Picture of the author
Picture of the author
SGK Ngữ Văn 11»2»Bài 63: Tràng Giang

Bài 63: Tràng Giang

Nội dung bài Tràng Giang - Huy Cận Văn 11 bộ SGK bao gồm bố cục, hoàn cảnh sáng tác, giá trị nội dung, nghệ thuật và tóm tắt nội dung một cách đầy đủ, dễ hiểu.

Xem thêm

I. Tìm hiểu chung

1. Tác giả Huy Cận

Ông là gương mặt tiêu biểu của thơ ca Việt Nam hiện đại, là tên tuổi xuất sắc trong phong trào Thơ mới.

Thơ của ông hàm súc, giàu suy tưởng triết lý.

2. Bài thơ Tràng giang

trang-giang

a. Xuất xứ: in trong tập “Lửa thiêng” (1940).

b. Vị trí: Tràng giang là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất của Huy Cận in trong tập “Lửa thiêng”.

II. Đọc hiểu văn bản

Chú ý đặc trưng của thơ trữ tình

→ Tâm trạng và cảm xúc của nhân vật trữ tình:

  • Một cái tôi cô đơn trước thiên nhiên mênh mông hiu quạnh.
  • Một cái tôi thấm đượm nỗi sầu nhân thế và tấm lòng yêu nước thầm kín.

Câu thơ đề từ “Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài”: bao quát được cảm hứng chủ đạo của bài thơ - cảm hứng không gian.

1. Khổ 1: Một không gian mênh mông

Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,

Con thuyền xuôi mái nước song song,

Thuyền về nước lại sầu trăm ngả;

Củi một cành khô lạc mấy dòng.

Câu thơ đầu tiên mở ra một không gian mênh mông:

  • Tràng giang là hình ảnh mở ra một không gian bao quát của vũ trụ, là từ Hán Việt mang sắc thái trang trọng, cổ kính, có nghĩa chỉ con sông dài.
  • Bên cạnh đó phụ âm “ang” có tính chất ngân vang, tạo nên độ rộng mở, tạo cảm giác mênh mang → gợi ấn tượng về một con sông dài và rộng.

Trong không gian đó xuất hiện những hình ảnh: sóng, con thuyền, củi khô → những hình ảnh mang tính chất vừa cổ điển vừa hiện đại:

  • Sóng và thuyền là những hình ảnh quen thuộc trong thơ ca cổ điển: sóng + gợn → diễn tả sự chuyển động nhẹ nhàng; con thuyền + xuôi mái → là trạng thái con thuyền trôi theo dòng nước. Mặt khác, hình ảnh “con thuyền” còn được đặt trong mối tương quan với dòng nước, “thuyền về nước lại” → cách sử dụng từ ngữ đăng đối, kết hợp với từ láy “song song” mang đến cảm nhận về sự vận động sóng đôi giữa thuyền và nước, từ đó gợi lên sự hững hờ, xa cách, chia ly trong cảnh vật.
  • Bên cạnh đó, hình ảnh “củi một cành khô” xuất hiện giữa không gian làm cho tứ thơ mang nét hiện đại. Cách đảo ngữ đã làm nổi bật hình ảnh cành củi khô trôi nổi, lạc loài trên dòng nước. Hình ảnh gợi cảm nhận về những kiếp người cô đơn, lạc loài trôi nổi giữa dòng đời.

Ngoài ra, trong khổ thơ ta thấy, tác giả đã trực tiếp diễn tả cảm xúc về một nỗi buồn trải dài theo sông nước qua cụm từ “buồn điệp điệp” và một nỗi sầu lan tỏa trong vũ trụ qua cụm từ “sầu trăm ngả”.

→ Tóm lại, ở khổ thơ thứ nhất, Huy Cận đã đem đến cho người đọc cảm nhận về một không gian vũ trụ hoang sơ, mênh mông. Ở đó là nỗi buồn trong cái tôi lan tỏa trong cảnh vật, triền miên trong sóng nước.

2. Khổ 2: Niềm cô đơn, lạc lõng

Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,

Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.

Nắng xuống, trời lên sâu chót vót;

Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.

Trong khổ thơ này, xuất hiện những hình ảnh mang dấu ấn cuộc sống con người: cồn, làng, chợ. Tuy vậy, dấu ấn ấy hiện ra thật mờ nhạt, xa xôi, xơ xác, tiêu điều, ảm đạm:

  • Cồn thì lơ thơ, nhỏ, gió đìu hiu từ láy diễn tả sự ít ỏi, nhỏ bé, thưa thớt, quạnh vắng.
  • Làng thì xa, chợ chiều thì vãn, bến thì cô liêu.

→ Tất cả không đủ để an ủi tâm hồn tác giả với nỗi cô đơn lạc lõng trong lòng.

Huy Cận lại tìm về vũ trụ mênh mông để cảm nhận sự bao la, rộng lớn của nó:

“ Nắng xuống, trời lên sâu chót vót

Sông dài trời rộng bến cô liêu.”

  • Không gian mở ra rộng lớn đến rợn ngợp, nắng xuống đến đâu thì trời lên cao đến đó. Các từ xuống, lên, dài, rộng, sâu chỉ phương hướng, kích thước kết hợp với từ láy “chót vót” diễn tả sự giãn nở đến vô cùng, vô tận của không gian.
  • Trong không gian ấy, con người càng cảm thấy cô đơn, lạc lõng.

→ Tóm lại, ở khổ thơ thứ 2, Huy Cận đã bộc lộ niềm cô đơn, lạc lõng trước cuộc đời, trước vũ trụ mênh mông.

3. Khổ 3: Sự cô quạnh

Bèo dạt về đâu, hàng nối hàng;

Mênh mông không một chuyến đò ngang.

Không cầu gợi chút niềm thân mật,

Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.

Mở đầu khổ thơ là một câu hỏi tu từ diễn tả nỗi băn khoăn, trăn trở trong lòng tác giả về số kiếp con người trong xã hội:

  • Hình ảnh cánh bèo trôi dạt về đâu, khiến ta liên tưởng đến những kiếp người nhỏ bé trôi nổi, lạc loài vô định giữa dòng đời.
  • Cảnh vật vận động âm thầm lặng lẽ, cứ thế mà nối tiếp nhau trong không gian → gợi ra chiều dài vô tận của dòng sông. Câu thơ vừa tả cảnh vừa gợi tình.

Ba dòng thơ tiếp theo, không gian của tràng giang thật vắng vẻ, quạnh hiu:

  • Không có những phương tiện để con người gặp gỡ giao lưu, để cuộc sống thêm phần gắn bó (không một chuyến đò ngang, không một cây cầu). Sự cô quạnh được thi sĩ đặc tả bằng chính những cái không tồn taị.
  • Bên cạnh đó, những từ láy mênh mông, lặng lẽ được đẩy lên vị trí đầu câu thơ dưới hình thức đảo ngữ làm nổi bật cái hoang vắng, cái rộng lớn mênh mông của dòng sông.

Trong cái mênh mông ấy, con người càng cảm nhận rõ hơn cái cô đơn vì cuộc sống thiếu đi sự gần gũi, gắn bó. Trong niềm cô đơn ấy, ta nhận ra nỗi khao khát giao cảm với cuộc đời, với con người của nhà thơ.

4. Khổ 4: Lòng quê

Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,

Chim nghiêng cánh nhỏ : bóng chiều xa.

Lòng quê dợn dợn vời con nước,

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.

 trang-giang-1

Hai câu thơ đầu tiên, tác giả hướng đến bầu trời cao rộng với 2 hình ảnh quen thuộc trong thơ ca cổ điển là cánh chim và áng mây:

  • Áng mây: lớp lớp, đùn thành núi bạc → tạo nên không gian hùng vĩ. Bên cạnh đó chữ “ bạc” là sự kết hợp giữa màu trắng của mây và ánh sáng mặt trời → làm cho không gian thêm tráng lệ.
  • Cánh chim: nhỏ bé, nghiêng cánh trong trời chiều. Cánh chim xuất hiện tao nên sự tương phản, đối lập → làm cho sự sống lạc loài giữa vũ trụ bao la. Ngoài ra cánh chim được đặt trong tương quan với bóng chiều. Chim nghiêng cánh là cả bóng chiều rơi xuống đè nặng lên đôi cánh nhỏ, gợi cảm giác nặng nề trong không gian và trong lòng người.

Hai câu cuối, cảm xúc của nhân vật trữ tình không lan tỏa trong vũ trụ bao la nữa mà nó được xác định một cách cụ thể hơn, rõ ràng hơn. Đó là “lòng quê”:

  • “ Lòng quê”: là tình cảm tác giả dành cho quê hương đất nước.
  • “ Lòng quê dợn dợn vời con nước”: là tình cảm mênh mang, một thứ tình cảm gợi lên trong lòng tác giả, dập dìu theo con nước.
  • Ở đây, Huy Cận đã mượn tứ thơ của Thôi Hiệu trong bài “Lầu Hoàng Hạc” để diễn tả lòng mình:

“ Nhật mộ hương quan hà xứ thị

Yên ba giang thượng sử nhân sầu.”

Ngô Tất Tố dịch:

“ Quê hương khuất bóng hoàng hôn

Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.”

Trước đây, Thôi Hiệu thời nhà Đường xa quê, nhìn khói sóng trên sông mà trào dâng nỗi nhớ quê hương, nhưng Huy Cận thì: “Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”. Ông không cần đến cái gợi nhớ. Đó là tình cảm sâu sắc, mãnh liệt trong lòng nhà thơ.

→ Tóm lại, khổ thơ đã thể hiện tình yêu quê hương đất nước thầm kín của tác giả.

III. Tổng kết

Bằng sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố cổ điển với yếu tố hiện đại trong một bài thơ mới, Tràng giang đã thể hiện nỗi sầu của một cái tôi cô đơn trước thiên nhiên mênh mông hiu quạnh, trong đó thấm đượm cả nỗi sầu nhân thế và tấm lòng yêu nước thầm kín của thi sĩ.

IV. Bài tập SGK

Câu 1/ SGK Ngữ văn 10 cơ bản, trang 30.

Lời giải: Không gian và thời gian trong bài thơ đều là không gian và thời gian nghệ thuật góp phần thể hiện sâu sắc tư tưởng, tình cảm của tác giả.

  • Không gian: được trải ra từ mặt sông lên tận chót vót đỉnh trời, không gian được mở ra từ thăm sâu vũ trụ vào thăm thẳm tâm linh con người. Tất cả các chiều của không gian đều không có giới hạn, tất cả thấm sâu nỗi sầu nhân thế, nỗi buồn cô đơn của nhà thơ.
  • Thời gian: Tràng giang không những trôi xuôi theo dòng nước mà còn trôi theo dòng thời gian từ hiện tại về quá khứ xa xôi. Rồi từ dòng sông thời tiền sử, nhà thơ lại trở về hiện tại để tìm điểm tựa tinh thần ở quê hương đất nước.

Câu 2/ SGK Ngữ văn cơ bản, trang 30.

Lời giải: Câu thơ “Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà” gợi nhớ hai câu thơ của Thôi Hiệu trong bài thơ Lầu Hoàng Hạc. Cùng viết về khói sóng buổi hoàng hôn, cùng gợi nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương nhưng lại có sự khác biệt tiêu biểu giữa thơ cũ, thơ cổ điển và thơ mới, thơ hiện đại. Thơ cũ tả cảnh ngụ tình, cảnh vật khơi gợi tâm trạng. Thơ mới, thơ của cái tôi nội cảm, không cần mượn tới ngoại cảnh mà vẫn tự biểu hiện được những cung bậc cảm xúc thiết tha.


Giáo viên biên soạn: Trịnh Thị Thanh Qúy

Đơn vị: Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến

Tác giả: Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến - Tổ Văn

Bài 62: Thao tác lập luận bác bỏ
Bài 64: Luyện tập thao tác lập luận bác bỏ