

Thứ nữa vì mục tiêu chống ngập, chắc chắn bà con mình sẽ chia sẻ với thành phố thôi.

Tư hưu trí cho là trong tình hình mưa giông, triều cường như thế, rõ ràng việc nâng đường chống ngập chỉ là giải pháp tình thế. Bởi lẽ, với mực đỉnh triều và hệ lụy của biến đổi khí hậu hiện nay, nâng đường không mang lại lợi ích lâu dài, chưa kể sẽ ảnh hưởng đến đời sống người dân, khiến xã hội phải tiêu tốn thêm nhiều nhân lực, tài lực để thoát cảnh đường cao nhà thấp. Tui kiến nghị “nên nghiên cứu làm một lần để dân đỡ khổ”.

Tuy nhiên, trong khi chờ các giải pháp lâu dài như làm thêm hồ chứa nước, khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh rạch, hy vọng sau khi công trình sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh sẽ giảm ngập hơn.