"Người tù thế kỷ"

(VOH) - Tư hưu trí hậm hực hỏi Hai Sài Gòn “các cơ quan tố tụng xử lý oan sai người vô tội thì bắt mấy vị trực tiếp làm ra oan sai, bỏ tiền túi ra bồi thường cho người bị oan, hà cớ gì dùng tiền thuế của dân để khắc phục sai lầm từ việc lạm quyền đó”.

“Theo tôi biết báo cáo của Bộ Tài Chính, năm 2015 thì số tiền ngân sách chi bồi thường trong các trường hợp làm oan, sai đến thời điểm này là 16,4 tỷ đồng; tương đương thu nhập một năm làm việc ròng rã của khoảng 400 người Việt mình”.

Ba thợ hồ “đế” thêm “ tiền bồi thường bao nhiêu cho đủ, nỗi đau thể xác và tinh thần của người bị kết tội oan sai mười mấy năm trường đó? Tui hỏi mấy anh đâu chỉ có cá nhân người bị kết tội oan sai đau khổ đâu, mà gia đình họ, những người bị hàm oan cũng bị rơi vào bế tắc, ly tán theo”.

Rồi Ba thợ hồ quay sang hỏi Hai Sài Gòn có biết hiện nay còn bao nhiêu vụ oan sai không ? Tình thiệt, Hai tui không nắm rõ, nhưng theo Tòa Án nhân dân Tối cao thì ba năm qua, có đến 71 người bị oan và nhiều người khác có dấu hiệu bị oan đang được xem xét. Trong đó chúng ta không khỏi bàng hoàng với “nỗi oan thấu trời xanh” của vụ án Nguyễn Thanh Chấn, của 7 thanh niên bị bắt giam oan tại tỉnh Sóc Trăng, và gần đây nhất là vụ “người tù thế kỷ” Huỳnh Văn Nén.

Tư hưu trí cho rằng nghe tâm tư của ông Huỳnh Văn Nén trong ngày các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận tổ chức xin lỗi ông mà xúc động muốn rơi lệ. Ông Nén nói thế nầy “đã có người hỏi tôi, khi ở tù, có bao giờ bác nghĩ bác sẽ chết không? Tôi trả lời không, bởi tôi có niềm tin vào công lý, rằng ở đây người ta làm oan cho tôi, thì có chỗ khác minh oan cho tôi. Tôi kiên trì với điều đó và không nhận một mức ân xá, hay đặc xá nào. Tôi bảo với lòng mình, nếu ông trời không thương, không cho mình nhìn thấy công lý, ông trời bắt mình phải chết, thì cũng là chết không nhận tội. Không thể nhận tội. Và tôi đã chờ được đến ngày hôm nay rồi. Tôi được đình chỉ điều tra, tôi được trở về với gia đình, với người thân, với cuộc sống đời thường. Được trở về, đối với tôi đó là quý giá”.

Ông Huỳnh Văn Nén sau khi được minh oan - Ảnh: VNE.

Ba thợ hồ cho rằng đáng lý nỗi oan vì bị xử sai của ông Huỳnh Văn Nén đã được ngăn chặn cách đây gần 10 năm khi có đơn tố cáo của anh Nguyễn Phúc Thành, người cùng ngụ tại thị trấn Tân Minh, thủ phạm chính giết người là Nguyễn Thọ, chứ không phải ông Huỳnh Văn Nén. Cơ quan điều tra tỉnh Bình Thuận cử ông Cao Văn Hùng, điều tra viên vụ án vườn Điều và vụ giết bà Lê Thị Bông mà ông Nén đều là bị can - làm việc với người tố cáo 2 lần. Lần đầu ông Hùng gặp, nói anh người tố cáo nên rút đơn. Những nội dung ông Thành yêu cầu thì ông Hùng không ghi, mà ông ấy tự ghi. Gần nửa tháng sau, ông Hùng lên và có nói với ông Thành đơn viết “bậy bạ”. Ông Hùng nói, ông đã xác minh rồi, không có Thọ ở địa phương trong thời điểm bà Bông bị giết. Các cơ quan tố tụng của tỉnh lúc đó cũng cho là đơn tố cáo của anh Nguyễn Phúc Thành là không có cơ sở.

Phải tới khi tiến hành điều tra lại vụ án Huỳnh Văn Nén theo yêu cầu giám đốc thẩm của TAND tối cao, trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã truy tìm được nơi lẫn trốn của Nguyễn Thọ. Nguyễn Thọ biết mình không thể che giấu được tung tích nên đã ra đầu thú và nhận tội với cơ quan CSĐT công an Bình Thuận. Đó, tui hỏi mấy anh vậy chứ làm ăn kiểu tắc trách như thế có chết con người ta không ? Tội của mấy ông bà tố tụng nầy là không chịu nghe theo sách thánh hiền “nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại”. Theo tui cho mấy ông bà nầy thử vào trại giam ở 1 tuần cho biết mùi vị thế nào thôi thì tội oan sai sẽ giảm ngay.

Hai Sài Gòn phê phán anh bạn mình là tào lao bởi việc gì cũng có nguyên nhân của nó, đầu tiên là bệnh thành tích “ta đây là số 1”, mọi vụ án qua tay ta đều phải được khám phá, mà muốn vậy thì như Luật sư Trương Trọng Nghĩa - ĐBQH đoàn TP Hồ Chí Minh, cho rằng: “Nguồn gốc của oan sai chính là thói quen bạo hành thay vì đấu trí và đấu lý, não trạng “suy đoán có tội” thay vì kỹ năng nghi ngờ hợp lý và lòng công tâm”.

Thế nhưng mấy anh xem tất cả vụ án oan sai được “giải mả” đều có nhục hình vậy mà có cơ quan điều tra, cơ quan tố tụng nào nhận mình có mớm cung, có dùng nhục hình không. Theo Hai Sài Gòn điều rất mừng là tại kỳ họp vừa kết thúc, Quốc hội thông một loạt qui định mới nhằm hạn chế tối đa oan, sai như: công nhận quyền im lặng của bị can, bị cáo; bắt buộc ghi âm, ghi hình trong một số trường hợp có nguy cơ dẫn đến hành vi ép cung, mớm cung,…ở giai đoạn điều tra; tạo điều kiện cho nghi can đượp tiếp cận quyền trợ giúp pháp lý của luật sư bằng việc bỏ thủ tục “cấp giấy chứng nhận đăng ký bào chữa” thay bằng quy định “đăng ký bào chữa”, cùng nhiều giải pháp nữa. Có như thế mới hạn chế và đi tới chấm dứt tình trạng kết án oan sai.

Cả Tư hưu trí và Ba thợ hồ đều cho là thông tin mà Hai Sài Gòn vừa cung cấp làm mấy anh phấn khởi và tin vào luật pháp hơn nữa.