Picture of the author
Picture of the author
SGK CTST Ngữ Văn 7»Bài 1: Tiếng Nói Của Vạn Vật (Thơ Bốn Ch...»Bài 3: Sang thu - Hữu Thỉnh

Bài 3: Sang thu - Hữu Thỉnh

Nội dung bài Sang thu - Hữu Thỉnh văn 7 bộ SGK CTST bao gồm bố cục, hoàn cảnh sáng tác, giá trị nội dung, nghệ thuật và tóm tắt nội dung một cách đầy đủ, dễ hiểu.

Xem thêm

I. Trải nghiệm cùng văn bản

1. Đọc

2. Tác giả, tác phẩm

a. Tác giả

Hữu Thỉnh (sinh năm 1942) tên thật là Nguyễn Hữu Thỉnh bút danh là Vũ Hữu.

Quê quán: Quê ở Tam Dương, Vĩnh Phúc.

sang-thu-van7
Nhà thơ Hữu Thỉnh

Năm 1963 ông nhập ngũ rồi trở thành cán bộ tuyên huấn trong quân đội và bắt đầu sáng tác thơ.

Ông là nhà thơ trưởng thành vào thời kì hòa bình.

Phong cách nghệ thuật: Ông là người viết nhiều, viết hay về con người và cuộc sống ở nông thôn. Thơ ông giản dị nhưng vô cùng tinh tế và sâu sắc.

b. Tác phẩm

Hoàn cảnh ra đời: Bài thơ ra đời gần cuối năm 1977 khi đất nước mới thống nhất hòa bình, - Xuất xứ: in trong tập “Từ chiến hào đến thành phố”, xuất bản năm 1991.

Bố cục (3 phần)

  • Khổ 1: Cảm nhận về thiên nhiên lúc giao mùa, tín hiệu báo thu về.
  • Khổ 2: Cảm nhận về quang cảnh trời đất lúc vào thu.
  • Khổ 3: Những biến chuyển âm thầm của tạo vật và suy ngẫm về cuộc đời người lúc chớm thu.

Thể loại: thơ năm chữ

Phương thức biểu đạt: biểu cảm kết hợp miêu tả

II. Suy ngẫm và phản hồi

1. Thời điểm miêu tả bức tranh thiên nhiên

Bài thơ tả cảnh thiên nhiên vào khoảnh khắc giao mùa giữa mùa hạ sang mùa thu.

Dấu hiệu nhận biết:

  • Nhan đề: Sang thu gợi lên được thời điểm và khung cảnh mà tác giả khắc họa trong bài thơ. Sang thu là sự chuyển giao của đất trời từ hạ sang thu và cũng là sự biến chuyển của lòng người.
  • Những tín hiệu qua các từ ngữ, hình ảnh thiên nhiên: Sương chùng chình qua ngõ; Chim bắt đầu vội vã; Vẫn còn bao nhiêu nắng; Đã vơi dần cơn mưa
sang-thu-van7-1
Thiên nhiên sang thu

2. Cách miêu tả chuyển động của thiên nhiên

Những từ ngữ, hình ảnh miêu tả những chuyển động của thiên nhiên trong bài thơ: Hương ổi phả vào trong gió se, sương chùng chình, chim vội vã, đám mây vắt nửa mình, cơn mưa vơi dần.

Qua cách miêu tả đó: người đọc cảm nhận được sự tinh tế, nhạy cảm trong tâm hồn nhà thơ khi kết hợp nhiều giác quan như xúc giác, thính giác, thị giác,... để cảm nhận thiên nhiên.

3. Cách ngắt nhịp, gieo vần

Ngắt nhịp: Nhịp thơ linh hoạt 3/2, 2/3

→ Tác dụng: Góp phần thể hiện chút xao xuyến, bâng khuâng của nhà thơ khi bất chợt nhận ra sự chuyển động mơ hồ của thiên nhiên từ hạ sang thu.

Gieo vần: Gieo vần chủ yếu là vần chân (se-về, vã-hạ)

→ Tác dụng: Tạo sự liên kết giữa các dòng thơ, câu thơ và tạo nhạc điệu cho bài thơ.

4. Chủ đề, thông điệp

Chủ đề: Qua việc miêu tả sự chuyển mình của đất trời từ cuối mùa hạ sang thu, bài thơ thể hiện cảm nhận tinh tế của tác giả thiên nhiên, những suy ngẫm về bước đi của thời gian.

Thông điệp của tác giả muốn gửi gắm: Cần biết lắng nghe, cảm nhận thiên nhiên bằng tất cả các giác quan để đón nhận những món quà vô giá thiên nhiên.

5. Ý nghĩa nhan đề

Sang thu: nhan đề thể hiện được khoảnh khắc giao mùa từ hạ sang thu. Nhan đề này còn bộc lộ những cảm nhận tinh tế của Hữu Thỉnh về sự chuyển mình của đất trời trong khoảnh sang thu.  

Thu/Mùa Thu: nhan đề thể hiện được không khí và thiên nhiên đất trời của mùa thu.

→ Nhận xét: Ta không thể thay nhan đề Sang thu được đổi thành Thu hay Mùa thu bởi toàn bộ bài thơ này tập trung miêu tả khoảnh khắc đất trời chuyển mình từ hè sang thu.

6. Cách quan sát, cảm nhận thiên nhiên của tác giả Hữu Thỉnh

Cách cảm nhận

  • Nhà thơ đã mở rộng tầm quan sát lên chiều cao (chim), chiều rộng (mây) và chiều dài (dòng sông). Tác giả đã quan sát vạn vật bằng cả thính giác, thị giác, xúc giác và khứu giác.
  • Nhà thơ có những cảm nhận tinh tế nhất về sự thay đổi của đất trời. Phải chăng có sợi tơ duyên đồng cảm giữa con người với thiên nhiên đang vào thu. Qua cách cảm nhận ấy, ta thấy Hữu Thỉnh có một hồn thơ nhạy cảm, yêu thiên nhiên tha thiết, một trí tưởng tượng bay bổng.

Qua bài thơ chúng ta học được từ nhà thơ Hữu Thỉnh rất nhiều bài học bổ ích khi quan sát, cảm nhận thiên nhiên. Đầu tiên, chúng ta phải có tấm lòng say mê với vạn vật, một tình yêu thiên nhiên tha thiết và sâu sắc. Chúng ta hãy quan sát từng sự vật, hiện tượng thiên nhiên bằng nhiều giác quan và góc độ khác nhau, không nên bó hẹp vào những góc nhất định mà hãy mở rộng tầm mắt để cảm nhận được nhiều vẻ đẹp hơn.

III. Tổng kết

1. Nội dung

Bài thơ là những cảm nhận thực sự tinh tế cùng sự quan sát vô cùng tỉ mỉ của tác giả về sự biến chuyển của đất trời từ cuối mùa hạ sang thu. Từ đó bộc lộ tình yêu thiết tha với thiên nhiên của một tâm hồn nhạy cảm và sâu sắc.

2. Nghệ thuật

Bài thơ viết theo thể thơ năm chữ, sử dụng rất nhiều những hình ảnh sinh động hấp dẫn, cảnh tượng được miêu tả tự nhiên chân thực, ngôn ngữ thơ trong sáng, giản dị, gợi nhiều cảm xúc.

IV. Luyện tập, củng cố, mở rộng

Câu 1: Câu hỏi trắc nghiệm

1. Thơ Hữu Thỉnh thể hiện điều gì?

  1. Thể hiện sự hàm súc, triết lý.
  2. Thể hiện sự chân thành của một người con yêu tha thiết quê hương mình qua những sự vật bình dị, gần gũi với cuộc sống.
  3. Thường có những liên tưởng độc đáo thể hiện những suy tư giàu chất nhân văn và cái nhìn mang màu sắc triết lý về cuộc sống.
  4. Thường thể hiện sự mộc mạc, dân dã, chân chất, hồn nhiên của người dân quê.

2. Bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh viết về thời điểm sang thu ở vùng nào?

  1. Vùng Bắc Bộ.
  2. Vùng Nam Trung Bộ.
  3. Vùng Tây Nguyên.
  4. Vùng Đông Nam Bộ.

3. Bài thơ Sang thu có giọng thơ và cảm xúc như thế nào?

  1. Trang trọng, thiết tha, thành kính.
  2. Sôi nổi, tươi vui.
  3. Nhẹ nhàng, trầm lắng, suy tư.
  4. Thiết tha, rạo rực.

4. Trong khổ thơ đầu của bài thơ Sang thu, những tín hiệu nào của thiên nhiên cho thấy đã sang thu?

  1. Hương ổi, gió se, sương.
  2. Gió se, lá thu rơi.
  3. Sương, gió se, mưa.
  4. Hương ổi, gió se, nắng.

5. Trong khổ thơ thứ hai của bài thơ Sang thu, tác giả đã ghi lại những chuyển biến của đất trời sang thu trong không gian như thế nào?

  1. Không gian dài nhưng hẹp.
  2. Không gian hài hòa màu sắc, ánh sáng, tạo nên hình ảnh mùa thu rất đẹp.
  3. Không gian vô biên, hoang sơ và hiu quạnh.
  4. Không gian rộng lớn, bao la,...

6. Giọng thơ ở khổ thơ thứ ba trong bài thơ Sang thu có gì đặc biệt?

  1. Giọng thơ chậm rãi, có gì trầm lắng, thiết tha.
  2. Giọng thơ trầm hẳn xuống, câu thơ không chỉ đơn thuần là kể, tả, cảm nhận thông thường mà còn phảng phất suy tư, chiêm nghiệm.
  3. Giọng thơ dõng dạc, điệu thơ như khúc hát say mê, hào hứng, phơi phới.
  4. Giọng thơ vừa trang nghiêm, sâu lắng, vừa tha thiết, tự hào về trời đất khi sang thu.

7. Hai câu thơ: Sương chùng chình qua ngõ/Hình như thu đã về sử dụng phép tu từ nào?

  1. Nói quá.
  2. Ẩn dụ.
  3. Nhân hóa.
  4. Hoán dụ.

8. Từ hình như trong câu thơ Hình như thu đã về tạo ra cảm giác gì?

  1. Vừa tạo cảm giác mong manh chưa rõ ràng, vừa gợi ra cái bâng khuâng, ngỡ ngàng trước sự giao thoa của tạo hóa.
  2. Tạo cảm giác bâng khuâng, xao xuyến trước sự giao thoa giữa mùa hạ và mùa thu.
  3. Tạo cảm giác buồn bã, sợ hãi khi mùa thu về.
  4. Tạo cảm giác vui mừng, phấn khởi khi mùa thu về.

9. Từ vắt trong câu thơ Vắt nửa mình sang thu trong bài thơ Sang thu diễn tả được điều gì?

  1. Diễn tả được sự chuyển mình nhanh chóng từ mùa hạ sang mùa thu.
  2. Diễn tả sự bâng khuâng, xao xuyến của tác giả khi mùa thu đến...
  3. Diễn tả được quá trình chuyển mình của mùa thu rất mềm mại, nhẹ nhàng, uyển chuyển.
  4. Diễn tả sự bồi hồi, luyến tiếc khi phải chia tay mùa hạ đón mùa thu.

10. Hàng cây trong câu thơ Hàng cây đứng tuổi trong bài thơ Sang thu sử dụng biện pháp tu từ nào?

  1. So sánh, nhân hóa.
  2. Nhân hóa, hoán dụ.
  3. Nhân hóa, ẩn dụ.
  4. Hoán dụ, nói quá.

11. Bài thơ Sang thu gửi đến thông điệp gì?

  1. Bức thông điệp về mùa thu, được diễn tả bằng sự rung cảm tinh tế, những trải nghiệm sâu sắc của nhà thơ.
  2. Bức thông điệp lúc giao mùa, mùa hạ dần qua, mùa thu tới, khoảnh khắc ấy được diễn tả bằng sự rung cảm tinh tế, những trải nghiệm sâu sắc của nhà thơ.
  3. Bức thông điệp lúc mùa thu về và những nét đặc trưng của mùa thu, được diễn tả bằng sự rung cảm tinh tế, những trải nghiệm sâu sắc của nhà thơ.
  4. Bức thông điệp về mùa thu và những nét đặc trưng của mùa thu miền Bắc được diễn tả bằng sự rung cảm tinh thế, những trải nghiệm sâu sắc của nhà thơ

12. Nghệ thuật đặc sắc của bài thơ Sang thu là gì?

  1. Ngôn từ giản dị, sử dụng thể thơ năm chữ dễ nhớ, dễ thuộc, tạo được sự hấp dẫn, lôi cuốn người đọc, người nghe.
  2. Hình ảnh thơ sáng tạo, sử dụng phép tu từ so sánh, ẩn dụ linh hoạt, hình ảnh thơ chọn lọc, đặc sắc làm cho thời tiết lúc giao mùa hiện lên rõ nét hơn.
  3. Sáng tạo những hình ảnh quen thuộc mà vẫn mới mẻ, gợi cảm làm cho bức tranh mùa thu trờ nên sống động, lôi cuốn.
  4. Ngôn từ giản dị, giàu chất tạo hình, có những liên tưởng bất ngờ, độc đáo, tứ thơ sinh động, hình ảnh thơ chọn lọc, đặc sắc của thời tiết lúc giao mùa.
Đáp án câu hỏi trắc nghiệm

1 - B

2 - A

3 - C

4 - A

5 - D

6 - B

7 - C

8 - A

9 - C

10 - C

11 - B

12 - D

Câu 2: Chọn một từ ngữ trong bài thơ mà em cho là hay nhất. Viết ít nhất một câu để giải thích cho sự lựa chọn của em.

Hướng dẫn trả lời:

  • Từ: Vắt. Từ “vắt” chỉ trạng thái lơ lửng của đám mây như một cây cầu bắc ngang mùa hạ để bước đến cánh cửa của mùa thu. Nửa mình như vẫn giữ lại chút hương vị của mùa hạ nhưng nửa còn lại đã rướn mình hòa vào trời thu. Dải lụa mây phất phơ trong sự cao ngần của nền trời ấy là “tín vật” đẹp đẽ trong khoảnh khắc chuyển giao từ mùa hạ sang thu trước sự chứng kiến của thiên nhiên đất trời và lòng người. 
  • Từ: Phả. Từ “phả” là một động từ có sắc thái mạnh dùng để diễn tả sự chủ động như đã đợi sẵn để được lan tỏa trong không gian của hương ổi.

Nguyễn Tiến Lực (Giáo viên Trung tâm Đức Trí – Quận Bình Tân)

Tác giả: Nguyễn Tiến Lực

Bài 2: Lời của cây - Trần Hữu Thung
Bài 4: Ông Một - Vũ Hùng