"Môi giới" hay "cò" nhà đất ?

(VOH) - Sáng nay, vừa mới gặp Hai Sài Gòn, anh Tư Cổ Cò bức xúc: Thiệt tình tui chịu hết nổi anh Hai ơi, mấy cái tin nhắn rác nó hành tui quá xá! Anh nghĩ coi, đang ngủ trưa ngon giấc thì điện thoại kêu tít tít; đang ngồi họp nghiêm túc điện thoại cũng réo rắt có tin nhắn; buổi tối đang ru đứa nhỏ ngủ, tự nhiên điện thoại eo éo... chịu đời sao thấu anh Hai.

Nghe anh Tư than thở, Hai tui chia sẻ ghê lắm! Vì sao? Vì Hai tui cũng bị cái tình trạng y chang như vậy. Mà theo Hai tui biết, hổng phải chỉ có tui với anh Tư, còn rất nhiều người khác cũng bị điện thoại nó hành tương tự. Hai tui bèn an ủi, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm xương máu với anh Tư rằng: lúc nào cần yên lặng thì anh tắt máy hay chuyển chế độ rung. Vậy là xong!

Đâu có được, nếu mà tắt máy hay để chế độ rung, lỡ khi có những cuộc điện thoại quan trọng cho công việc thì sao? Vụ này thì Hai tui đành chào thua. Bà con ai có cao kiến gì thì cho anh em tui thọ giáo với.

Trong hằng hà vô số tin nhắn rác - bao gồm tin nhắn của các nhà mạng, tin quảng cáo sản phẩm, tin bán hàng khuyến mãi… thì tức nhất là tin nhắn của đám nhân viên công ty bất động sản. Loại tin này giới thiệu các sản phẩm căn hộ chung cư, dự án nghe rất ham, giá rẻ lại đủ thứ tiện ích, rồi gần trung tâm thành phố, rồi quà tặng, khuyến mãi, hậu mãi, cam kết cho vay lãi suất thấp cho người mua… Nghe thấy phát ham, nhưng khi đụng vô thì hỡi ôi, toàn là quảng cáo "ảo".

Có lần, Tư tui vừa nhận được tin nhắn, gọi lại hỏi thì người môi giới cho biết dự án đó đã bán hết rồi, còn dự án khác xa trung tâm hơn một chút, mắc hơn một chút được không? Chiêu này Hai tui nghe quen lắm, lừa gạt người mua bằng đủ mọi thủ đoạn. Nếu đã bán hết thì quảng cáo để làm cái gì? Đó là chiêu thường dùng của các tay "cò" nhà đất mà thôi. Còn doanh nghiệp, công ty bất động sản có hẳn đội ngũ nhân viên môi giới mà cũng mời gọi kiểu đó thì đúng là không nên chút nào!


Ảnh minh họa - Nguồn: NLĐ.

Các cơn sốt nhà đất "ảo" từng xảy ra trong quá khứ đều do mấy tay "cò" nhà đất góp phần tạo nên. Lôi kéo nhiều người dân biến thành nhà đầu tư thứ cấp, bỏ tiền lao vào đăng ký mua suất căn hộ hay đặt cọc mua căn hộ rồi bán lại kiếm chênh lệch, kết quả có người “lướt sóng” thành công, nhưng cũng không ít người bị “dính” không bán được khi thị trường nhà đất đóng băng. Báo chí đã đưa tin nhiều người kinh doanh thua lỗ, nợ nần chồng chất vì dính vào nhà đất rồi đó. Nay, sau vài năm lắng dịu, đội ngũ môi giới của các công ty bất động sản lại tiếp tục mời gọi bằng đủ chiêu trò y như "cò" nhà đất nhằm bán được hàng tồn kho mấy năm qua.

Bởi vậy mà nhiều chuyên gia đã nhận định: dự án bất động sản chỉ “nóng” ở chỗ nào có môi giới thôi bà con à! Thành ra, mới đây Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã cho biết quan điểm tại buổi thảo luận lấy ý kiến sửa đổi dự án luật Kinh doanh bất động sản. Theo ông thì, người môi giới cần phải có trình độ đại học và cần thiết phải cấp giấy chứng nhận hành nghề môi giới bất động sản vì hoạt động này ảnh hưởng trực tiếp không chỉ quyền lợi cá nhân của khách hàng, mà còn của cả chủ đầu tư.

Ý kiến của Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng là chính xác, nên Hai tui rất đồng tình. Không những người môi giới phải có trình độ, mà việc tổ chức cấp giấy chứng nhận hành nghề môi giới sẽ quản lý được đội ngũ những người hành nghề này, từ đó cũng kiểm soát được việc xuất hiện những cơn sốt nhà đất "ảo" do các doanh nghiệp bất động sản và đội ngũ những người môi giới tạo ra.

Theo Hai tui biết ở các nước phát triển, đội ngũ môi giới của các công ty bất động sản có trình độ chuyên môn cao, hiểu biết về luật pháp để tư vấn cho khách hàng, có nơi người môi giới là luật sư hẳn hòi, hoặc chí ít cũng có bằng trung cấp hoặc bằng cấp chuyên môn về môi giới bất động sản. Còn ở nước ta, thực tế những người môi giới bất động sản đúng nghĩa thì ít mà làm “cò” thì nhiều, gây nhiễu thông tin thị trường. Nhiều trường hợp vì hoa hồng cao mà "cò" quên mất tiêu quyền lợi của hai bên giao dịch, dẫn đến thiệt hại cho khách hàng. Mà thiệt hại trong các giao dịch nhà đất thường có giá trị đâu có nhỏ đâu anh Tư. Đó là chưa kể kiện tụng kéo dài rất khó giải quyết.

Khi nghe Hai tui phân trần, anh Tư Cổ Cò vỗ đùi cái đét: Đã có cách chấn chỉnh loại “cò” nhà đất này rồi Hai Sài Gòn ơi. Phải đưa vào luật. Phải rạch ròi người môi giới với loại "cò" tự phát đăng bảng ngoài đường chỉ chuyên dụ dỗ, thậm chí gạt gẫm gây thiệt hại cho khách hàng. Tư tui chưa bị thiệt hại gì, nhưng cứ tức anh ách vì mấy cái tin nhắn điện thoại “xạo sự”. Nếu Luật sửa đổi Kinh doanh Bất động sản có quy định về việc hành nghề đối với những người môi giới nhà đất, chắc sẽ chấm dứt được mấy cái vụ tin nhắn lừa gạt, phải vậy không bà con?