Luật phòng, chống tác hại rượu bia

(VOH) - Buổi cà phê sáng hôm nay, Tư hưu trí nhìn thấy vẻ mặt phờ phạc của Ba thợ hồ thì biết chắc đó là dư âm của một đêm say sưa bí tỉ với bạn bè.

Tư hưu trí lắc đầu nói:  “Nè, anh Ba, vừa rồi dự thảo Luật Phòng, chống tác hại rượu bia, trong đó có điều khoản cấm “điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” đã được Quốc hội thông qua với 408 đại biểu tán thành trong số 450 đại biểu tham gia biểu quyết, tỉ lệ tán thành là hơn 84%! Luật này sẽ có hiệu lực đầu năm 2020. Tui thấy mấy anh bạn già mình nên tập dần cho quen đi nghen, dứt khoát đã uống rượu bia là không được lái xe nghen! Mấy ông có nhớ cái vụ bà Nguyễn Thị Nga – người lái xe BMW tông hàng loạt xe máy ở ngã tư Hàng Xanh hồi tháng 10 năm ngoái không? Vụ tai nạn đó nghiêm trọng lắm nha, làm 1 người chết tại chỗ, 5 người bị thương, 5 xe máy và 2 ôtô hư hỏng nặng … Cũng do ăn nhậu mà ra đó! nhắc lại thôi mà tui thấy rùng mình hà…

Luật Phòng chống tác hại rượu bia

Ảnh minh họa

Hai Sài Gòn nghe nói bèn lên tiếng: Ôi! Tui đâu có la cà nhậu nhẹt thường đâu, chỉ lo cho Ba thợ hồ thôi! Tui thấy xã hội mình lâu nay phí phạm, tốn kém bao nhiêu cho thú vui, thói quen, vấn nạn nhậu nhẹt rồi. Nè, để nói cho nghe: Theo Viện Chiến lược và chính sách y tế, Bộ Y tế, khảo sát ở 9 quốc gia Đông Nam Á cho thấy Việt Nam bị tác hại do bia rượu nhiều nhất. Tại Việt Nam nếu tính theo mức thấp của thế giới, thiệt hại liên quan đến rượu bia khoảng 65.000 tỉ đồng/năm. Còn nữa, uống rượu bia là nguyên nhân trực tiếp của hơn 30 loại bệnh không lây nhiễm và gần 200 loại bệnh tật khác nhau, đứng thứ ba trong số các nguyên nhân dẫn đến tử vong sớm và tàn tật trên thế giới. Việc sa đà vào rượu bia đã lấy đi không ít phần chi tiêu trong mỗi gia đình kèm theo thiệt hại về sức khỏe và cả hạnh phúc từng nhà. Tui cho rằng Quốc Hội thông qua dự luật này là quyết định đúng, nhưng mà…

“Nhưng mà sao?” Tư hưu trí hỏi…

Hai Sài Gòn nhấn mạnh: “Đã là luật thì phải thực thi nghiêm túc, đừng có là khẩu hiệu suông, như quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng mà đến giờ tui thấy có phạt được mấy ai đâu? Luật mà không nghiêm dân lờn!”

Tư hưu trí gật đầu nói: “Chí phải?!”

Ngồi nghe ngóng nảy giờ, Ba thợ hồ có vẻ không mấy mặn mà với dự luật này, phân trần: “Ông bà ta từ xưa đã có câu: “Khách đến nhà không trà thì rượu”. Nhậu cũng là để ngoại giao, để làm ăn, để ký hợp đồng. Không nhậu là không được! Hồi nào giờ không cấm, giờ cấm thì cũng phải từ từ mới bỏ thói quen cũ chứ! Đâu phải nói bỏ là bỏ cái rụp được đâu?”     

Nghe Ba thợ hồ phân trần, Hai Sài Gòn nhắc nhở: “Thôi đi anh Ba, đã tốn tiền uống rượu rồi thì từ giờ trở đi, anh mà có uống rượu, uống bia thì nhớ để dành thêm tiền đi xe ôm về cho an toàn nghe!”

“Đúng vậy đó!” Tư hưu trí kết một câu: “Càng nhậu là càng nghèo! Tạo gánh nặng cho y tế, kinh tế nước nhà! Bởi vậy, trong thời gian chờ luật có hiệu lực, như cánh tụi mình đây, mỗi người nên tích cực vận động tuyên truyền, thuyết phục bạn bè, bà con lối xóm hiểu rõ về dự luật này, hiểu rõ tác hại của việc uống rượu bia lái xe… để khi luật có hiệu lực, mọi người dễ dàng bỏ thói quen cũ là uống rượu bia rồi mà cũng còn lái xe! Đã uống rượu bia dứt khoát không được lái xe! Phải quyết tâm thay đổi theo lối sống văn minh hiện đại thôi mấy ông ơi…”

 

Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia
(VOH) - Với 84,3% tổng số đại biểu tán thành, Quốc hội đã bấm nút biểu quyết thông qua Điều 5 của dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia.