Tham thì thâm

(VOH) – Chính Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm khẳng định các loại tiền ảo không phải tiền tệ, không là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.

Thưa bà con! Cùng ngồi nhâm nhi cà phê sáng với anh em, bỗng Tư hưu trí “xổ nho” “Sách thánh hiền dạy rồi “biết thì nói, không biết dựa cột mà nghe” nhiều người nhà có bao nhiêu tiền gom góp lại, đã vậy còn chạy vạy đi huy động thêm tiền của bà con, hè nhau “nộp” vô đó, bây giờ thì hu hu, than vãn là bị lừa đảo”.

Ba thợ hồ chẳng biết như thế nào, nên đề nghị Tư hưu trí giải thích cụ thể là chuyện gì?”. Tư hưu trí nói mấy ngày hôm nay chuyện bà con bỏ tiền ra mua tiền ảo Ifan do Công ty Cổ phần Modern Tech địa chỉ tại lầu 9, tòa nhà Vietcomreal, đường Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, quận 1 rao bán trên mạng. Theo người dân, Ifan cam kết khi tham gia quỹ tiền ảo, nhà đầu tư sẽ được hưởng lợi nhuận thấp nhất 48%/tháng, thời gian hoàn vốn tối đa 4 tháng. Ngoài ra, nếu tìm được người vào hệ thống khách hàng sẽ được hưởng thêm 8% số tiền người mới tham gia.

Bằng “chiếc bánh vẽ” đó, Ifan dụ dỗ thành công hơn 32 ngàn người tham gia góp vốn với số tiền lên đến hơn 15 ngàn tỷ đồng, rốt cuộc bây giờ trắng tay”. 

Cty Modern Tech – “hạt nhân” trong vụ tố cáo “đường dây tiền ảo lừa 15.000 tỷ - đã ngừng hoạt động. (Ảnh: VNF)

Ba thợ hồ chép miệng “Trời ơi tới hơn 32.000 người bị lừa với số tiền hơn 15.000 tỷ đồng, ghê thiệt. Mà ai biểu không tìm hiểu kỷ, chuyện khó tin như vậy mà cũng “nhào vô”. Tui đây dân cu ly, mà thấy lợi nhuận thấp nhứt lên đến 48% là ngờ ngợ liền làm gì có chuyện dễ ăn như vậy”.

Nghe anh em bàn tán, Hai Sài Gòn tham gia “tui cũng lấy sách thánh hiền ra để nói. Ông bà mình đã dạy rồi “tham thì thâm” thôi. Cũng lợi dụng Internet làm quen qua mạng. Cả tin vào món quà tiền đô la "khủng" mà người quen qua mạng từ nước ngoài gửi về, một phụ nữ ở TP Cần Thơ đã "sập bẫy" bị lừa gần 1 tỉ đồng. Thông qua mạng, người phụ nữ này đã chuyển tiền theo yêu cầu để được nhận hàng. Ngay ngày hôm sau, bọn lừa đảo này tiếp tục gọi cho nạn nhân nói hải quan phát hiện số lượng lớn ngoại tệ trong thùng hàng và buộc nạn nhân chuyển thêm 3.500 đô la Mỹ. Sau khi chuyển tiền, bọn lừa đảo lại gọi nói phải chờ lãnh đạo hải quan ký, sau đó lại lấy lý do số ngoại tệ quá lớn 1 triệu 400 ngàn đô la Mỹ nếu không có chứng từ gốc thì phải chi 10.500 đô la Mỹ cho hải quan để nhận hàng.

Nghe số tiền quá lớn người phụ nữ này tối mắt, tiếp tục chuyển số tiền trên để được nhận số tiền khủng. Cuối tháng 3 vừa qua, bọn lừa đảo điện thoại kêu người phụ nữ này lên TPHCM để nhận hàng. Đến nơi, tên lừa đảo mở vali cho xem bên trong có nhiều cọc giấy hình dạng giống cọc tiền, rút ra 3 tờ, rồi lấy một loại nước đổ vào tờ giấy "hô biến" thành tờ 100 đô la Mỹ, với lời giải thích làm vậy để che mắt mọi người, giờ phải mua một loại hóa chất đổ vào thì số hàng kia mới "hiện nguyên hình" thành tiền đô la Mỹ. Bán tín bán nghi người phụ nữ này đến cơ quan công an tố cáo và cuối cùng thì nhóm người nước ngoài này lộ nguyên hình lừa đảo và bị “tó” ngay”

Ba thợ hồ vỗ tay mừng rỡ cho người phụ nữ này là “may quá, nếu không thì chị phụ nữ này mất toi gần cả tỷ đồng”.

Tư hưu trí chép miệng “thiệt tình không hiểu sao bà con mình cả tin như vậy? Tui chắc chắn những người bị lừa đảo qua mạng là những người hiểu biết về mạng, mua bán qua mạng không nhiều, nên mới bị lừa”.

Hai Sài Gòn cho là không hẳn như vậy, chẳng qua là thủ đoạn lừa đảo của những người lợi dụng mua bán qua mạng. Cụ thể trong vụ tiền ảo Ifan thì  Ifan và Pincoin khi công bố đều được gắn mác là tiền quốc tế được thành lập tại Singapore hay Ấn Độ. Nhưng theo thống kê của Similarweb tháng 12/2017, 91% lượt truy cập vào iFan.io (website chính của đồng tiền này) đến từ Việt Nam. Thủ đoạn họ là gì? Xin thưa để tăng tính hấp dẫn, Modern Tech đã liên tục thông báo về kết quả huy động vốn cho đồng tiền ảo Ifan lập kỷ lục "cháy hàng", đưa ra các gói thưởng định kỳ hàng ngày, tuần và tháng hấp dẫn. Thậm chí cả những phần thưởng hiện vật lớn cho những người đứng đầu các nhánh, đồng thời thông báo lượng người tham gia lên đến hàng trăm nghìn. Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn trả lãi bằng tiền thật như cam kết, Modern Tech thay đổi phương thức trả lãi sang tiền ảo, đồng thời tăng hạn mức đầu tư tối thiểu để rút lợi nhuận để "ép" nhà đầu tư rót thêm tiền. Nhiều người bị mắc kẹt không chỉ với lợi nhuận mà cả phần vốn gốc ban đầu. Gần đây các giao dịch trực tuyến liên quan các đồng tiền ảo này đã đóng lại, không còn dấu vết để truy xuất nguồn gốc.

 Tư hưu trí nhận định “rõ ràng đây là một vụ lừa đảo, phải nghiêm trị bọn này và đặc biệt là cảnh báo bà con mình cảnh giác với bọn lừa đảo qua mạng”.

Hai Sài Gòn trả lời “rốp rẻng”: “Rồi UBND TPHCM chỉ đạo công an vào cuộc điều tra người dân bị lừa mua Ifan và Pincoin”.

Tư hưu trí thắc mắc “Tại sao đến thời điểm mầy tui cũng thấy trên mạng còn đầy quảng cáo “Giao dịch Bincoin tức thì, kiếm lời nhiều hơn nhờ đòn bẩy”

Hai Sài Gòn cho biết chính Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Thanh  Liêm khẳng định các loại tiền ảo không phải tiền tệ, không là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Người nào dùng Ifan, Pincoin để giao dịch sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Ông nhấn mạnh về trách nhiệm đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động tiền tệ, lãnh đạo thành phố yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý nghiêm vi phạm và hạn chế tối đa rủi ro xảy ra với người dân, doanh nghiệp.

Tư hưu trí, Ba thợ hồ cùng bà con trong quán cà phê nghe Hai Sài Gòn thông tin ai cũng cảm thấy nhẹ cả người. Ba thợ hồ “túm” lại “đây là bài học đắc giá cho những ai “tham thì thâm”.