Picture of the author
Picture of the author
SGK CTST Khoa Học Tự Nhiên 6»Lực»Bài 36: Tác dụng của lực

Bài 36: Tác dụng của lực

Lý thuyết tác dụng của lực Khoa học tự nhiên 6 bộ sách chân trời sáng tạo. Nay chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu lý thuyết và bài tập minh họa một cách đầy đủ, dễ hiểu.

Xem thêm

A. Lý Thuyết

Chúng ta không nhìn thấy lực nhưng có thể nhìn thấy và cảm nhận được kết quả tác dụng của lực.

1. Lực tác dụng làm thay đổi trạng thái chuyển động của vật:

  • Vật đang đứng yên thì chuyển động. 
  • Vật đang chuyển động thì dừng lại.
  • Vật chuyển động nhanh dần. 
  • Vật chuyển động chậm dần.
  • Vật đang chuyển động theo hướng này bỗng chuyển động theo hướng khác.

🡪 Lực tác dụng lên vật làm vật thay đổi tốc độ và hướng chuyển động.

bai-36-tac-dung-cua-luc-1

2. Lực tác dụng làm vật bị biến dạng

bai-36-tac-dung-cua-luc-2

B. Câu hỏi vận dụng

Câu 1. Quan sát hình bên và cho biết tác dụng của lực.

bai-36-tac-dung-cua-luc-3

bai-36-tac-dung-cua-luc-4

Lấy ví dụ minh họa cho sự biến đổi chuyển động của vật dưới tác dụng của lực.

Hướng dẫn:

Hình 1, lực do vợt tác dụng vào cầu lông làm cầu lông đổi hướng chuyển động và thay đổi tốc độ.

Hình 2, lực do tay cầu thủ tác dụng lên quả bóng làm quả bóng đang chuyển động bị dừng lại.

Hình 3, lực bóp của tay đã làm cho miếng chanh bị biến dạng.

Hình 4, lực cản của không khí tác dụng lên dù làm dù biến dạng (căng phồng). Người nhảy dù sẽ tăng tốc hay giảm tốc tùy thuộc vào độ lớn của lực cản không khí và trọng lực.

Ví dụ: Một tờ giấy vo tròn đang rơi, trọng lực tác dụng lên tờ giấy làm nó chuyển động nhanh dần. Sau đó, quạt gió thổi vào đã làm nó thay đổi hướng chuyển động.

Câu 2. Cho các từ: tốc độ, hướng, biến dạng, đẩy, kéo. Hãy chọn từ thích hợp điền vào chỗ trống:

a. Lực là tác dụng (1) … hoặc (2) … của vật này lên vật khác.

b. Lực có thể làm thay đổi (3) … chuyển động của vật.

c. Lực có thể làm vật bị (4) … 

d. Lực có thể làm thay đổi (5) … của vật.

Hướng dẫn:

  1. (1) đẩy; (2) kéo
  2. (3) hướng
  3. (4) biến dạng
  4. (5) tốc độ

C. Bài tập đề nghị:

Câu 1: Lấy ví dụ, lực làm một vật đang đứng yên thì chuyển động. 

Câu 2: Lấy ví dụ về tình huống lực làm thay đổi hướng chuyển động.

Câu 3: Lấy ví dụ về lực tác dụng lên một vật làm vật bị biến dạng.

Câu 4: Một học sinh đá vào quả bóng cao su đang nằm yên trên mặt đất. Điều gì sẽ xảy ra?

Câu 5: Chọn phát biểu sai. 

  1. Cần có lực tác dụng để làm thay đổi hướng chuyển động của vật. 
  2. Mọi vật đều sẽ chuyển động chậm dần mà không cần lực nào tác dụng.
  3. Mọi vật rơi, chuyển động của nó là nhanh dần vì chịu lực tác dụng.
  4. Cần có lực để thay đổi hình dạng của vật.

Câu 6: Phát biểu nào sau đâỵ không đúng? Lực là nguyên nhân làm cho vật

  1. chuyển động.
  2. thay đổi hướng chuyển động.
  3. thay đổi tốc độ chuyển động. 
  4. bị biến dạng.

Câu 7. Một quả bóng nằm yên được tác dụng một lực đẩy, khẳng định nào sau đây đúng?

  1. Quả bóng chỉ bị biến đổi chuyển động.
  2. Quả bóng chỉ bị biến đổi hình dạng.
  3. Quả bóng vừa bị biến đổi hình dạng, vừa bị biến đổi chuyển động.
  4. Quả bóng không bị biến đổi.

Câu 8: Người ta dùng búa để đóng một cái cọc tre xuống đất. Lực mà búa tác dụng lên cọc tre sẽ gây ra những kết quả gì?

  1. Chỉ làm biến đổi chuyển động cọc tre.
  2. Không làm biến dạng và cũng không làm biến đổi chuyển động của cọc tre. 
  3. Chỉ làm biến dạng cọc tre.
  4. Vừa làm biến dạng cọc tre, vừa làm biến đổi chuyển động của nó.

Câu 9: Chuyển động của các vật nào dưới đây không bị biến đổi?

  1. Xe ô tô đang chuyển động với tốc độ không đổi trên một đường thẳng.
  2. Một con châu chấu đang đậu trên một chiếc lá lúa, bỗng đập càng nhảy và bay đi.
  3. Một chiếc xe đạp đang đi, bỗng bị hãm phanh, xe dừng lại.
  4. Một chiếc xe máy đang chạy, bỗng được tăng ga, xe chạy nhanh lên.

Câu 10. Khi có một lực tác dụng lên quả bóng đang chuyển động trên sân thì tốc độ của quả bóng sẽ

  1. không thay đổi.
  2. tăng dần.
  3. giảm dần.
  4. tăng dần hoặc giảm dần.
Hướng dẫn giải bài tập đề nghị

Câu 1. Lực do chân cầu thủ tác dụng vào quả bóng làm quả bóng đang đứng yên thì chuyển động.

bai-36-tac-dung-cua-luc-6

Câu 2. Lực từ vợt làm thay đổi hướng chuyển động của quả bóng.

Câu 3.

- Dùng tay nặn đất sét, đất sét bị biến dạng.

- Dùng tay vò giấy, giấy bị biến dạng.

bai-36-tac-dung-cua-luc-5

Câu 4. Một học sinh đá vào quả bóng cao su đang nằm yên trên mặt đất thì quả bóng sẽ biến dạng và thay đổi tốc độ.

Câu 5. Chọn B. Mọi vật đều sẽ chuyển động chậm dần mà không cần lực nào tác dụng.

Giải thích: Nếu không có lực nào tác dụng vật sẽ giữ nguyên tốc độ và hướng chuyển động mãi mãi.

Câu 6. Chọn A. Lực là nguyên nhân làm cho vật chuyển động.

Giải thích: Lực là nguyên nhân làm thay đổi chuyển động.  Ví dụ: Bạn Sa đang đạp xe trên đường, nếu bạn ấy ngừng đạp thì xe vẫn tiếp tục chuyển động.

Câu 7. Chọn C. Quả bóng vừa bị biến đổi hình dạng, vừa bị biến đổi chuyển động.

Câu 8. Chọn D. Vừa làm biến dạng cọc tre, vừa làm biến đổi chuyển động của nó.

Câu 9. Chọn A. Xe ô tô đang chuyển động với tốc độ không đổi trên một đường thẳng.

Giải thích: Chuyển động không đổi vì: 

  • tốc độ không đổi
  • hướng không đổi

Câu 10. Chọn D. tăng dần hoặc giảm dần

Giải thích: Lực tác dụng vào quả bóng có thể là lực cản hoặc lực phát động.  


GV BIÊN SOẠN: PHÙNG THỊ TUYẾT

ĐƠN VỊ: Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến

Tác giả: Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến - Tổ Vật Lý

Bài 35: Lực và biểu diễn lực
Bài 37: Lực hấp dẫn và trọng lượng