“Xe vua” – Ai cũng biết trừ cơ quan chức năng

(VOH) - Thưa bà con! Không biết tối qua nhà cựu chiến binh Bảy Nghiệp có gì mà thấy anh rất phấn khởi, mới sáng sớm vừa bước tới quán cà phê anh đã cất giọng “oanh vàng khàn khàn” hát vang: “Ai cũng biết, chỉ một người không biết” khiến anh em trong bàn cà phê ôm bụng cười ngất.

Thấy vậy Tư hưu trí “kê” liền: chuyện gì mà một người không biết - Người đó là ai ? Cựu chiến binh Bảy Nghiệp cười mỉm và trả lời - là chuyện xe vua, xe quá tải chạy ngông nghênh trên đường một cách vô tư, Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông, thấy và biết vi phạm rõ ràng mà không phạt, không “cho ăn biên bản”. Vui chưa?

Có một số anh em ngồi cùng bàn cà phê không hiểu "xe vua" là xe gì, ở đâu có "xe vua", nên thắc mắc hỏi. Được “sự phân công” của bàn cà phê, Hai Sài Gòn giải thích: Vấn nạn “xe vua” không phải đến nay mới có, nó kéo dài từ lâu rồi, đồng thời cũng gây ra không ít tai họa, đó là những xe ben, xe tải “khủng” chở quá tải tới 200-300% tải trọng cho phép, bất chấp luật pháp, chạy bạt mạng khắp nơi cùng chốn, chẳng những gây ra tai nạn giao thông mà còn trực tiếp làm đường xá hư hại. Chuyện "xe vua" thì ai cũng biết, chủ "xe vua" không phải là chủ một chiếc mà tối thiểu cũng 5, 6 chiếc. Chủ xe là ai, không ai nhận, nhưng bà con hàng xóm, các bác tài chuyên nghiệp, mấy doanh nghiệp vận tải hàng hóa đều biết hết.

Theo cánh tài xế xe tải, cũng như các chủ doanh nghiệp vận tải thì ở một số quận huyện của TP HCM có một số đoàn "xe vua" thường vận chuyển vật liệu xây dựng là người nhà của mấy quan chức có trách nhiệm tới giao thông và vận tải địa phương… Ngoài ra Hai Sài Gòn còn biết TP có 3 đoàn “xe vua” lớn nhất là Tr.L, H.L và L.V. Ký hiệu đoàn xe được gắn phía trước đầu xe bên trái hay trên cabin với dòng chữ to và số điện thoại, tùy theo thỏa thuận giữa chủ các "xe vua" với các lực lượng bảo vệ an toàn giao thông. Khi thấy những ký hiệu này, các lực lượng chức năng rất ít dừng xe để kiểm tra. Còn xe nào không nằm trong hàng "xe vua" thì gọi là xe mồ côi, dạng xe này bị kiểm tra liên tục, mọi lúc mọi nơi chỉ có nước dẹp tiệm thôi.

Lạ một điều là các ngành chức năng quản lý giao thông, vận tải trên địa bàn mình phụ trách đều khẳng định là không hề có “xe vua”. Ông Lê Hồng Việt - Phó Thanh tra Sở Giao thông Vận tải TP.HCM - cho biết có nghe dư luận nói về “xe vua”. Từ phản ảnh của dân, cơ quan này thực hiện kiểm tra một số xe bị nghi ngờ là “xe vua” nhưng không phát hiện gì. Ông này nói: “Theo tôi, không có chuyện “xe vua” hoạt động chở hàng quá tải trên đường. Trạm cân hoạt động 24/24 giờ, các nhân viên Thanh tra giao thông và CSGT liên tục làm việc không nghỉ, kể cả lúc ăn trưa hoặc giao ca. Các lực lượng thanh tra luôn đột xuất giám sát trạm cân này. Tại khu vực các trạm cân xe còn có người dân, dễ gì qua mặt họ” - Theo thiếu tá Lâm Quốc Quang - Phó đội trưởng Đội CSGT Tân Sơn Nhất, từ trước đến nay, Ban chỉ huy đội chưa nghe người dân phản ảnh về tình trạng xe ben chạy tốc độ cao trên địa bàn do đội quản lý. Không có việc CSGT “bảo kê” để xe ben chạy nhanh như người dân phản ảnh. Tuy nhiên, Ban chỉ huy đội vẫn sẽ cử trinh sát nắm tình hình và xử lý triệt để nếu có tình trạng này. Còn thiếu tá Trần Minh Quang, đội trưởng Đội CSGT Bàn Cờ, cho biết đội thường xuyên lập chốt kiểm tra chống đua xe gắn máy vào ban đêm tại khu vực gần cầu Công Lý. Khi nhìn thấy tổ CSGT đang trực tại đây, cánh tài xế xe ben chạy ngang tỏ ra rất trật tự, họ không vi phạm nên tổ CSGT không thể xử lý được.


Nhiều xe ben vẫn thường nối đuôi chạy với tốc độ cao đổ dốc cầu Công Lý (ảnh chụp đêm 29/7) - Ảnh: TTO.

Nghe Hai Sài Gòn thông tin, anh em trong bàn cà phê đều giãy nảy lên “Vậy thì biết tin ai ? Ai sẽ làm trọng tài phân xử đây ?" Tư hưu trí là người nhanh nhẩu nhứt, đưa chứng cứ của 2 vị chức sắc có trọng trách trong ngành vận tải khi nói về việc có tình trạng có "xe vua" hay không. Thứ nhứt là ông Nguyễn Văn Thanh - chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam. Theo lời ông Thanh, vấn nạn xe quá tải không chỉ làm hư hỏng hệ thống đường bộ, còn tạo môi trường kinh doanh vận tải bất bình đẳng, doanh nghiệp kinh doanh đứng đắn chịu thiệt thòi. Theo Ông Thanh hầu như địa phương nào cũng có 1 đoàn "xe vua" được bảo lãnh bởi lãnh đạo tại địa phương đó. Thứ nhì là chính Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng ngày 1/8 tại sơ kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông tháng 7 và nhiệm vụ tháng 8/2014. Khi tranh luận với Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt về việc có “bảo kê” cho xe quá tải hay không ? Bộ trưởng Đinh La Thăng nói: "Tôi không nắm rõ định nghĩa về “xã hội đen” của ngành công an, nhưng chuyện chỉ cần dán một phù hiệu lên xe là chạy vô tư mà không bị ai kiểm soát là xã hội gì? Phù hiệu không phải của Bộ Giao thông Vận tải, không phải của Bộ Công an, nhưng dán lên xe là đi được. Hành vi này nằm ngoài hệ thống pháp luật của Việt Nam. Chỉ cần một lực lượng bảo kê, dẫn đường là cả đoàn xe ung dung đi, cả chính quyền và lực lượng công an, thanh tra tê liệt. Cả đoàn xe được chụp ảnh lại, có biển số xe, có phù hiệu hẳn hoi mà vẫn bảo là không có, không biết gì là tại sao ?...”.

Anh em trong bàn khoái chí quá vì ít ra có ông Bộ trưởng xác nhận là có tình trạng bao che, bảo kê cho xe chở quá tải hay còn gọi là "xe vua" là anh em sướng cái lỗ nhĩ rồi. Anh em hỏi Hai Sài Gòn là chuyện chống dẫn đến xóa bỏ tệ "xe vua" liệu có đạt hiệu quả không. Quả tình Hai Sài Gòn cũng không biết sẽ “ra sao ngày sau”, nhưng tại kỳ họp thường kỳ tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo quyết liệt và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng phát động chiến dịch chống xe quá tải, chống nạn bảo kê xe quá tải…

Từ thực tiễn của tình hình giao thông vận tải xứ mình, Hai Sài Gòn nhận thấy như vầy: nhiều năm qua, các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương cũng liên tục mở các đợt ra quân kéo giảm tai nạn giao thông. Kỳ này có sự chỉ đạo của Thủ tướng, có sự “xuất chiêu” của ông tư lệnh ngành Giao thông vận tải, do đó, nếu không dẹp được “xe vua” thì quyết tâm ấy vẫn chỉ là “lời nói gió bay”, không thể làm xoay chuyển được thực tiễn hiện nay.

Thôi thì hãy chờ đấy.