Picture of the author
Picture of the author
SGK Ngữ Văn 9»1» Bài 67: Trả Bài Tập Làm Văn Số 3

Bài 67: Trả Bài Tập Làm Văn Số 3

Lý thuyết bài Trả bài tập làm văn số 3 môn Văn 9 bộ sách giáo khoa. Nay chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu lý thuyết và bài tập minh họa một cách đầy đủ, dễ hiểu.

Xem thêm

I. Đề bài

Nhân ngày 20-11, kể cho các bạn nghe một kỉ niệm đáng nhớ giữa mình và thầy cô giáo cũ.

Thể loại : Tự sự + miêu tả nội tâm, nghị luận.

Đối tượng : Một kỉ niệm đáng nhớ giữa mình và thầy cô giáo cũ.

II. Nhận xét

1. Ưu điểm

a. Hình thức: Có nhiều bài trình bày sạch sẽ , dõ ràng, đúng thể loại, đủ bố cục…

b. Về nội dung:

Nhiều em biết làm bài đúng yêu cầu của đề, cảm xúc sâu sắc. Đa số HS hiểu được yêu cầu của đề bài, tạo dựng được tình huống.

Bài làm bước đầu biết kết hợp tự sự với miêu tả nội tâm, biểu cảm, nghị luận.

Có nhiều cách mở bài hay, nhiều em có ý thức cố gắng làm bài

Dàn bài

Mở bài:

  • Không khí tưng bừng đón chào ngày 20 - 11 ở trong trường lớp, ngoài xã hội.
  • Bản thân mình: nghĩ về thầy cô giáo và bồi hồi nhớ lại những kỉ niệm vui buồn cùng thầy cô, trong đó có một kỉ niệm không thể nào quên.

Thân bài:

  • Giới thiệu về kỉ niệm (câu chuyện): Đó là kỉ niệm gì,buồn hay vui,xảy ra trong hoàn cảnh nào,thời gian nào?...
  • Kể lại hoàn cảnh, tình huống diễn ra câu chuyện (kết hợp nghị luận và miêu tả nội tâm):
  • Kỉ niệm đó liên quan đến thầy(cô) giáo nào?
  • Đó là người thầy(cô) như thế nào?
  • Diện mạo, tính tình, công việc hằng ngày của thầy (cô).
  • Tình cảm,thái độ của học sinh đối với thầy cô.
  • Diễn biến của câu chuyện:
  • Câu chuyện khởi đầu rồi diễn biến như thế nào? Đâu là đỉnh điểm của câu chuyện?...
  • Tình cảm, thái độ, cách ứng xử của thầy (cô) và những người trong cuộc, người chứng kiến sự việc.
  • Câu chuyện kết thúc như thế nào? Suy nghĩ sau câu chuyện:Câu chuyện đã để lại cho em những nhận thức sâu sắc trong tình cảm, tâm hồn,trong suy nghĩ: tấm lòng, vai trò to lớn của thầy (cô), lòng biết ơn, kính trọng, yêu mến của bản thân đối với thầy (cô).

Kết bài:

  • Câu chuyện là kỉ niệm, là bài học đẹp và đáng nhớ trong hành trang vào đời của tuổi học trò.

2. Hạn chế

a. Hình thức : Còn một số bài viết ẩu, trình bày ẩu thả, dùng mực bôi, tẩy xoá nhiều, không biết cách chữa lỗi chính tả…

b. Nội dung:

Một số bài chưa biết cách vận dụng miêu tả nội tâm, nghị luận vào trong quá trình tự sự. Một số em chưa biết cách trình bày theo yêu cầu của đề bài

Việc chuẩn bị bài của một số học sinh chưa chu đáo , bài làm còn sai nhiều chính tả, trình bày ẩu thả , qua loa,

Đặc biệt, nhiều bài viết về những kỉ niệm chưa sâu sắc, tạo dựng tình huống chưa hợp lý, chưa biết cách tham khảo tài liệu.

Đa số bài làm còn kể lể, nội dung sơ sài, thiếu cảm xúc.

III. Chính tả

a. Lỗi chính tả: Cây bàn (bàng), nhân diệp ( dịp), quang sát( quan), thai đổi (thay), ra sau ( sao), mấc mác ( mất mát), thấm thoát (thoắt)…

b. Lỗi diễn đạt :

  • Năm đó, ngày này, tháng này….
  • Cô cố ép cho nước mắt trào ra…
  • Dãy nhà trường của BGH…
  • Cảm nghĩ của em rất hạnh phúc…
  • Có cỏ xanh tươi tràn ngập ngôi trường…
  • Dù ở nơi đâu, hay hẻm hẻo lánh nào…
  • Cây đại thi hào văn học…
  • Tính kiên trì trong cơ thể của em…
  • Khuôn mặt hồn nhiên cao thượng của thầy….

c. Lỗi dùng từ liên kết: Và , thì...

IV. Đọc bài mẫu

Tham khảo:

Trong tuổi thơ của mỗi người, ai cũng có những kỉ niệm đáng nhớ về thầy, cô giáo cũ của mình, những kĩ niệm đẹp xen lẫn nỗi buồn đều được khắc sâu trong trí nhớ của chúng ta. Riêng tôi có một kỉ niệm mà tôi không bao giờ quên, kỉ niệm sâu sắc về một người thầy đáng kính của tôi.

Kỉ niệm đó tôi chẳng thể nào quên. Ngày đầu tiên đến trường, với bao cảm xúc mới lạ, ngại ngùng, cái gì với tôi cũng thật mới lạ, bạn bè mới, thầy cô mới,... Ngày đó, tôi vẫn là cậu bé nép sau lưng mẹ, sợ sệt nhìn ngắm các bạn cùng trang lứa, những anh những chị đang vui đùa, chạy nhảy.  Buổi lễ khai giảng kết thúc, tất cả các học sinh đều bước vào lớp học của mình để học buổi học đầu tiên và gặp gỡ thầy cô giáo chủ nhiệm của mình và cũng là người sẽ gắn bó với tôi trong suốt thời gian học tiểu học. Rời khỏi vòng tay của mẹ bước vào lớp, tôi cảm thấy rất hồi hộp và lo lắng. Xung quanh tôi mọi thứ đều mới lạ, tôi không quen ai, cũng không biết gì về nơi đây. Vừa bước vào lớp, tôi đã không kìm được lòng mà òa khóc. Tôi khóc nức nở, nước mắt, nước mũi tèm nhem. Một vài đứa trẻ thấy tôi khóc, cũng òa khóc theo. Vậy là những tiếng khóa òa thút thít bắt đầu vang lên. Chợt có môt bàn tay đặt lên vai tôi. Đôi bàn tay gầy gầy nhưng thật ấm áp làm tôi cảm thấy an tâm hẳn. Hóa ra đôi bàn tay ấy là của thầy Hòa- chủ nhiệm lớp tôi khi ấy. Thầy mỉm cười, xoa đầu tôi và nhẹ nhàng trấn an cả lớp. Tôi trông thầy cũng đã đứng tuổi, tóc thầy cũng đã điểm bạc, khuôn mặt thầy gầy, bàn tay thầy có nhiều vết nhăn, chắc thầy đã có mấy chục năm lận đận với học sinh.

Thầy bước lên bục giảng, thầy ra hiệu cho chúng tôi im lặng và thầy nói: chào các con, thầy tên là Nguyễn Viết Hòa, thầy sẽ chủ nhiệm lớp các con trong suốt bậc tiểu học. Giọng thầy thật ấm áp, nhẹ nhàng, làm cho những suy nghĩ trong đầu tôi về một người thầy giáo chủ nhiệm thật dữ dằn và nghiêm khắc đều tan biến. Sau khi ra mắt chúng tôi, thầy bắt đầu dạy cho chúng tôi những bài học đầu tiên mà cũng là những bài học đầu đời dạy tôi nên người. Thầy viết những nét chữ đầu tiên chậm rãi, nắn nót trông thật đẹp. Sau khi viết xong đề bài, thầy hỏi chúng tôi có thấy rõ không, một và bạn ngồi phía dưới do mắt kém nên không thấy liền được thầy chỗ khác cho phù hợp. Trong buổi học thầy đến tận chỗ của từng người để chỉ cho chúng tôi những chỗ không hiểu, những chỗ cần chỉnh sửa. Cuối giờ, thầy cho chúng tôi xếp hàng ra về, mọi người đi về rất thẳng hàng, tiếng cười đùa của một vài bạn đã làm xôn ao khắp sân trường. Buổi học đầu tiên đã kết thúc như vậy đó, thầy đã để lại cho tôi những suy nghĩ về một người thầy mẫu mực. Những buổi học sau, thầy nghiêm khắc với những bạn lười học, khen thưởng những bạn ngoan. Giờ ra chơi, thầy đều ra chơi cùng chúng tôi, thầy chơi những rò chơi dân gian cùng với chúng tôi, nhìn khuôn mặt thầy lúc đấy thật đáng yêu, nhìn kĩ thầy, tôi có cảm giác khuôn mặt thầy rất giống khuôn mặt ông nội tôi. Ông tôi đã mất từ khi tôi còn nhỏ, những kỉ niệm đẹp của ông và tôi đều được tôi khắc ghi.

Nhìn thầy, tôi cảm thấy nhớ đến ông, nhớ đến cảnh chơi đùa của hai ông cháu, tôi liền chạy vào phòng học, ngồi trong góc khóc. Lúc đó có một bàn tay đặt lên vai tôi khẽ vỗ về, hình ảnh ông nội vỗ về tôi mỗi khi buồn hiện về, tôi bỗng khóc to lên, không sao có thể kiềm chế được. Thì ra đó chính là thầy, thầy khẽ nói với tôi:" Thành, sao con khóc, nói ra để thầy chia sẽ với con". Rồi thầy ôm tôi vào lòng, nhận được sự an ủi của thầy, tôi càng khóc to hơn. Sau hôm đó tôi cảm thấy được thầy quan tâm nhiều hơn.

Vào một hôm, do tôi không học bài nên bị điểm kém, thầy liền mắng tôi, tôi liền chạy về chỗ ngồi, trong lòng tôi cảm thấy rất tức thầy. Vào giờ ra chơi thầy không ra chơi với các bạn như mọi khi, thầy xuống chỗ tôi. Thầy nói:"thầy xin lỗi em vì đã quá nặng lời, nhưng em là lớp trưởng nên phải gương mẩu cho các bạn noi theo.... thầy giảng lại cho tôi bài tôi chưa hiểu. Tôi nhìn thầy lúc đó mà trong lòng cảm thấy hối hận vô cùng, ân hận vì đã làm thầy buồn. tôi tự hứa sẽ cố gắng phấn đấu tốt hơn.

Vậy đấy, thầy đã để lại cho tôi những kỉ niệm không bao giờ phai mờ về một người thầy giản dị mà thân thương. Tôi hứa sẽ cố gắng học tập để trở thành công dân tốt, có ích cho đất nước và xã hội. Công ơn thầy sẽ mãi được khắc ghi như câu danh ngôn: "Ngọc không mài không sáng, người không học không tài."


Biên soạn: GV Nguyễn Duy Tuấn

SĐT: 0945441181

Đơn vị: Trung Tâm Đức Trí - 0286 6540419

Địa chỉ: 26/5 đường số 4, KP 3, P. Bình Hưng Hòa A, Q. Bình Tân, TP. HCM

Fanpage: https://www.fb.com/ttductri

Tác giả: Nguyễn Duy Tuấn

Bài 63: Ôn Tập Phần Tập Làm Văn (tiếp theo)