Picture of the author
Picture of the author
SGK Ngữ Văn 8»1»Bài 15: Luyện tập tóm tắt văn bản tự sự

Bài 15: Luyện tập tóm tắt văn bản tự sự

Nội dung bài Luyện tập tóm tắt văn bản tự sự môn Văn 8 bộ sách giáo khoa. Nay chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu lý thuyết và bài tập minh họa một cách đầy đủ, dễ hiểu.

Xem thêm

Bài tập 1/ SGK/61, 62

a. Bản liệt kê đã nêu được những sự việc tiêu biểu và các nhân vật quan trọng của truyện. Nếu cần bổ sung thì em sẽ thêm sự việc “Lão Hạc cảm thấy buồn bã, ân hận khi đã bán cậu Vàng” và “Lão từ chối mọi sự giúp đỡ của ông giáo” . Tuy nhiên thứ tự sắp xếp còn chưa đúng.

b. Sắp xếp lại sự việc: b, a, g, d, c, e, i, h, k

c. Tóm tắt lại “Lão Hạc”

Lão Hạc là nông dân nghèo, vợ mất, con trai không lấy được vợ, bỏ đi làm ở đồn điền cao su. Lão sống thui thủi với cậu Vàng, chăm nó rất tốt. Vì cuộc sống ngày càng khó khăn, mất mùa, lão lại bệnh nên đành bán cậu Vàng. Lão rất đau khổ, ân hận khi kể với ông giáo vụ bán chó. Lão Hạc nhờ ông giáo giữ dùm 30 đồng để lo hậu sự và nhờ trông coi mảnh vườn. Sau đó, lão kiếm gì ăn nấy, từ chối sự giúp đỡ của mọi người, còn xin Binh Tư ít bả chó khiến ông giáo rất buồn. Lão Hạc chết thật đột ngột, đau đớn. Ông giáo chứng kiến, tự nhủ sẽ giữ đúng lời hứa với lão Hạc.

Bài tập 2/ SGK/62

Gia đình chị Dậu vừa nghèo lại thiếu nợ sưu thuế. Chị Dậu phải chạy lo đủ thứ nhưng chưa đủ tiền nên anh Dậu bị đánh thảm. May nhờ bà lão hàng xóm ái ngại cho hoàn cảnh của chị nên cho bát gạo để chị Dậu nấu cháo cho chồng. Cháo chín, chị Dậu bưng bát cháo đến cho chồng. Nhưng anh Dậu chưa kịp ăn thì bọn cai lệ xông vào, đòi sưu. Chị Dậu van xin khất nợ nhưng cai lệ không nghe. Hắn quát mắng, đánh chị Dậu, đòi trói anh Dậu. Vì bảo vệ chồng, chị Dậu phản kháng bọn cai lệ mạnh mẽ, quyết liệt.

Bài tập 3/ SGK/62

Văn bản “Trong lòng mẹ”

Chú bé Hồng sinh ra và lớn lên trong một gia đình không hạnh phúc: Người cha nghiện ngập rồi mất, người mẹ phải tha hương cầu thực. Hồng phải sống trong sự ghẻ lạnh của họ hàng. Gần đến ngày giỗ cha, bà cô hỏi thăm Hồng, nói ngọt, muốn mua vé cho Hồng vào thăm mẹ. Nhưng, nhận ra sự giả dối, cay độc của người cô, Hồng từ chối. Cậu luôn tin tưởng, thông cảm cho mẹ, ghét những cổ tục đã đày đọa mẹ. Chiều hôm giỗ cha, khi vừa tan học, Hồng thoáng thấy bóng người giống mẹ, liền gọi to, đuổi theo. Khi người mẹ quay lại, Hồng chạy đến sà vào lòng mẹ, òa khóc, cảm thấy hạnh phúc, quên hết những lời người cô nói.

Văn bản “Tôi đi học”

Hằng năm cứ vào cuối thu, khi thấy mấy em nhỏ núp dưới nón mẹ ngày đầu đi học, tác giả lại nhớ về kỉ niệm ngày đầu tiên đi học. Đó là một buổi sáng mùa thu, tác giả được mẹ dắt tay đi học, nhìn con đường quen nay thấy lạ, có suy nghĩ ngây thơ, non nớt. Nhân vật tôi đến trường trong cảm xúc bỡ ngỡ, lo sợ, chơ vơ khi xếp hàng, cảm thấy lúng túng khi nghe gọi tên. Cậu òa khóc khi nghe ông đốc nhắc xếp hàng vào lớp. Nhưng vào trong lớp, cậu lại thấy quen thuộc. Và bài học đầu tiên mà hôm đó thầy giáo viết lên bảng đó là bài tập viết: Tôi đi học!


Giáo viên biên soạn: Tô Thị Thúy Hằng

Đơn vị: Trung Tâm Đức Trí - 0286 6540419

Địa chỉ: 26/5 đường số 4, KP 3, P. Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân, TP. HCM

Fanpage: https://www.fb.com/ttductri

Tác giả: Tô Thị Thúy Hằng

Bài 14: Tóm tắt văn bản tự sự
Bài 17: Cô bé bán diêm (trích)